Bệ phóng tên lửa Buk của Ukraine. Ảnh: Defense Express
Ngoài các xe chiến đấu bộ binh (IFV) M2 Bradley mà Kiev mong đợi từ lâu, Lực lượng Vũ trang Ukraine cũng sẽ nhận được các hệ thống tên lửa phòng không có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình của đối thủ. Đó là tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow (chim sẻ biển) dẫn đường bằng radar. Tuy nhiên, chưa có thông tin Mỹ sẽ gửi phiên bản nào và bao nhiêu tên lửa này cho Ukraine.
Tên lửa phòng không RIM-7 Sea Sparrow chủ yếu được thiết kế để lắp đặt trên tàu chiến.
Quân đội Ukraine đang nỗ lực điều chỉnh các bệ phóng tên lửa Buk thời Liên Xô hiện có để khai hoả Sea Sparrow. Đây là tín hiệu tích cực với Ukraine, vì nước này sở hữu rất nhiều bệ phóng Buk trong kho nhưng lại không có đủ tên lửa gắn vào các bệ phóng này. Giới chuyên gia cho rằng RIM-7 Sea Sparrow sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu tên lửa cho các bệ phóng từ thời Liên Xô, đặc biệt là những tên lửa này có khả năng bắn hạ cả máy bay và tên lửa hành trình.
RIM-7 Sea Sparrow do Tập đoàn quốc phòng Raytheon và General Dynamic của Mỹ đồng phát triển từ đầu những năm 1960, dựa trên tên lửa không đối không AIM-7 Sparrow. Sau hàng loạt nâng cấp, RIM-7 Sea Sparrow đã trở thành một phần không thể thiêú của hệ thống phòng không trên tàu chiến Mỹ.
RIM-7 Sea Sparrow nặng khoảng 230 kg, trong đó 40,5 kg là đầu đạn nổ mạnh. Tên lửa này có chiều dài 3,64 mét, đường kính 0,203 mét, có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 1,5 đến 30 km ở độ cao từ 6 – 15240 mét.
Trong khi đó, phiên bản nâng cấp hơn của RIM-7 Sea Sparrow là RIM-162 ESSM. Loại tên lửa này có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 50km.