Chuyên gia quân sự Victor Murakhovski, thành viên Hội đồng chuyên viên Ngành Công nghiệp quốc phòng Nga bình luận, đòn tấn công chính xác của các tên lửa có cánh Kh-101, vào mục tiêu IS ở Syria từ máy bay Tu-95MS, đã cho thấy thành công trong chương trình hiện đại hóa trang thiết bị vũ khí Nga.
Tên lửa Kh-101 được tích hợp với Tu-160 (12 tên lửa), Tu-95MS16 (8 tên lửa), Tu-22M3/5 (4 tên lửa) và Su-34 (2 tên lửa). Loại vũ khí đáng sợ này có thể phóng đi từ máy bay ở độ cao 3.000 - 12.000 m, đạt tốc độ 700 - 970 km/h.
Tên lửa không có hệ thống đẩy ban đầu, đồng nghĩa máy bay phải thả xuống ở độ cao nhất định trước khi Kh-101 được kích hoạt. Một số nguồn tin nói tầm bắn của Kh-101 có thể lên tới 10.000 km.
Tên lửa hành trình tầm xa này cho phép máy bay ném bom Nga oanh tạc mục tiêu từ vị trí an toàn, tránh khả năng phải xâm nhập vào không phận đối phương vốn đầy rẫy rủi ro.
Tên lửa hành trình có thể tự thay đổi quỹ đạo bay, né tránh radar đối phương. Bề ngoài tên lửa giống như một máy bay nhỏ, thiết kế với công nghệ tàng hình, giảm tối đa khả năng phản xạ sóng radar so với các tên lửa Mỹ.
Tên lửa Kh-101 của Nga
Kh-101 có thể mang đầu đạn nặng thường nặng 400 kg, còn Kh-102 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có đương lượng nổ 250 kT. Tên lửa Kh-101 có sai số vòng tròn đồng tâm (CEP) chỉ 10 m, có khả năng bắn trúng các loại mục tiêu kích thước chỉ 2 - 3m, bao gồm cả mục tiêu di động.
Dòng tên lửa này được trang bị động cơ phản lực nhiên liệu rắn RD-95TM-300, lực đẩy là 360 kgf, hoặc 500 kgf. Tên lửa có thể bay liên tục 10 giờ với tốc độ hành trình cận âm (khoảng 0,7 Mach), tốc độ cao nhất 250 - 270 m/s. Nó có thể hành trình ở trần bay cao nhất là 6.000 m, thấp nhất từ 30 đến 70 m.
Kh-101 có chiều dài 7,6 m; Sải cánh 4,4 m; Đường kính 0,75 m; trọng lượng khoảng 2.400 kg, đầu đạn của tên lửa nặng 400 kg, vì thế uy lực sát thương của nó rất cao. Đầu đạn của Kh-101 có 2 đầu đạn thứ cấp là đầu đạn tấn công xuyên phá động năng và đầu đạn phân mảnh.
Kh-101 có cấu trúc hệ thống dẫn đường quán tính tích hợp hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của Nga, giai đoạn tấn công mục tiêu sau cùng sử dụng hệ thống dẫn đường quang-ảnh so sánh (tương tự như hệ thống quang ảnh trên tên lửa Tomahawk), tấn công chính xác mục tiêu cố định.
Với tầm phóng siêu xa, độ chính xác cao, khả năng tấn công hạt nhân mạnh mẽ, được gắn trên một phương tiện bay cơ động có phạm vi hoạt động tới 15.000 km, Kh-101/102 chính là nguyên nhân khiến Mỹ và NATO luôn luôn phải dè chừng loại máy bay ném bom "cổ lỗ" này.