Dòng tên lửa mới được Baykar định danh là Kemankes (tiếng Thổ Nhĩ Kỳ có nghĩa là Cung thủ).
Đây là tên lửa được xếp vào dòng tên lửa hành trình mini nhưng khác với những loại tên lửa cùng phân khúc trên thế giới, Kemankes được tích hợp AI để tăng hiệu quả tiêu diệt mục tiêu trong môi trường tác chiến hiện đại.
"Với AI, Kemankes có thể độc lập xử lý những tình huống phát sinh mà khi khai hỏa trung tâm điều khiển không phát hiện ra. Đó là trận địa phòng không, tác chiến điện tử gây nhiễu... Kemankes có thể kháng nhiễu và tàng hình trước radar phòng không đối phương", nhà sản xuất Baykar Defense nói.
Điều đặc biệt là dòng tên lửa này hoàn toàn tương thích để trang bị trên máy bay tấn công không người lái (UCAV), trong đó có Bayraktar TB2, TB3 và Akınci cũng do Baykar phát triển.
Khi được phóng từ UCAV, Kemankes có thể tấn công chính xác mục tiêu sau chiến tuyến của kẻ thù cách 200km. Dù có kích thước khá khiêm tốn nhưng Kemankes được trang bị phần chiến đấu lên tới 6kg thuốc nổ mạnh.
Nhà thầu Baykar tiết lộ thêm rằng, sau khi trang bị Kemankes đủ cho Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, tên lửa tối tân này sẽ được dành cho thị trường xuất khẩu. Như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ được coi là quốc gia đầu tiên chào bán tên lửa AI.
Theo tạp chí quốc phòng Defense News của Mỹ, so với những ông lớn như Mỹ, Nga hay Pháp, ngành công nghiệp vũ khí của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ là gã tí hon, nhưng họ đã có bước nhảy vọt kể từ năm 2001, thời điểm đó, họ chỉ đứng thứ 36.
Từ năm 2017 đến 2021, Thổ Nhĩ Kỳ đã vươn lên đứng thứ 12 trong số các nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới.
Để đạt được thành quả trên, chính phủ của Tổng thống Erdogan đã có chính sách đầu tư vào sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Số liệu của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy, ngành công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong nước hiện đáp ứng khoảng 70% nhu cầu của LLVT nước này, cao hơn nhiều so với mức 30% hồi đầu thập niên 2000.
Chính phủ của Tổng thống Erdogan đang đầu tư 60 tỷ USD/năm để cắt giảm sự phụ thuộc vào các nhà sản xuất vũ khí, trang thiết bị quân sự của Mỹ và nước ngoài, so với chỉ 5 tỷ USD cách đây 20 năm. Doanh số ngành CNQP tư nhân của nước này đạt 11 tỷ USD năm 2020, tăng gấp 11 lần so với năm 2002.
Khách hàng chính của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là Turkmenistan, Ukraine, Oman và Qatar. Ngoài ra, Ankara còn xuất khẩu máy bay trực thăng cho Philippines, tàu hộ tống cho Pakistan, xe bọc thép cho Kenya...
Cuối tháng 2/2022, Ukraine đã ký hợp đồng mua hàng chục nghìn trang thiết bị bảo hộ quân sự của Công ty Garanti Kompozit, tạo điều kiện để doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ tăng tối đa công suất sản xuất, tuyển dụng thêm hàng nghìn lao động.
Cùng với đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang nghiên cứu phát triển máy bay chiến đấu phản lực, hệ thống phòng không và xe tăng của riêng họ. Ông Ismail Demir, Chủ tịch Cơ quan CNQP Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, các biện pháp trừng phạt của nước ngoài đã tăng thêm tính cấp bách của việc thúc đẩy sự độc lập về quân sự.
Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn phụ thuộc vào các nhà cung cấp nước ngoài đối với một số mặt hàng có giá trị lớn như máy bay tiêm kích và hệ thống phòng không.
Quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga đã khiến Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt đối với ngành CNQP Thổ Nhĩ Kỳ và loại Ankara khỏi Chương trình chế tạo máy bay chiến đấu F-35.
Doanh số từ các thương vụ vũ khí phản ánh mối quan hệ đối ngoại đang thay đổi giữa Thổ Nhĩ Kỳ với phần còn lại của thế giới.
Sau nhiều năm đấu tranh giành ảnh hưởng thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, từ năm 2021, Tổng thống Erdogan đã tìm cách cải thiện quan hệ với các đối thủ tại Trung Đông, như: Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Israel.
Đặc biệt, sự tan băng trong mối quan hệ với UAE là yếu tố mang lại nhiều hứa hẹn cho ngành CNQP của Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện Elektroland Defence, công ty chuyên sản xuất thiết bị không người lái mặt đất có trụ sở tại Ankara, đang chuẩn bị ký hợp đồng chuyển giao 40 xe quân sự không người lái cho Công ty Công nghệ quân sự Calidus của UAE.
Abu Dhabi bày tỏ quan tâm đến các thiết bị không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ chế tạo và đã gửi danh sách yêu cầu kỹ thuật cho đối tác. Loại thiết bị này có thể được sử dụng để bảo vệ các hạm đội đi qua những khu vực căng thẳng như eo biển Hormuz.
Ngoài ra, Công ty Yonca-Onuk JV có trụ sở chính ở Istanbul mới đây đã giành được hợp đồng bán UAV trinh sát và chiến đấu cho hải quân và lực lượng tuần duyên của Qatar, Ai Cập và Gruzia. Những hợp đồng đã giúp Thổ Nhĩ Kỳ sánh ngang với các cường quốc xuất khẩu UAV trên thế giới.
Tên lửa AI đầu tiên ra mắt