Thông tin về cuộc tấn công này được cơ quan báo chí của Hezbollah cho biết, vụ tấn công do các binh sĩ thuộc Lữ đoàn số 90 thực hiện hôm 17/9 và mục tiêu là nhóm thánh chiến Hồi giáo Jabhat Fateh al-Sham (tên mới của nhóm Mặt trận Al Nusra, chi nhánh Al Qaeda ở Syria).
Theo hình ảnh được công bố, binh sĩ Syria đã dùng tên lửa chống tăng AT3 đánh trúng và phá hủy thành công mục tiêu là chiếc xe ủi của nhóm Jabhat Fateh al-Sham khi đang hoạt động trên Cao nguyên Golan.
Tên lửa AT-3 trước khi rời bệ phóng
Hezbollah cho biết, chiếc xe ủi vừa tiêu diệt được đánh giá là mục tiêu ngon ăn nhất của tên lửa chống tăng AT-3 từ trước đến nay. Theo nguồn tin này, cuộc chiến Yom Kippur (năm 1973) đã ghi dấu chiến công lớn của AT-3 trong quân đội Ai Cập khi tên lửa này đã tiêu diệt khoảng 800 xe tăng các loại Israel.
Tổ hợp tên lửa AT-3 Sagger (định danh của NATO) là loại tên lửa chống tăng điều khiển thủ công (MCLOS) bằng dây của Liên Xô. Trong thời gian từ 1962 - 1970, số tên lửa được sản xuất và đưa vào sử dụng đã đạt đến đỉnh cao là 25.000 quả mỗi năm.
Được sản xuất dựa trên những kinh nghiệm rút ra từ AT-1/2 nên AT-3 có nhiều ưu điểm như kích thước nhỏ gọn hơn nhưng sức xuyên vẫn được đảm bảo. Theo biên chế của Liên Xô, mỗi trung đội AT-3 có 2 tổ, mỗi tổ có 2 khẩu đội.
Trong mỗi khẩu đội, ngoài xạ thủ chính điều khiển tên lửa còn có 1 xạ thủ phụ sử dụng súng chống tăng RPG-7 để khống chế khoảng cách 500 m mà tên lửa không phát huy được tác dụng.
AT-3 được thiết kế để có thể mang vác hoặc lắp đặt trên các loại xe chiến đấu bộ binh như BMP-1, BRDM-1/2... Khi mang vác, tên lửa được đặt trong một va li mà lúc chiến đấu chính là bệ phóng 9P111.
Xạ thủ sẽ sử dụng bộ điều khiển 9S415 để lái tên lửa đến mục tiêu bằng cách truyền tín hiệu qua dây dẫn. Thông số cơ bản: Dài: 0,86 m; Trọng lượng: 10,9 kg (đầu đạn 2,5 kg HEAT); Tầm bắn: 0,5 - 3,0 km; Sức xuyên: 400 mm giáp đồng nhất.
Ngoài chiến trường Trung Đông, loại vũ khí này cũng đã được Liên Xô viện trợ cho Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và sự xuất hiện của AT-3 đã làm quân đội VNCH choáng váng. Vũ khí này đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và vô hiệu hóa lực lượng tăng - thiết giáp của Mỹ và VNCH thời đó.
Đặc biệt, AT-3 đã làm cho hàng loạt cỗ xe tăng "bất khả xâm phạm" thời đó là M48A3 phải tan xác trên chiến trường. Mặc dù hiện nay, Nga đã thay thế AT-3 bằng các loại tên lửa chống tăng hiện đại hơn nhưng tại Trung Đông vẫn tiếp tục được nâng cấp và trở thành vũ khí chống tăng chủ lực.
Theo nhận định của tạp chí Defense News hồi cuối tháng 6/2016, dù được sản xuất dưới thời Liên Xô nhưng đến nay AT-3 vẫn đủ sức hạ gục bất cừ dòng tăng hiện đại nào. Để làm được điều đó phần nhiều dựa vào thiết kế khá lạc hậu của vũ khí này.
Thay vì được dẫn đường bằng laser hay bằng hình ảnh hồng ngoại, AT-3 lại được điều khiển bằng dây dẫn và chính thiết kế này đã vô hiệu mọi nỗ lực gây nhiễu của đối phương, Defense News nhận định.
Tên lửa AT-3 phá nát xe ủi trên Cao nguyên Golan