Lực lượng phiến quân có thể đã sử dụng các tên lửa đất đối không để bắn hạ chiếc máy bay trực thăng Mi-17 của Quân đội Chính phủ Syria (SAA) hôm 11/2 vừa qua.
Đây được đánh giá là diễn biến có khả năng sẽ làm thay đổi cán cân sức mạnh giữa các phe phái đối lập đang tham gia vào cuộc xung đột ở vùng Đông Bắc Syria.
Đoạn video đăng tải trên mạng cho thấy chiếc trực thăng quân sự Mi-17 đã bị bắn rơi bằng một tên lửa phòng không vác vai (MANPAD) ở Idlib trong bối cảnh đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa các nhóm phiến quân và quân chính phủ Syria do Nga hậu thuẫn.
Lực lượng nào thực sự đã đứng sau vụ phóng tên lửa này vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn và đoàn video cũng không thể được kiểm chứng độc lập.
Tuy nhiên, người ta đã nhìn thấy các tay súng phiến quân Syria có những hành động hoan hỉ khi chiếc máy bay bốc cháy, nhào lộn trên không nhiều vòng rồi lao đầu xuống đất.
Chiếc trực thăng quân sự Mi-17 khi bị trúng tên lửa. Ảnh: South Front
Khi xảy ra sự việc, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đang có mặt tại đó, trên địa bàn tỉnh Idlib. Vì vậy, rất có khả năng binh lính nước này đã ngầm tiếp tay cho các nhóm phiến quân loại tên lửa vác vai đề cập ở trên.
Nếu được xác nhận, việc sử dụng hoặc cung cấp các tên lửa dùng cho mục đích bắn hạ máy bay của quân Chính phủ Syria sẽ đánh giấu một bước leo thang căng thẳng mới trong cuộc chiến đã kéo dài gần 10 năm này ở Syria.
MANPAD được sử dụng thành công đồng nghĩa với việc nó sẽ trở thành mối đe dọa hiện hữu buộc Quân đội Syria phải giới hạn khả năng dùng tới trực thăng vũ trang tấn công các thành trì của khủng bố nếu không muốn đón nhận những thiệt hại tiếp theo. Trên thực tế, sau khi chiếc trực thăng Mi-17 bị bắn rơi, tần suất các vụ không kích ở Idlib đã giảm đi rõ rệt.
Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn cho một số nhóm phiến quân ở Syria, lực lượng đang chiến đầu bên cạnh tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan Hayyat Tahrir al-Sham (HTS), một chi nhánh của al-Qaeda từng là mục tiêu của các vụ không kích do Mỹ tiến hành.
Trong quá khứ, Mỹ từng thúc giục các đồng minh hạn chế chuyển giao MANPAD cho phiến quân Syria. Tuy nhiên, không ít lần chúng đã được các tay súng phiến quân sử dụng.
Xác máy bay cường kích Su-25 bị bắn rơi tại Syria. Ảnh: Reuters
Điển hình nhất là ngày 3/2/2018 khi một máy bay Sukhoi Su-25 của Quân đội Nga cũng từng bị bắn hạ bằng loại tên lửa vác vai này và cũng chính trên địa bàn Idlib.
Chiếc máy bay cường kích Su-25 của Không quân Nga đã bị bắn hạ bởi một quả MANPAD trên địa phận tỉnh Idlib tại một khu vực do tổ chức khủng bố Jabhat Fatah al-Sham (trước đây là Jabhat al-Nusra) kiểm soát.
Phi công Filipov kịp nhảy dù thoát ra ngoài nhưng sau đó đã anh dũng hy sinh trong cuộc giao chiến với nhóm phiến quân bao vây khi anh vừa tiếp đất. Filipov đã sử dụng lựu đạn mang theo mình để tự sát, không để các tay súng khủng bố phiến quân bắt giữ.
Với hành động chiến đấu quả cảm tới những giây phút cuối cùng, Filipov đã được Tổng thống Vladimir Putin truy tặng danh hiệu Anh hùng Liên bang Nga.
Đoạn clip ghi lại cảnh máy bay trực thăng của Syria bị bắn rơi tại Idlib.