Tháng 3/2017 sẽ khai hỏa
Một nguồn tin của hãng thông tấn TASS tại Bộ Quốc phòng Nga cho biết các hoạt động phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới "Sarmat" (RS-28) để kiểm tra khả năng hoạt động của các tên lửa đẩy và các thiết bị phóng, tập dượt quy trình phóng) sẽ được triển khai trong tháng 3 năm nay.
Công tác chế tạo tên lửa được thực hiện nhằm thay thế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa "Voevod" mà phương Tây gọi là "Quỷ Satan" (RS-18). Vũ khí mới sẽ phải vượt trội về tầm bắn và sức công phá hơn "Voevod" mà hiện nay đang giữ kỷ lục thế giới về những tính năng này.
Hoạt động phóng thử đó không chỉ đơn thuần là để tiêu diệt mục tiêu mà nó sẽ bay trên lãnh thổ của Nga từ tây bắc sang đông (có nghĩa là từ thao trường này sang thao trường khác).
Thử nghiệm phóng sẽ được tổ chức tại thao trường "Plesetzk" thuộc thành phố Arkhangelsk (Nga). Đúng ra, công tác thử nghiệm phải được thực hiện khoảng 1 năm trước đây theo thông báo của Bộ Quốc phòng Nga nhưng vì ống phóng khi đó chưa sẵn sàng nên công tác này được chuyển sang năm nay.
Công tác chuẩn bị sản xuất hàng loạt tên lửa "Sarmat" đã được đẩy nhanh nhờ việc nâng cấp cơ sở sản xuất tại nhà máy chế tạo máy Krasnoyarsky (Nga). Trong năm 2016, mọi thứ gần như đã sẵn sàng để tiến hành triển khai hoạt động sản xuất vũ khí chiến lược mới.
Một giếng phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Nga.
Và những người lạc quan nhất từng tuyên bố rằng tên lửa này sẽ được bàn giao cho Lực lượng tên lửa chiến lược Nga vào năm 2018. Tuy nhiên, trong trường hợp suôn sẻ thì ít nhất thời hạn này cũng sẽ bị đẩy lùi thêm 2 năm. Bởi vậy, sau khi thử nghiệm thành công lần đầu, cần phải thực hiện tối thiểu 3-4 lần phóng thành công nữa.
Trong lúc chờ đợi sự xuất hiện của quả tên lửa mới, tại Phương Tây người ta đã bắt đầu hoảng loạn. Dòng tít phổ biến nhất xuất hiện trên các bài báo về "Sarmat" đó là "Tên lửa gieo nỗi kinh hoàng nhất của Putin". Tên lửa này được đặt cái tên giống với "Quỷ Satan" – "Ác quỷ cải trang".
Các phương tiện truyền thông ganh đua nhau đăng tải thông tin về quy mô hủy diệt của một quả tên lửa mang 16 đầu đạn độc lập tìm mục tiêu nói trên. Tờ Daily Mail khẳng định rằng, Anh và Xứ Wales sẽ bị xóa tên khỏi Trái đất.
Tờ The Sun, để không làm cho người Anh hoảng sợ, cho rằng "một cú nhấn nút" sẽ hủy diệt toàn bộ nước Pháp. Trong khi đó, nguồn tin của TASS nói rằng, chỉ một đất nước trung bình hoặc một bang, ví dụ như Texas, sẽ bị tiêu diệt.
Vậy tại sao phải thay thế "Quỷ Satan" bằng "Ác quỷ"? Tên lửa "Voevod" được bàn giao cho quân đội vào cuối những năm 80 là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có sức công phá mạnh nhất trên thế giới. Thêm nữa, theo những kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ, trong tương lai họ sẽ không chế tạo loại vũ khí nào có tính năng kỹ-chiến thuật tương tự.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-36M2 "Voevod" dùng giếng phóng được nghiên cứu tại Phòng Thiết kế "Yuznoe" (thành phố Dnepropetrovsk, Nga) dưới sự chỉ đạo của viện sĩ Vladimir Utkin. Trọng lượng xuất phát của nó là 211 tấn.
Nó có khả năng mang 10 đầu đạn với sức công phá 550kiloton/đầu đạn với tầm bắn lên đến 14.000 km. Tổng tải trọng hữu ích là 8,8 tấn. Đây là loại tên lửa 2 tầng, sử dụng nhiên liệu lỏng bởi vì nhiên liệu lỏng sôi ở nhiệt độ cao và chất oxy hóa có khả năng tạo ra năng lượng tối đa.
Tên lửa có khả năng được nâng cao để vượt qua hệ thống phòng thủ chống tên lửa của đối phương. Vào thời điểm "Voevod" được bàn giao cho quân đội, khả năng vượt qua các hệ thống phòng thủ chống tên lửa lúc bấy giờ là điều nằm trong tầm tay của nó. Tuy nhiên, khoa học công nghệ luôn luôn phát triển.
Hiện nay R-36M2 vẫn có thể đảm bảo đạt tới mục tiêu cần thiết. Tuy nhiên, các kỹ sư nước ngoài, trước tiên là của Mỹ, bắt đầu tăng cường những khả năng của hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Bởi vậy, vào năm 2011, Nga bắt đầu công tác nghiên cứu tên lửa mới, hoàn thiện hơn mà có khả năng trở thành vũ khí khủng nhất để kiềm chế hạt nhân trên thế giới cho đến giữa thế kỷ XXI.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa R-36 (SS-18 Satan).
