Tổ hợp pháo tự hành 2S7 Pion của Nga. Ảnh: Army Recognition.
Nga cũng sở hữu rất nhiều vũ khí tương tự, thậm chí đã sử dụng chúng một cách rộng rãi, vậy tại sao Moscow lại lo lắng về động thái nói trên, dù số hệ thống tên lửa tầm trung mà Ukraine sẽ nhận được khá ít ỏi?
"Thần chiến tranh" của Nga
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine , pháo binh đã chiếm ưu thế trên chiến trường. Trong nhiều thập kỷ qua, Liên Xô và sau đó là Nga phần lớn dựa vào lực lượng pháo binh, xoay quanh việc triển khai các loại súng và hệ thống tên lửa phủ kín trận địa. Còn các loại vũ khí khác sẽ được sử dụng để hỗ trợ lực lượng này.
Với Nga, pháo binh vẫn được coi là "vị thần chiến tranh". Dù cho số lượng các loại pháo kéo, pháo tự hành trong quân đội Mỹ và phương Tây liên tục suy giảm thì pháo binh Nga vẫn được trang bị mạnh mẽ để duy trì khả năng trực chiến. Trong cuộc xung đột Ukraine, Nga đã sử dụng một lượng lớn bệ phóng tên lửa và hệ thống pháo để tấn công các mục tiêu quân sự và thành trì của đối phương.
Khả năng bắn trúng hoặc vô hiệu hóa mục tiêu bằng chất nổ không chỉ tạo ra sức công phá lớn và còn gây ảnh tổn hại đến tinh thần chiến đấu của đối phương. Đến thời điểm hiện tại, Nga đang chiếm lợi thế về pháo và hệ thống tên lửa trên chiến trường.
Mối đe dọa lớn nhất đối với lực lượng pháo binh là những loại vũ khí được sử dụng để thực hiện nhiệm vụ phản pháo kích. Vì thế các đơn vị này được huấn luyện để di chuyển nhanh ra khỏi vị trí bắn sau khi hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu. Họ biết rằng thiết bị định vị bằng radar của đối phương sẽ tính toán vị trí chính xác của họ và tiếp đến là một cuộc tấn công dữ dội.
Kỹ thuật sử dụng pháo binh cũng đang dần thay đổi theo thời gian. Để hành động hiệu quả, các xạ thủ không chỉ cần xác định chính xác vị trí mục tiêu thông qua các thiết bị trinh sát chẳng hạn như máy bay không người lái, mà còn phải bắn vào mục tiêu với số lượng đạn ít nhất có thể.
Tuy vậy, việc sử dụng pháo binh đòi hỏi khá nhiều về hậu cần. Càng có nhiều đạn pháo được sử dụng thì càng cần nhiều phương tiện chuyên chở và cần nhiều nỗ lực hơn trong vấn đề tiếp tế. Đối với quân đội Nga đây là vấn đề rất khó khăn khi hoạt động trên chiến trường Ukraine.
Khi trọng tâm của cuộc xung đột Nga-Ukraine chuyển sang khu vực phía Đông Donbass, Nga đang cố gắng sử dụng pháo hạng nặng có khả năng bắn gián tiếp ở khoảng cách rất xa để đánh sập hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Ukraine đối phó ra sao?
Việc vô hiệu hóa pháo binh của Nga là rất quan trọng nếu Ukraine muốn ngăn chặn bước tiến của Nga.
Để chống lại một cuộc tấn công của đối phương, cần phải biết đạn pháo được bắn ra từ địa điểm nào. Các khẩu đội pháo binh có thể mất đến vài phút để bắn trúng mục tiêu và trong thời gian đó chúng rất dễ bị tổn thương. Một phần là bởi đạn pháo cần khoảng 40 giây để tới mục tiêu, chưa kể thời gian cần hiệu chỉnh nếu như loạt bắn trước đó chệch mục tiêu.
