Ra khỏi bến xe, Dưỡng rút trong túi đếm số tiền còn lại được mấy chục ngàn đồng. Hắn thở dài tự nhủ: “phải tiết kiệm từng xu”. Đoạn, hắn bèn sà vào quán cơm bụi ven đường, uống cốc bia hơi lót dạ. Số tiền còn lại hắn phải chi cho các ngày tiếp theo.
18h, Dưỡng theo dòng người xuống phà Bính. Sang đất Thủy Nguyên, Dưỡng cuốc bộ một mạch tới đầu xã Kiền Bái- quê hương của hắn.
Đi giữa cánh đồng mênh mông trong đêm tối, hắn bỗng phát hiện ra một cái chòi trồng rau. Hắn bèn chặc lưỡi vào ngủ qua đêm đã. Hơn nữa, hắn còn biết rõ nỗi căm phẫn của gia đình đối với một kẻ có tội như hắn.
Vì vậy, Dưỡng càng cẩn trọng hơn khi trở lại. Nghĩ vậy, hắn chui vào chòi, ngả lưng trên chiếc chiếu rách, đánh luôn một giấc. Đến quá nửa đêm, bất chợt hắn thức giấc bởi cái lạnh. Nằm một mình trong đêm vắng lạnh, hắn nhớ lại tất cả...
Thì ra, cuộc đời cũng đã cho hắn được làm chồng, làm cha. Nhưng đến lúc này, hắn lại trắng tay trong nỗi cô đơn tận cùng.
Vợ hắn là một cô gái người dân tộc Tày, hơn hắn tận 7 tuổi nhưng kéo lại được cái trắng trẻo, nhỏ nhắn và có tí chút của cải để hắn nương nhờ trong những tháng ngày khốn đốn.
Chả là Trần Văn Dưỡng lớn lên trong gia đình có 8 miệng ăn mà quanh năm chỉ trông vào hạt thóc, mấy sào ruộng. Qua tuổi chăn trâu cắt cỏ, hắn thường lang thang, tối ngày đàn đúm song cũng chưa lần nào phải hầu tòa.
Đầu năm 1991, trong một buổi vui với bạn bè ở quán nước, Trần Văn Dưỡng gặp Nguyễn Trọng Năng, là người cùng xã Kiền Bái.
Biết Năng có tiếng là dân “đầu gấu” nhưng Dưỡng vẫn chưa rõ việc hắn làm. Lúc này, Dưỡng mới ghé tai Năng hỏi: “Chú mày dạo này làm ăn ra sao?”. Đáp lại, Năng chỉ cười khểnh rồi bảo: “Có muốn kiếm tiền không”.
Đang lúc “đói kém”, Dưỡng vồn vã: “Có, ông đạo diễn đi”. Hai đứa phẩy tay đứng dậy, ra ngoài thậm thụt to nhỏ một hồi rồi chia tay.
Thực hiện kế hoạch, đêm hôm sau, Dưỡng đem theo một khăn bịt mặt và một lê AK. Còn Năng, đội chiếc mũ len, rút trong người ra một khẩu súng làm Dưỡng không hết ngạc nhiên. Năng cười khoái chí: “Mày mà còn tưởng súng thật thì bọn kia phải chết khiếp. Súng gỗ sơn đen đấy mà. Nhưng đã có lê của mày!”.
Cả hai cười thích thú, chờ thời cơ chúng kéo đến nhà anh Đỗ Chí Thiện, sinh 1971, ở thôn Tam San, cùng xã Kiền Bái. Trước khi đột nhập vào nhà anh Thiện, 2 tên lấy khăn và mũ len bịt mặt chỉ để hở 2 mắt.
Khi đẩy cửa vào, lúc đó là 20 giờ, anh Thiện đang cùng bạn là Bùi Văn Phú nằm trên giường trò chuyện. Dưỡng xông vào rút súng gỗ chĩa thẳng vào 2 anh Thiện và Phú, gằn giọng: “Muốn sống thì nằm im. Kêu tao bắn chết”.
Vừa lăm lăm khẩu súng trên tay, tên Dưỡng vừa lục soát lấy đi 80 ngàn đồng trong tủ và 1 chiếc quạt Thái Lan. Còn tên Năng lúc đó cũng đưa được 2 chiếc xe đạp mini Nhật ra ngoài. Xong xuôi, chúng khóa trái cửa bên ngoài lại.
Lúc ấy, anh Thiện và Phú vẫn chưa hết hoàn hồn, sau mới dám hô hoán. Sợ lộ, tên Năng chỉ kịp cướp đi một xe đạp, còn một chiếc xe đã khóa phải bỏ lại. Tên Dưỡng đem theo chiếc quạt chạy tắt về nhà.
Ngay đêm đó, Năng cùng Dưỡng đem xe, quạt sang khu vực nội thành Hải Phòng bán chia nhau, rồi mỗi đứa một ngả. Cơ quan điều tra đã xác định đúng đối tượng, triển khai truy bắt nhưng 2 tên sợ sa lưới pháp luật nên đã cao chạy xa bay. Lệnh truy nã được thông báo khắp nơi.