Sự lựa chọn nhà thầu lạ lùng
Bản hợp đồng nghiên cứu chế tạo được ký với Phòng Thiết kế mang tên Makeev (Nga). Dường như sự lựa chọn nhà thầu thực hiện có vẻ hơi lạ lùng bởi vì phòng thiết kế này chuyên chế tạo các vũ khí cho lực lượng hải quân – tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phóng từ các tàu ngầm nguyên tử chiến lược.
Và những thành tựu của họ trong lĩnh vực này là vô cùng ấn tượng. Tên lửa "Sineva" là kỷ lục gia về công suất lắp đặt trong tất cả các tên lửa hiện có khi nó đạt được tỷ lệ tốt nhất giữa công suất tên lửa với trọng lượng.
Tuy nhiên, việc lựa chọn Phòng Thiết kế Makeev là hoàn toàn hợp lý. Và nó được tiền định bởi hai yếu tố.
Thứ nhất, Phòng Thiết kế này có nhiều kinh nghiệm về chế tạo các tên lửa nhiên liệu lỏng. Chỉ tên lửa nhiên liệu lỏng mới có khả năng vượt trội các chỉ số của "Voevod" – cũng là tên lửa nhiên liệu lỏng.
Viện Kỹ thuật nhiệt Moscow (Nga) chuyên chế tạo các tên lửa nhiên liệu rắn như "Yars", "Rubez" và "Bulava" không thể làm được điều này.
Thứ hai, Phòng Thiết kế Makeev có kinh nghiệm cả trong việc chế tạo các tổ hợp tên lửa đạn đạo dành cho lục quân, ví dụ như tên lửa R-17 "Skad".
Tổng công trình sư phụ trách công tác thiết kế "Sarmat" là Yury Kaverin. Người ta đã quyết định không nâng cấp "Voevod" mà thiết kế một tên lửa hoàn toàn mới, bắt đầu từ con số 0.
Tuy nhiên, "trái tim" của tên lửa này – động cơ RD-264, vẫn được nâng cấp nhưng không phải tại Ukraine mà ở Phòng Thiết kế Máy năng lượng Khimki (ngoại ô thủ đô Moscow, Nga) dưới sự chỉ đạo của ông Vitaly Radovsky.
Kết quả là một quả tên lửa vượt trội hơn hẳn "Voevod" về tất cả các tính năng đã được thiết kế. Nó có công suất lắp đặt cao hơn nhiều. "Sarmat" nhẹ hơn 20% và có tầm bắn lên tới 17.000 km với khả năng tiếp cận các mục tiêu khi có thể bay qua Bắc Cực cũng như Nam Cực. Có nghĩa là nó có thể triển khai tấn công từ mọi hướng.
Và tải trọng hữu ích cũng lớn hơn – 10 tấn thay vì 8,8 tấn. Số lượng các đầu đạn tự độc lập tìm mục tiêu tăng từ 10 lên 16.
Bên cạnh đó, độ chính xác cũng tăng đáng kể. Theo một số thông tin, sai số bán kính tiêu diệt mục tiêu là 5-10m. Điều này giúp cho việc linh hoạt sử dụng khi cần thiết các đầu đạn hạt nhân bằng đầu đạn động lực học mà có thể phá hủy các công trình chiến lược của đối phương bằng một cuộc tấn công cơ học với năng lượng khổng lồ.
Điều này có thể đạt được nhờ việc sử dụng hệ thống động cơ hiệu quả hơn kể cả ở tầng phóng thứ nhất cũng như tần phóng thứ hai. Chính vì vậy, tên lửa này có 2 công dụng. Trong trường hợp cần thiết, nó có thể đưa các vệ tinh lên quỹ đạo.
Khả năng này có thể được sử dụng khi nguồn dự trữ của tên lửa sắp hết. Hoặc khi "Sarmat" sẽ bắt đầu được thay thế bằng các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thiết kế mới hoàn thiện hơn.
"Sarmat" có thêm một điều gây ngạc nhiên, nhờ đó mà các đầu đạn của nó không thể bị tiêu diệt bởi các tên lửa chống tên lửa hiện tại cũng như tương lai của các hệ thống phòng thủ chống tên lửa. Tới năm 2020 "Sarmat" sẽ được trang bị các đầu đạn siêu thanh do Viện Chế tạo máy Reutov (ngoại ô Moscow) nghiên cứu chế tạo.
Hiện nay, chúng đang trong quá thử nghiệm (bắt đầu từ năm 2004). Một số lần phóng thử đã được thực hiện. Lần phóng cuối cùng được đánh giá là thành công. Đó chính là đầu đạn siêu thanh với tên gọi "sản phẩm 4202" (AGBO) có vận tốc vào khoảng 12-17M.
Bên cạnh đó, nó không theo đường bay đạn đạo thông thường mà thực hiện một hành trình bay dài ở độ cao vừa phải, di chuyển theo lộ trình và độ cao linh hoạt nhờ các cánh lái khí động lực.
Điều này biến AGBO trở nên khó bị phát hiện trước các hệ thống radar. Khả năng khó phát hiện của nó còn được bổ sung thêm nhờ việc khi bay ở tốc độ siêu thanh, nó sẽ được bao bọc bởi khối plasma hấp thụ và không phản xạ tín hiệu của các hệ thống radar.