Tàu chiến Mỹ bị 2 quả tên lửa chống hạm tấn công
Theo truyền thông Mỹ, tàu khu trục tên lửa DDG-87 USS Mason thuộc lớp Arleigh Burke của Mỹ đã bị tấn công bằng tên lửa chống hạm khi nó đang hoạt động ở khu vực eo biển Bab al-Mandab. Đây là eo biển nối giữa vịnh Aden và biển Hồng Hải (Biển Đỏ).
Eo biển Bab al-Mandab là nơi lưu thông hàng hải đông đúc nhất thế giới. Năm 2013, hơn 3,4 triệu thùng dầu đã được vận chuyển qua eo biển này. Vì vậy, eo biển này cũng đầy rẫy các loại cướp biển.
Về vụ việc này, người phát ngôn của Lầu Năm Góc Jeff Davis cho biết, tàu USS Mason bị tấn công bởi hai quả tên lửa vào khoảng 7 giờ tối 9-10 (giờ địa phương) khi đang hoạt động gần eo biển Bab al-Mandab, ở khu vực ngoài khơi Yemen, thuộc biển Đỏ.
Hãng Reuters dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, hai quả tên lửa được phóng đi cách nhau khoảng 60 phút, cả hai quả đều rơi xuống biển trước khi tiếp cận chiếc tàu khu trục Mỹ, khiến con tàu không bị hư hại và các thủy thủ không ai bị thương vong.
Ông Jeff Davis nhấn mạnh, Mỹ sẽ thực hiện cam kết bảo vệ tự do hàng hải và an ninh cho lực lượng quân sự Mỹ ở khu vực này. “Chúng tôi sẽ tiếp tục tiến hành tất cả biện pháp cần thiết để đảm bảo sự an toàn cho các tàu và quân nhân của chúng tôi” - ông Davis nói.
Vụ việc diễn ra chỉ một tuần sau khi một tàu chiến 2 thân HSV-2 Swift do Mỹ chế tạo, thuộc lực lượng hải quân Các tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) cũng bị tên lửa tấn công phá hủy ở khu vực trên. Tuy nhiên, chiếc tàu của UAE không phải là tàu chiến thực thụ và không được vũ trang mạnh.
Quân nổi dậy Houthi cho biết trong một tuyên bố đăng tải trên trang web của họ là lực lượng này đã sử dụng tên lửa chống hạm C-802 để bắn hạ chiếc tàu của UAE khi nó đang đi vào bờ biển Mokha. Quả tên lửa của Trung Quốc đã phá hủy hoàn toàn con tàu.
Đây không phải là lần đầu tiên tàu hải quân Các tiểu Vương quốc Ả-rập Thống nhất bị đánh chìm bởi loại vũ khí này của Trung Quốc. Vào cuối năm 2015 một tàu chiến Hải quân UAE cũng bị nhóm phiến quân Yemen Ansar Allah đánh chìm bằng tên lửa chống hạm C-802.
Hiện phiến quân Houthi đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công tàu Mỹ và đưa ra lời cảnh cáo đối với các tàu chiến liên quân Ả rập và đồng minh. Tuy nhiên, nhóm phiến quân này không nói rõ đã sử dụng tên lửa chống hạm nào. Một số chuyên gia nhận định rằng, rất có thể chúng đã sử dụng tên lửa C-802 của Trung Quốc như vụ tấn công tàu Yemen.
Hiện nay, Trung Quốc mới chỉ xuất khẩu C-802 cho Iran, Algeria, Indonesia, Bangladesh, Pakistan, Myanmar, Thái Lan nhưng không hiểu vì sao cả quân đội Syria, cùng với lực lượng Houthi của Yemen và Hezbollah của Lebanon đều có loại tên lửa này và đã gây nhiều tổn thất cho Israel và UAE.
Năm 2006, lực lượng Hezbollah cũng đã bắn một tên lửa chống hạm C-802 của Trung Quốc vào tàu hộ tống INS Hanit của Israel gây ra hư hỏng nặng và làm tràn ra một khối lượng lớn dầu trong môi trường biển. Một tên lửa loại này cũng đã bắn chìm tàu buôn của Ai Cập một cách dễ ràng.