NATO chính thức đưa tên lửa tới sát Nga
Reuters đưa tin, liên minh quân sự NATO ngày 10/7 ra tuyên bố cho biết, căn cứ phòng không mới của Mỹ ở miền bắc Ba Lan đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Căn cứ này là một phần trong "lá chắn tên lửa mở rộng" của NATO, được trang bị radar và tên lửa đánh chặn tiên tiến để phát hiện, cũng như ngăn chặn kịp thời các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo.
Các thành phần quan trọng khác của "lá chắn tên lửa NATO" bao gồm căn cứ Aegis Ashore ở Romania, 2 tàu khu trục Hải quân Mỹ đóng tại cảng Rota (Tây Ban Nha) và 1 đài radar cảnh báo sớm đặt tại thị trấn Kurecik (Thổ Nhĩ Kỳ).
Phát biểu bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng, sự sẵn sàng của căn cứ này là một bước đi quan trọng đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương, trong bối cảnh mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo ngày càng gia tăng.
"Là một liên minh phòng thủ, chúng tôi không thể bỏ qua mối đe dọa đó. Phòng thủ tên lửa là một yếu tố thiết yếu trong nhiệm vụ phòng thủ tập thể cốt lõi của NATO" – Ông Stoltenberg nói, đồng thời lưu ý rằng, tên lửa đạn đạo đã được sử dụng rộng rãi trong các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông.
Cũng theo tuyên bố của NATO, hệ thống đánh chặn được triển khai tại căn cứ mới là Aegis Ashore, mệnh danh "lá chắn thép" và trang bị tên lửa đánh chặn Standard Missile (SM), trong đó phiên bản SM-6 có tầm bắn lên tới 460km.
Địa điểm đặt căn cứ là thị trấn Redzikowo, phía bắc Ba Lan. Theo trang tin Forces Network (Anh), căn cứ này nằm cách Kaliningrad – vùng lãnh thổ của Nga trên biển Baltic – chưa đầy 200km.
Đáng lưu ý, cũng trong ngày 10/7, để thể hiện cam kết với NATO và phòng thủ chung châu Âu, chính phủ Mỹ và Đức đã công bố thông tin về việc Washington bắt đầu triển khai tên lửa tầm xa ở Đức sau cuộc hội đàm song phương bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Các hệ thống vũ khí được triển khai tới Đức từ năm 2026 sẽ bao gồm tên lửa phòng không SM-6 (tầm bắn 460 km) và tên lửa hành trình Tomahawk với khả năng tấn công các mục tiêu ở cách xa hơn 2.500 km.
Theo Đài RT (Nga), đây đều là những loại tên lửa đã bị cấm ở châu Âu cho tới khi Washington rút khỏi bước ngoặt từ thời Chiến tranh Lanh vào năm 2019.
Nhà Trắng cho biết "vũ khí siêu vượt âm đang phát triển" cũng sẽ được đặt ở Đức và sẽ có "tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí trên đất liền hiện nay ở châu Âu".
Chuẩn bị cho chiến tranh toàn diện
Tờ Telegraph (Anh) cho biết, NATO đang ráo riết chuẩn bị cho tình huống chiến tranh với Nga. Ngoài việc triển khai tên lửa phòng thủ, liên minh quân sự phương Tây đang lên kế hoạch cho các tuyến đường hậu cần để chuẩn bị cho tình huống châu Âu bị Nga tấn công [NATO không coi Nga là một phần châu Âu].
Telegraph vào tháng 6 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, NATO đang phát triển nhiều "hành lang trên bộ" để binh lính và xe thiết giáp của Mỹ có thể ra tiền tuyến nhanh nhất trong trường hợp nổ ra chiến tranh trên bộ quy mô lớn giữa châu Âu và Nga.
Theo kế hoạch này, trong trường hợp Nga tấn công NATO, lực lượng Mỹ sẽ tới cảng Rotterdam (Hàn Lan) trước khi lên tàu vận chuyển sang Đức và sau đó tới Ba Lan.
