Ung thư là một dạng “tham nhũng” xảy ra trong cơ thể con người, vốn là tập hợp của hàng tỷ tế bào nhỏ li ti với công việc/chức năng khác nhau.
Trong căn bệnh này, những tế bào ung thư, giống như những “cán bộ biến chất” tăng sinh không kiểm soát, tạo thành những khối u bề thế chiếm hết đất sống và chất dinh dưỡng của tế bào thường. Cơ thể sẽ suy yếu kiệt quệ vì tế bào “thường dân” chẳng còn gì mà sống tiếp.
Những phương pháp tiêu diệt khối u như xạ trị, hóa trị kinh điển trước giờ đa số dựa trên nguyên tắc tấn công vào các phương tiện sinh trưởng, sinh sản của tế bào với hi vọng là tế bào tăng sinh càng nhanh càng dễ bị tiêu diệt.
Như trong hóa trị, nguyên lý này là cơ sở của việc truyền thuốc gây độc tế bào một đợt vài ngày và nghỉ 2-3 tuần rồi truyền thuốc tiếp. Tế bào “ăn tham chết trước, ăn ít chết sau”, và cơ thể sẽ hồi phục trong 2-3 tuần đó để chuẩn bị trận đánh kế tiếp. Sau vài đợt “nhạy thuốc” như vậy khối u sẽ teo nhỏ đi và bệnh được kiểm soát.
Lý thuyết là vậy nhưng thật ra có nhiều loại ung thư khác nhau và độ nhạy với các loại thuốc cũng khác nhau. Có nhiều loại ung thư rất nhạy với hóa trị như Lymphoma, Germinoma,… nhưng cũng có những loại kém nhạy hơn; khi đó hiệu quả điều trị không được cao bằng.
Cốt lõi của vấn đề vẫn nằm ở chỗ rất khó phân biệt tế bào ung thư với tế bào thường. Tế bào ung thư với tế bào thường nó giống như kẻ cắp với người tử tế thậm chí “kẻ cắp” còn bảnh bao lịch thiệp, cho nên chỉ “nhìn mặt mà bắt hình dong” theo kinh nghiệm thì rất khó để biết ai là kẻ cắp ai là người thật thà, tử tế.
Theo đó, cùng với tiến bộ khoa học người ta đã phát hiện thêm nhiều đặc tính khác biệt của khối u để nhắm đích tấn công chuẩn xác hơn, ít ảnh hưởng tới tế bào thường hơn. Giống như ông nào “mắt la mày liếm”, thái độ lầm lét thì là kẻ cắp và sẽ được đưa vào tầm ngắm để loại bỏ hữu hiệu, hơn là bỏ bom giết nhầm dân thường.
Tuy nhiên, có một hiện tượng quái lạ không có lời giải suốt vài chục năm qua là trong khối u có khá nhiều tế bào miễn dịch xâm nhập vào nhưng lại ở trạng thái bất hoạt. Nó được ví như cả nhóm cảnh sát chuyên dẹp loạn nhưng khi vào đến sào huyệt lại đắp chăn nằm ngủ!
Giáo sư James P Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật) là 2 người đầu tiên đã chỉ được ra nguyên nhân tại sao như vậy?. Và lý giải của Hai tác giả giải Nobel 2018 rất bất ngờ như sau: các tế bào ung thư sử dụng một nhóm tín hiệu để “đi đêm” và ru ngủ bọn cảnh sát miễn dịch.
Cụ thể hơn, đó là các tương tác tế bào liên quan tới các phân tử có tên CTLA-4 và PD-1 làm tế bào miễn dịch xem khối u như là “người nhà” và không tấn công loại trừ nữa.
Trong lâm sàng, các thuốc ức chế “giao tiếp ngầm” nói trên như nivolumab, pembrolizumab (kháng PD-1), hay ipilimumab (kháng CTLA-4)…đã được nghiên cứu phát triển dưới tên gọi chung là thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (immune checkpoint inhibitor, ICI), giúp các chú cảnh sát bỏ được những bùa mê để tiếp tục công việc “thay trời hành đạo”.
Ở nhiều loại bệnh như ung thư phổi, melanoma, ung thư thận, ung thư bàng quang, ung thư đầu mặt cổ, ung thư Hodgkin Lymphoma,…ICI đã chứng minh được hiệu quả tốt hơn hóa trị thông thường, được đưa vào sử dụng với chi trả từ bảo hiểm và thay đổi cục diện điều trị ung thư trên toàn thế giới chỉ trong thời gian ngắn.
Gần đây, ung thư đại tràng, ung thư dạ dày, ung thư tử cung…cũng có thể được kiểm soát tốt NẾU bệnh nhân có các đặc điểm sinh học phù hợp với dự đoán nhạy với thuốc miễn dịch.
Vì sao phải nhấn mạnh chữ NẾU? vì không phải thuốc miễn dịch này có tác dụng với tất cả các loại ung thư, hay với tất cả mọi người.
Là một bác sĩ điều trị ung thư, tôi cũng có một số kinh nghiệm sử dụng và tham gia vài thử nghiệm lâm sàng với thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch tại Đại học Kyoto. Tôi thấy, vẫn còn khá nhiều bệnh nhân mà hệ miễn dịch không kích hoạt để đánh lại ung thư khi dùng thuốc này.
Hệ miễn dịch “bị trơ” hoặc quá yếu có thể do nhiều yếu tố (ví dụ, tế bào ung thư sử dụng hàng tá “thẻ bài” ru ngủ tế bào miễn dịch mà thuốc chỉ xử lý được vài cái, thuốc có thể bị lờn, không hiệu quả..).
Do đó mà vẫn cần làm thêm nhiều nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân, từ đó chọn lọc nhóm bệnh nhân có khả năng hưởng lợi nhiều nhất từ những điều trị còn khá mới mẻ và đắt đỏ này.
Nhận ra những kẻ phản bội trong chính cơ thể mình là điều không dễ. “Đánh chuột mà không vỡ bình” là mục tiêu, ước mơ không hề sai trong điều trị ung thư, và các bác sĩ và các nhà khoa học vẫn đang ngày đêm tìm tòi thêm cách mới.
Để nâng cao hiệu quả điều trị, ngoài thuốc men và chiến lược phối hợp các vũ khí điều trị, bệnh nhân cần hiểu rằng cuộc chiến với ung thư là cuộc chiến với chính mình, từ việc tuân thủ phác đồ điều trị, bỏ thuốc lá rượu bia cho tới chăm chỉ tập thể dục và ăn ngủ điều độ,….
Tất cả những việc trên đều liên quan tới việc thay đổi chính mình; đó là một cuộc đấu tranh chống lại thói quen/tính ì của bản thân mà tế bào ung thư sợ nhất là ý chí và thay đổi đó!.
TS.BS Phạm Nguyên Quý là bác sĩ Nội Tổng Quát bệnh viện trung tâm Kyoto Miniren Nhật Bản; Bác sĩ nội trú Ung thư nội khoa, Bệnh viện đại học Kyoto Nhật Bản. Bác sĩ là một trong những người khởi xướng dự án Y học cùng cộng đồng hay Nhi khoa y học cộng đồng để biên soạn và phổ biến rất nhiều bài viết về bệnh tật, cách bảo vệ sức khỏe với thông tin xác thực, theo hệ thống, tham khảo các website dành cho bệnh nhân uy tín ở nước ngoài.