Từ Pantsir-S1 "Made in Russia"...
Lực lượng viễn chinh quân sự Nga ở Syria được trang bị những vũ khí phòng không rất hiện đại. Tương tự, phòng không Syria cũng vậy.
Cả hai đều có điểm chung đó là cùng sở hữu tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 được mệnh danh là "sát thủ" đối với các loại mục tiêu bay, nhất là các phương tiện bay cỡ nhỏ, bám địa hình như tên lửa hành trình, bom lượn, máy bay không người lái mini,...
Qua thực chiến tại Syria - chiến trường khốc liệt nhất trên thế giới kể từ năm 2015 tới nay, Pantsir-S1 đã chứng minh được hiệu suất chiến đấu khá tốt.
Dù đâu đó vẫn có thông tin trái chiều rằng tổ hợp phòng không tầm thấp này không tuyệt vời như quảng cáo, nhưng những loại bom, tên lửa "mới, đẹp và thông minh" của Mỹ-Anh-Pháp và Israel hay UAV cỡ nhỏ của phiến quân Syria liên tiếp bị hạ với số lượng lớn là điều không thể chối cãi và chính Pantsir-S1 đã làm nên những điều thần kỳ.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir-S1 do Nga chế tạo.
Cùng với những loại tên lửa phòng không khác như Buk-M2, Kub, Pechora, Strela-10M, Pantsir-S1 đã góp công lớn, giúp phòng không Syria bẻ gãy đòn tấn công ồ ạt của Anh-Pháp-Mỹ hồi tháng 4/2018 cũng như ngăn chặn thành công các đợt tấn công bất ngờ và hết sức tinh tinh khôn của Israel.
Cùng với Tor-M2, Pantsir-S1 đã bảo vệ an toàn các đầu não của Nga ở Syria như căn cứ không quân Khmeimim và căn cứ hải quân Tartus khi bắn hạ hầu như toàn bộ các máy bay không người lái mang vật liệu nổ tự chế tấn công vào những yết hầu quan trọng này.
Nhờ những gì đã chứng minh được ở Syria, Pantsir-S1 trở thành một trong những tổ hợp phòng không tầm thấp bán chạy nhất thế giới.
... tới "Mini Pantsir-S1 Made in Vietnam"
Việt Nam vốn là quốc gia có tiềm lực về kinh tế, khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học kỹ thuật quân sự còn hạn chế trong khi luôn phải sẵn sàng đối phó với những đối phương lắm của, nhiều tiền, có vũ khí hiện đại, thông minh với số lượng lớn. Do vậy, phương châm tác chiến của ta vẫn là tác chiến phi đối xứng, phòng tránh đánh trả là chủ yếu.
Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Quốc phòng, bên cạnh việc mua sắm vũ khí trang bị mới, hiện đại từ nước ngoài thì ngành công nghiệp quốc phòng nước ta đã được đầu tư chiều sâu để chế tạo những loại vũ khí trang bị tương đối hiện đại, từng bước làm chủ công nghệ mới.
Tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp cơ động do Việt Nam chế tạo. Ảnh: QPVN.
Một trong những thành tựu mới nhất và đáng tự hào đó là CNQP Việt Nam đã ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới để chế tạo thành công tổ hợp tên lửa phòng không tầm thấp A-72 cơ động nhanh, đáp ứng yêu cầu của tác chiến hiện đại, góp phần bẻ gãy các cuộc tấn công cả ban ngày lẫn ban đêm của đối phương.
Dự án do Quân chủng PK-KQ cùng Viện Khoa học Công nghệ Quân sự phối hợp triển khai. Theo đó, tổ hợp gồm 4 quả tên lửa vác vai A-72 đặt trên 1 bệ phóng tích hợp với hệ thống quan sát quang điển tử và hệ thống điều khiển trung tâm, giúp trắc thủ điều khiển hoàn toàn làm chủ được mọi hoạt động tác chiến.
Đài quan sát gồm camera ảnh nhiệt hồng ngoại, camera ánh sáng ngày cùng với thiết bị đo xa lade tích hợp thêm hệ thống ổn định đường ngắm giúp cho hệ thống có thể tác chiến được trong quá trình cơ động và hành quân trong tương lai, đảm bảo quan sát, bắt bám và phóng đạn diệt mục tiêu trong mọi điều kiện thời tiết, bất kể ngày hay đêm.
Tên lửa và khí tài quang điện tử đáp ứng các yêu cầu về tự động hóa và công tác chuẩn bị tên lửa và đảm bảo hiệu suất hỏa lực cao hợp nhất thông tin mục tiêu từ đầu tự dẫn tên lửa và khí tài quang điện tử đáp ứng yêu cầu bám sát và chọn thời cơ bắn mục tiêu kích thước nhỏ bay thấp bám địa hình một cách chính xác.
Trung tâm chỉ huy điều khiển của tổ hợp. Ảnh: QPVN.
Bệ phóng với 4 quả tên lửa tích hợp cùng đài quan sát quang điện tử hiện đại. Ảnh: QPVN.
Về tính năng của tên lửa A-72 không có gì thay đổi so với thiết kế nguyên bản, vẫn có thể vác vai phóng bình thường, tuy nhiên khi đưa ra xe thì chỉ cần thay đổi phần chuẩn bị phóng. Có thể phóng được liên tiếp 4 quả với giãn cách phóng là nhỏ hơn 15 giây, tăng khả năng chống tập kích đường không ồ ạt.
Khi điều kiện cho phép, chúng ta hoàn toàn có thể tích hợp các loại tên lửa hiện đại hơn như Igla-S để nâng cao hơn nữa uy lực chiến đấu của tổ hợp này.
Do đây là tổ hợp phòng không cơ động nên chúng có khả năng tác chiến độc lập rất cao vì hệ thống có công chờ để liên tục đón nhận thông tin từ các phương tiện trinh sát khác về tình huống trên không. Với thành công này sẽ tạo tiền đề cho việc phát triển các hệ thống phòng không cơ động "Made in Vietnam" hiện đại hơn sau này.
Tuy nhiên để đạt được độ tinh xảo, chính xác và hiệu suất như tổ hợp Pantsir-S1 do Nga chế tạo thì các nhà khoa học Việt Nam sẽ còn phải phấn đấu nỗ lực và cần thêm thời gian nữa. Tuy nhiên, nếu không bắt đầu từ ngay ngày hôm nay thì chúng ta sẽ mãi đi sau so với thế giới.
Vì thế, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào với sản phẩm "mini Pantsir-S1 Made in Vietnam".