Lựa chọn của Ấn Độ
Tạp chí Defence News dẫn nguồn tin từ nhà thầu quân sự Raytheon cho biết, Ấn Độ đã quyết định mua 245 tên lửa không đối không Stinger, cùng các hệ thống phóng để lắp đặt trên các trực thăng tấn công của nước này.
Thoả thuận cung cấp các tên lửa Stinger đã được thống nhất bởi Bộ Quốc phòng Ấn Độ và Mỹ.
Hợp đồng mua các tên lửa Stinger của Ấn Độ nằm trong một thoả thuận lớn hơn giữa Ấn Độ và Mỹ nhằm mua các loại trực thăng chiến đấu, vũ khí, radar, thiết bị điện tử trị giá 3,1 tỉ USD.
Ông Duane Gooden, đại diện của công ty Raytheon cho biết hôm 2/4: Ấn Độ đã gia nhập những quốc gia trên thế giới nhận ra rằng, tên lửa không đối không Stinger là một thành phần không thể thiếu của các máy bay tấn công.
Stinger tăng khả năng công kích, giúp nó tiêu diệt được những mối đe doạ nguy hiểm nhất”.
Tên lửa FIM-92 Stinger.
Trước khi Ấn Độ đưa ra quyết định lựa chọn tên lửa Stinger, Nga đã chính thức giới thiệu và chào bán tên lửa 9K333 Verba tại Triển lãm Defexpo diễn ra từ ngày 28-31/3 ở Ấn Độ.
Phó tổng giám đốc tập đoàn xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport Sergei Goreslavsky cho biết: "Nga có truyền thống là một trong các nước chế tạo vũ khí phòng không hàng đầu thế giới, trong đó có các hệ thống tên lửa vác vai.
Chúng tôi tự tin rằng, tên lửa Verba sẽ thu hút được sự quan tâm của quân đội Ấn Độ và các đối tác của chúng tôi ở Đông Nam Á cũng như ở những khu vực khác".
Tuy nhiên, thông điệp của Nga đã không được quan tâm tại Ấn Độ khi nước này đã quyết định lựa chọn tên lửa Stinger của Mỹ.
Nga đang mất vị thế?
Dù Ấn độ không chọn Verba hay trực thăng Mi-28N, máy bay Il-76... mà thay vào đó là tên lửa và máy bay của Mỹ nhưng chừng đó chưa đủ cho thấy vũ khí Nga đang mất dần vị thế tại Ấn Độ.
Cơ quan báo chí thuộc Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết Nga vững chắc ở vị trí thứ nhất trong danh sách những đối tác quân sự của Ấn Độ.
Từ năm tài khoá 2012 - 2013 đến hết 2014 - 2015 (bắt đầu từ 1/4 và kết thúc vào 31/3), Moscow đã cung cấp cho Ấn Độ các thiết bị quân sự với tổng trị giá lên tới 340 tỷ rupi (hơn 5 tỷ USD).
Xếp ở vị trí thứ 2 theo chỉ số này là Mỹ. Nước trong giai đoạn vừa qua đã kiếm được hơn 300 tỷ rupi, tương đương 4,4 tỷ đôla.
Các thương vụ cung cấp vũ khí đã ký kết cũng có những kết quả tương tự. Trong số 67 hợp đồng mua vũ khí nước ngoài thì Ấn Độ ký 18 với Nga, 13 với Mỹ và 6 với Pháp.
Ngoài ra, hơn 70% xe tăng, pháo tự hành, pháo phản lực, máy bay tiêm kích, cường kích, máy bay do thám tầm xa, trực thăng, hàng không mẫu hạm, tàu chiến, tàu ngầm hạt nhân và diesel, hệ thống phòng thủ bờ biển hiện đang được Ấn Độ sử dụng là do Nga và Liên Xô sản xuất.
Tính đến thời điểm hiện tại, 40% thiết bị trong quân đội Ấn Độ, được sản xuất tại Nga hoặc lắp ráp theo bản quyền của Nga tại những nhà máy bản địa. Trong lĩnh vực hàng không tỷ lệ này chiếm tới 80% còn hải quân là 75%.
Không chỉ có vậy, trong khi truyền thông phương Tây hoan hỉ với việc Nga thua cuộc trong gói thầu cung cấp trực thăng tấn công, máy bay vận tải cho Dehli, thì họ quên rằng trước đó Ấn Độ đã mua 50 trực thăng vận tải Mi-17V-5 và dự kiến sản xuất 200 chiếc Ka-226T tại các nhà máy của họ.
Ngoài ra, Ấn Độ còn quan tâm tới các tổ hợp tên lửa phòng không S-400, Tor-M2KM, Pantsir-S1 và nhiều vũ khí khác của Nga. Vì vậy, nếu nói rằng vũ khí Nga đang mất dần vị thế tại Ấn Độ là nhận định chưa thật chính xác.