Patrick Benham-Crosswell, một cựu sĩ quan xe tăng trong Quân đội Anh cho rằng cách tốt nhất để xác định vị trí pháo của đối phương là sử dụng radar phản pháo. Hệ thống này có thể phát hiện quả đạn đang bay và truy tìm quỹ đạo của chúng để xác định điểm xuất phát. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine radar phản pháo. Nga cũng có các hệ thống tương tự.
Một cách thức khác là sử dụng máy bay không người lái (UAV). UAV có thể phát hiện ra những đám khói khi đối phương khai hỏa đạn pháo. Ukraine đã triển khai một số lượng lớn máy bay không người lái để hỗ trợ cho các lực lượng pháo binh của nước này.
Những yếu tố quan trọng nhất trong tác chiến pháo binh là tầm bắn và độ chính xác. Bên nào sử dụng pháo có tầm bắn xa nhất sẽ khiến đối phương bị uy hiếp mạnh. Đây là lý do quân đội Ukraine khao khát có được các loại pháo và tên lửa tầm xa có độ chính xác cao.
Ukraine đã tiếp nhận khoảng 90 khẩu lựu pháo M777A2 cỡ nòng 155mm của Mỹ, hệ thống pháo tự hành Panzerhaubitze 2000 (PzH 2000) của Đức, pháo Cesar của Pháp … Tất cả đều có tầm bắn, độ chính xác và khả năng sát thương cao.
Hệ thống HIMARS của Mỹ. Ảnh: US Army.
Nhưng không có hệ thống nào nguy hiểm và đáng gờm như hệ thống pháo phản lực cơ động cao (HIMARS) Mỹ sắp gửi đến Ukraine. Đây là phiên bản cải tiến của hệ thống pháo phản lực phóng loạt (MLRS) M270 mà Anh cam kết chuyển giao cho Kiev.
HIMARS sẽ cung cấp cho các lực lượng Ukraine khả năng tấn công xa hơn vào phía sau phòng tuyến của Nga, trong khi tránh né tốt hơn vũ khí tầm xa của đối phương. Một số tên lửa của HIMARS có tầm bắn xa tới 300km.
Lo ngại xung đột leo thang, Mỹ chỉ giới hạn ở việc cung cấp cho Ukraine các tên lửa có thể tấn công mục tiêu nằm cách xa 80km, trong khi giữ lại tên lửa cấp chiến thuật lục quân (ATACMS) với tầm bắn 300km phòng trường hợp Kiev sử dụng tên lửa này bắn vào lãnh thổ Nga.
Những ngày gần đây, Nga dường như đã gửi thông điệp cảnh báo tới Mỹ và Ukraine qua cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình vào Kiev – lần đầu tiên trong 5 tuần qua, kèm theo tuyên bố đanh thép của Tổng thống Putin rằng tình hình sẽ còn tồi tệ hơn nếu Washington tiếp tục hành động này.
Hiện Mỹ mới chỉ cho biết sẽ cung cấp cho Ukraine 4 hệ thống HIMARS cùng với một số MLRS do Anh tài trợ. Nhưng ngay cả khi Ukraine nhận được các loại vũ khí tiên tiến đó, vẫn chưa rõ chúng có thể tạo ra sự khác biệt hay không khi cuộc xung đột đang rơi vào bế tắc.
Mỹ và đồng minh sẽ phải mất vài tuần để huấn luyện các binh sỹ Ukraine sử dụng những vũ khí phức tạp này, chưa kể vẫn cần thêm thời gian để triển khai và tích lũy kinh nghiệm sử dụng chúng.
Frank Ledwidge - giảng viên cao cấp về chiến lược quân sự và luật tại Đại học Portsmouth cho rằng, với số lượng MLRS và HIMARS ít ỏi, quân đội Ukraine rất khó giành chiến thắng trên chiến trường.
Họ cần rất nhiều khí tài tương tự, cùng với xe tăng, máy bay không người lái, máy bay chiến đấu, nhiều hệ thống tên lửa và đạn dược khác … để đảm bảo có thể tiến hành một cuộc phản công lớn vào cuối mùa Hè này. Vẫn chưa rõ liệu Mỹ và đồng minh phương Tây có thể tiếp tục đáp ứng được tất cả các nhu cầu đó hay không?