Sáng sớm ngày 9/4, phòng không Syria đã xuất sắc bắn hạ 8 quả tên lửa hành trình trong một vụ không kích nhằm vào căn cứ Không quân T-4 ở tỉnh Homs miền Đông Syria. Theo truyền hình nhà nước Syria, vụ việc đã khiến một số người bị chết và bị thương. Con số cụ thể chưa được công bố.
Theo kênh truyền hình Al Mayadeen của Lebanon, các quả tên lửa tấn công xuất phát từ Địa Trung Hải, bay qua không phận Lebanon. Trong khi đó, hãng tin Al Masdars News đưa tin, các máy bay "chưa rõ danh tính" đã xâm nhập không phận Syria từ Lebanon.
Ngay sau đó, truyền thông thế giới cũng đồng cũng loạt ghi nhận những tiếng nổ lớn, tiếng gầm rú của máy bay và hàng loạt tên lửa đất đối không được phóng lên từ phía Syria. Nhiều bản tin còn chỉ đích xác các vụ không kích ồ ạt tập kích xuống căn cứ không quân T4 ở tỉnh Homs, Syria.
Thế lực nào thực sự đứng sau vụ tấn công tên lửa lần này nhằm vào Syria hiện vẫn đang là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Thế nhưng, dựa trên những phân tích diễn biến trong thời gian gần đây, mọi con mắt dường như đang đổ dồn về hai "tác giả chính" là Mỹ và Israel.
Hiện tại chưa có đủ bằng chứng để khẳng định Mỹ đã phát động cuộc tấn công lần này. Trong diễn biến mới nhất, Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định đã nhận được các thông tin về vụ tấn công tên lửa ở Syria nhưng phủ nhận sự can dự.
"Lần này, Bộ Quốc phòng không thực hiện các đợt không kích ở Syria", Reuters dẫn tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết. "Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục theo dõi sát tình hình và ủng hộ các nỗ lực ngoại giao để buộc những kẻ nào sử dụng vũ khí hóa học, ở Syria cũng như ở những nơi khác, phải chịu trách nhiệm".
Tiêm kích Su-22 tại căn cứ không quân Syria ở tỉnh Homs
Tuy nhiên, những nghi ngờ về sự can dự của Mỹ không phải là không có cơ sở, bởi vụ việc diễn ra chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Donald Trump đăng tải dòng tweet về vụ tấn công hóa học ở Douma.
"Rất nhiều người chết, gồm cả phụ nữ và trẻ em, trong cuộc tấn công hóa học dại dột ở Syria. Khu vực diễn ra vụ tấn công tàn độc đã bị phong tỏa bởi quân đội Syria, khiến cộng đồng thế giới không thể tiếp tận. Tổng thống Putin, Nga và Iran phải chịu trách nhiệm vì đã hậu thuẫn cho Assad. Họ phải trả giá đắt!", dòng tweet của ông Trump chứa đựng lời lẽ đe dọa mạnh mẽ.
Một sự kiện nữa khiến giới quan sát buộc phải đặt ra câu hỏi về sự dính líu của Mỹ khi cách đây đúng 1 năm (ngày 7/4/2017), Mỹ đã nã 59 quả tên lửa hành trình Tomahawk vào Căn cứ không quân Shayrat của Syria nhằm đáp trả vụ tấn công hóa học ở thị trấn Khan Shaykhun diễn ra vài ngày trước đó.
Truyền thông Syria thì đặt nhiều nghi vấn cho Israel hơn là Mỹ. Họ có những lý do riêng của mình. Israel đã từng tấn công căn cứ T-4 ít nhất 2 lần trước đây.
Nổi bật nhất là vụ Israel tấn công đáp trả một máy bay không người lái do Iran chế tạo xâm phạm không phận nước này hồi tháng 2/2018.
Ngoài ra, T-4 cũng được cho là địa bàn hoạt động chủ yếu của Không quân Syria, lực lượng đặc nhiệm Quds của Iran và tổ chức vũ trang do nước này hậu thuẫn (Hezbollah).
Lực lượng nào đứng sau vụ tấn công tên lửa mới nhất vào Syria có lẽ cũng sẽ sớm lộ diện khi xuất hiện thêm nhiều tình tiết chứng minh nữa. Nhưng điều có thể khẳng định ngay lúc này là chiến trường Syria, tưởng chừng đã lắng dịu, chắc chắn sẽ chứng kiến thêm nhiều diễn biến nóng bỏng trong thời gian tới đây.
Phòng không Syria đánh chặn tên lửa hành trình tấn công căn cứ T-4 ngày 9/4/2018