Trước đó, các lãnh đạo NATO đã chấp thuận việc chuẩn bị 300.000 quân trong trạng thái sẵn sàng cao độ để bảo vệ liên minh.
Ba Lan là một trong số các nước đang rất lo ngại nguy cơ Nga tấn công. Nước này cáo buộc tên lửa hành trình Nga đã nhiều lần xâm phạm không phận Ba Lan khi nhắm vào miền tây Ukraine.
Tháng 5 vừa qua, Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) thành lập "lữ đoàn hạng nặng" riêng, gồm các lực lượng phản ứng nhanh, để ứng phó hiệu quả với kịch bản Nga tấn công trong tương lai.
Mới đây nhất, trong cuộc họp báo ngày 10/7, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Ba Lan Wieslaw Kukula nhấn mạnh rằng, Warsaw cần chuẩn bị lực lượng cho một cuộc xung đột toàn diện, đề cập tới việc nước này tăng cường số lượng binh sĩ ở biên giới với Nga và Belarus.
"Hôm nay, chúng ta cần chuẩn bị lực lượng cho một cuộc xung đột toàn diện, chứ không phải xung đột phi đối xứng" – Ông Kukula nói.
Phát biểu tại cùng sự kiện này, Thứ trưởng Quốc phòng Pawel Bejda cho biết kể từ tháng 8 tới, số lượng quân bảo vệ biên giới phía đông Ba Lan sẽ tăng lên 8.000 quân (so với mức 6.000 hiện tại), và lực lượng hậu phương bổ sung gồm 9.000 người, có khả năng sẵn sàng tiếp ứng trong vòng 48 giờ kể từ khi được thông báo.
Trước đó, vào tháng 1, Bộ Quốc phòng Ba Lan thông báo đang tuyển mộ khoảng 8.000 binh sĩ cho Lực lượng Phòng thủ lãnh thổ, và đặt mục tiêu đưa tổng quân số của quân đội Ba Lan lên 300.000 quân trước mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Nga.
Chuyên gia cải cách quân sự Ba Lan Mariusz Blaszczak cho hay, các động thái của Warsaw nhằm "tạo ra mức độ răn đe nhất định tới Tổng thống Nga Vladimir Putin,để từ đó nhà lãnh đạo Nga từ bỏ ý định tấn công Ba Lan".
Quân đội Nga hành động
Phản ứng trước các động thái của Mỹ và NATO, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 11/7 cho biết, cơ sở quân sự của NATO đang tiếp tục tiến về phía biên giới Nga, đánh dấu một bước leo thang nguy hiểm.
Trước đó, Moscow đã lên tiếng cảnh báo Ba Lan khi đồng ý cho NATO triển khai tên lửa Mỹ trên lãnh thổ nước này và nhấn mạnh rằng "học thuyết an ninh cho phép Nga sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại đồng minh tích cực của một cường quốc hạt nhân như Mỹ".
Cùng ngày, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cảnh báo, Moscow sẽ thiết lập "phản ứng quân sự" để đối phó với kế hoạch triển khai tên lửa tầm xa của Mỹ ở Đức và quân đội Nga "đã bắt đầu giải quyết vấn đề".
Ông Ryabkov lưu ý rằng, thông qua quyết định triển khai tên lửa ở Đức, Mỹ và đồng minh đang nhắm tới mục đích gây tổn hại đến an ninh của Nga.
"Phản ứng của chúng tôi sẽ được xác định một cách bình tĩnh và chuyên nghiệp. Quân đội của chúng tôi đã bắt đầu giải quyết vấn đề này. Tất nhiên, chúng tôi sẽ phân tích những hệ thống cụ thể nào sẽ được thảo luận, và sẽ xác định phản ứng quân sự đối với mối đe dọa mới này" – Ông Ryabkov nói.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov thì nhấn mạnh rằng, kế hoạch của Mỹ sẽ "làm gia tăng nguy cơ chạy đua vũ trang và có thể kích động các tình huống leo thang mất kiểm soát".