A300 là thế hệ pháo phản lực dẫn đường tối tân nhất của Trung Quốc, được sản xuất nhằm phục vụ mục đích chính yếu là xuất khẩu.
Đây là một tổ hợp pháo phản lực "lai" tên lửa đạn đạo chiến thuật sở hữu nhiều tính năng cực kỳ tiên tiến, ví dụ như trọng lượng rocket chỉ là 800 kg nhưng nó mang theo được đầu đạn nặng tới 150 kg, chiếm 18,75% tổng khối lượng; tầm bắn của A300 nằm trong khoảng 20 - 290 km; nhờ tích hợp bộ dẫn đường hiệu chỉnh GPS giai đoạn cuối mà sai số của nó chỉ trong tầm 5 - 7 m.
A300 của Trung Quốc là hệ thống pháo phản lực dẫn đường có tầm bắn xa nhất thế giới hiện nay
Nếu đặt cạnh một sản phẩm khác đang rất "ăn khách" trên thị trường vũ khí thế giới là Iskander-E của Nga thì có thể nhận thấy ưu thế rõ ràng đang thuộc về A300.
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E là bản sửa đổi từ nguyên mẫu Iskander-M đang có trong biên chế Quân đội Nga nhằm phục vụ xuất khẩu. Thay đổi chính yếu đó là tầm bắn của Iskander-E bị giảm xuống chỉ còn 280 km thay vì 500 km để không vi phạm Hiệp ước kiểm soát công nghệ tên lửa.
Ngoài ra Iskander-E còn không được trang bị đầu dò quang điện như Iskander-M, khiến vòng tròn sai số bị tăng vọt lên tới 20 - 30 m (thay vì chỉ là 5 - 7 m).
Đạn tên lửa có trọng lượng phóng 3.800 kg nhưng đầu đạn chỉ là 480 kg, chiếm 12,6% tổng khối lượng, như vậy là nhỏ hơn A300, tầm bắn tối thiểu của nó là 50 km, khiến khoảng trống phía trước khẩu đội "mênh mông" hơn nhiều nếu đặt cạnh tổ hợp MLRS của Trung Quốc.
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E của Nga
Một yếu tố nữa cũng rất quan trọng đó là mỗi xe mang phóng của Iskander-E chỉ mang được 2 đạn tên lửa so với 8 rocket của A300, khiến cho số lượng mục tiêu có thể tham chiến của nó chỉ bằng 25% so với đối thủ đến từ Trung Quốc.
Ngoài ra A300 chỉ cần vỏn vẹn 50 giây để tung ra 8 "cú đấm" vào những đối tượng khác nhau, còn Iskander-E cần tới 1 phút sau khi phóng tên lửa thứ nhất mới khai hỏa được tiếp quả thứ hai.
Thời gian đổi trạng thái sẵn sàng bắn từ khi hành quân của hai loại theo đánh giá là ngang nhau nhưng A300 yêu cầu có 8 phút tái nạp nhờ kết cấu module của container phóng, con số trên của Iskander-E cao hơn nhiều vì yêu cầu xe nạp đạn phải cẩu từng quả lắp vào xe phóng tự hành.
Yếu tố khác cũng cực kỳ quan trọng là giá thành của Iskander-E ước tính lên tới 5 triệu USD/quả, Nga chắc chắn không bao giờ cung cấp công nghệ chế tạo cho bất cứ khách hàng nào kể cả đối tác thân thiết, trong khi chi phí phải bỏ ra để sở hữu cả một tổ hợp A300 vào khoảng dưới 10 triệu USD và Trung Quốc sẵn sàng bán luôn cả công nghệ sản xuất.
Với sự chênh lệch trên, rõ ràng Iskander-E của Nga đang tỏ ra có khá nhiều điểm bất lợi khi đặt cạnh A300 do Trung Quốc chế tạo trên thị trường vũ khí thế giới.
Quân đội Belarus bắn thử nghiệm pháo phản lực dẫn đường tầm xa tiên tiến Polonez-M - phiên bản A300 do Trung Quốc hỗ trợ công nghệ chế tạo