Đến tháng 6-1991, sau 5 tháng gây án, tên Nguyễn Trọng Năng đã bị bắt. Sau này, cùng với vụ án trên, cơ quan điều tra đã làm rõ tên Năng cùng đồng bọn khác còn gây thêm 5 vụ cướp tài sản khác. Kết cục, TAND thành phố Hải Phòng đã xử hắn tù chung thân.
Trong khi đó, Trần Văn Dưỡng chạy thẳng lên Thái Nguyên, tìm vào bãi vàng với hi vọng xóa dấu vết, sinh cơ lập nghiệp tại đây. Nhưng công việc đãi vàng cực nhọc không hề đơn giản như hắn tưởng.
Chỉ sau vài ngày đầu, hắn đã không chịu nổi. Hắn định quay về thì lúc ấy hắn gặp Cúc, một cô gái người Tày, đã hơn ba mươi tuổi nhưng chưa một lần cùng ai. Nhà Cúc ở bản Nhuần, hàng ngày chị ta vào bán hàng trong bãi vàng.
Là khách hàng, Dưỡng thường qua lại rồi nảy sinh tình cảm. Có lần Dưỡng bị sốt rét kéo dài, được Cúc chăm sóc tận tình. Hai tháng sau, đám cưới được tổ chức, “họ” nhà trai chỉ có 4 người mới quen Dưỡng ở bãi vàng vào bản dự.
Từ đó, hắn có một mái ấm gia đình, không phải làm công việc đãi vàng vất vả mà chỉ theo Cúc bán hàng kiếm sống. Chín tháng sau, Cúc sinh một bé trai giống hệt Dưỡng.
Nhưng chỉ một tuần sau sinh, bệnh viêm phổi đã cướp mất đi đứa bé. Cuộc sống với những phong tục lạ lẫm cộng với nỗi nhớ quê hương làm tên Dưỡng nung nấu ý định trở về. Chưa kịp thực hiện ý đồ thì vợ hắn cũng lâm trọng bệnh rồi bỏ Dưỡng về thế giới bên kia...
Suy nghĩ miên man một hồi thì bất chợt Dưỡng bị cắt ngang bởi tiếng còi xe. Giờ này ngoài đường đã có tiếng xe ô tô, xe đạp và cả tiếng người. Hắn vội chui ra khỏi chòi. Trong đầu, Dưỡng cảnh giác: nếu về khó tránh được bị công an bắt, chi bằng phải “kiếm” ít tiền rồi mới tính tiếp con đường trốn chạy.
Hắn chợt nhớ tới ông cậu ruột ở xóm ngoài bờ đê xã Kiền Bái. Thế là hắn vội vã đi như chạy, cố không để ai phát hiện ra hắn về. Tối hôm sau, hắn mò đến nhà anh Hoàng Phú Hồng, ở cùng xã Kiền Bái. Lúc này, anh Hồng đang nói chuyện với người cùng xóm là anh Chiêm.
Thấy hắn, cả hai anh cùng lờ đi như không để ý. Lát sau, qua trò chuyện, 2 anh Hồng, Chiêm mới tỏ ý khuyên can Dưỡng ra đầu thú thì xảy ra to tiếng.
Tên Dưỡng nổi khùng vớ con dao dưới bếp chém luôn anh Hồng một nhát vào vai. Khi mọi người trong xóm đổ tới thì tên Dưỡng đã biến mất. Ở nhà anh Hồng ra, hắn vẫn cầm con dao rồi chạy đến nhà anh Hoàng Đức Hải, cùng xã Kiền Bái.
Lúc đó, vợ chồng anh Hải ở dưới nhà, gian nhà trên chỉ có bà mẹ anh Hải. Tên Dưỡng lăm lăm con dao, đe dọa rồi tháo ăng ten, bê luôn chiếc ti vi để trên bàn.
Cướp xong, theo con đường làng, hắn bê tivi giấu ở một bụi tre giữa xóm. Sáng sớm hôm sau, hắn nhờ một người cùng xã đèo lên khu vực xã Quảng Thanh bán chiếc ti vi được 500 ngàn đồng. Có tiền, hắn tìm đến nhà bà T bán nước ở cạnh trường học để giấu mặt.
Thấy cháu gái bà T vừa ở Hà Bắc (cũ) ra chơi, Dưỡng hào phóng đưa tiền cho bà T mua thức ăn và xin được ở lại vài ngày. Qua một ngày, Dưỡng đã “chinh phục” được cô gái trẻ.
Trong khi đó, tin về tên cướp Trần Văn Dưỡng có mặt ở địa phương đã được thông báo đến cơ quan công an.
Và đêm thứ 2 tại bờ mương, khi tên Dưỡng đang tình tự với cô gái trẻ thì bị lực lượng vây bắt tóm gọn, kết thúc cuộc hành trình trốn chạy và những tội ác điên cuồng của hắn.
Sau phút dại dột, trót “trao” nhầm tình cảm cho tên tội phạm, cô gái trẻ khóc như mưa, ân hận kể với các đồng chí công an: “Nó bảo nó là thủy thủ đi tàu sang Trung Quốc, cưới xong sẽ đưa cháu về nhà ở trên xã”.
Ngày hôm sau, cô gái trẻ đã trở lại Hà Bắc, từ chối lời đề nghị của tên tội phạm xin được gặp cô.