Khi đất nước bị đe dọa trước xâm lăng của quân xâm lược Nguyên – Mông năm 1285, trong Hịch tướng sĩ (tên đầy đủ là Dụ chư tì tướng hịch văn) áng hùng văn bất hủ để động viên binh sĩ dưới quyền, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương đã thẳng thắn chỉ ra những sai lầm của quân và dân:
"Nay các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, nghe nhạc Thái thường để hiến sứ giặc, mà không biết căm; hoặc lấy việc chọi gà làm vui đùa, hoặc lấy việc đánh bạc làm tiêu khiển, hoặc vui thú về vườn ruộng, hoặc quyến luyến về vợ con, hoặc nghĩ về lợi riêng mà quên việc nước, hoặc ham về săn bắn mà quên việc binh, hoặc thích rượu ngon, hoặc mê tiếng hát".
Như vậy, qua bản hịch văn này, có thể thấy thời Trần, những trò chơi như săn bắn, uống rượu, nghe hát, chọi gà, đánh bạc đã xuất hiện trong quân đội của ông, hoặc rộng hơn, là trong dân gian.
Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ảnh minh họa
Vạch ra những tệ nạn xong, Hưng Đạo Vương phân tích rõ cho quân sĩ của mình tác hại của các tệ nạn đó:
"Nếu có giặc đến, thì cựa gà trống sao cho đâm thủng được áo giáp; mẹo cờ bạc sao cho dùng nổi được quân mưu; dẫu rằng ruộng lắm vườn nhiều, thân ấy nghìn vàng khôn chuộc; vả lại vợ bìu con díu, nước này trăm sự nghĩ sao; tiền của đâu mà mua cho được đầu giặc; chó săn ấy thì địch sao nổi quân thù; chén rượu ngon không làm được cho giặc say chết, tiếng hát hay không làm được cho giặc điếc tai.
Khi bấy giờ chẳng những là thái ấp của ta không còn, mà bổng lộc của các ngươi cũng hết; chẳng những là gia quyến của ta bị đuổi, mà vợ con của các ngươi cũng nguy; chẳng những là ta chịu nhục bây giờ, mà trăm năm về sau, tiếng xấu hãy còn mãi mãi; mà gia thanh của các ngươi cũng chẳng khỏi mang tiếng nhục, đến lúc bấy giờ các ngươi dẫu muốn vui vẻ, phỏng có được hay không?".
Nhờ một phần sức mạnh của bản hịch văn, và quan trọng hơn, là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể các tầng lớp nhân dân cũng như vận động khéo léo chiến thuật, chiến lược, mà quân dân nhà Trần, dưới sự lãnh đạo của Hưng Đạo Vương, đã đập tan đoàn quân xâm lược của giặc Mông năm này, cũng như lần tiếp theo ba năm sau đó (1288).
Lê Lợi nói gì về nạn cờ bạc?
Nối tiếp Trần Hưng Đạo, là vị anh hùng dân tộc có công lãnh đạo quân dân ta đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, Lê Thái Tổ cũng rất ghét tệ cờ bạc.
Sau khi dẹp yên quân giặc, lên ngôi hoàng đế năm 1428, Lê Thái Tổ tập trung vào công cuộc tái thiết đất nước đã bị tàn phá suốt 20 năm chiến tranh. Ngay năm sau, nhà vua ban chỉ dụ trị tội những kẻ đánh bạc, du thủ, du thực, đàn đúm, chơi bời… nhằm khuyên nhân dân chăm chỉ làm ăn, tập trung lao động.
Chỉ dụ của nhà vua nêu rõ: "Kẻ nào du thủ du thực, đánh cờ đánh bạc thì quan ty và quân dân bắt nộp để trị tội. Đánh bạc thì chặt năm ngón tay, đánh cờ thì chặt một phân ngón tay".
Với những quy định khắt khe như vậy, chắc rằng dưới thời Lê Thái Tổ, dân chúng ít người dám to gan đánh bạc.
Lê Thái Tổ. Hình minh họa
Hơn ba mươi năm sau, đất nước bước vào thời kỳ thịnh trị dưới sự trị vì của vị vua anh minh Lê Thánh Tông. Dưới triều vua này, Bộ luật Hồng Đức (Quốc triều hình luật) được ban hành, trong đó điều 188 quy định phạt nặng kẻ đánh bạc và tổ chức đánh bạc, nhưng bớt khắt khe hơn so với thời Lê Thái Tổ.
Quy định ở điều luật này như sau:
"Ai tụ tập đánh bạc bị đánh 70 trượng, có quan chức thì biếm ba tư (hạ ba cấp), phạt ba quan tiền, thưởng cho kẻ tố cáo. Người đứng đầu hay tái phạm bị tăng một bậc tội.
Kẻ a tòng giảm một bậc tội. Tiền trong sòng bạc ăn thua và văn tự mua bán để đánh bạc đều nhập công khố. Đang khi quốc tang mà đánh bạc thì thêm một bậc tội. Nếu sinh sự khi đánh bạc thì bị xử riêng".
Những quy định này tiếp tục được nhà Nguyễn áp dụng trong hình luật của họ (Hoàng Việt luật lệ), ban hành dưới thời vua Gia Long. Theo đó, người đánh bạc sẽ bị đánh 100 roi, bắt làm phu dịch 3 năm.