TĐLB đậm mùi "thuốc súng": Ông Putin học độc chiêu của ông Kim Jong Un và vận dụng tinh tế

Hải Võ |

Không khó nhận ra tín hiệu mạnh mẽ về sức mạnh quân sự Nga trong Thông điệp liên bang 2018 của ông Putin chỉ nhằm gửi đến một đối tượng: Mỹ.

Diễn văn Thông điệp liên bang hôm 1/3 của tổng thống Nga Vladimir Putin được chi thành hai phần rõ rệt, với phần đầu được đánh giá là "nhẹ nhàng" khi tập trung vào các mục tiêu hiện đại hóa nước Nga, cải thiện chất lượng cuộc sống và bắt kịp làn sóng công nghệ... Nhưng phần hai của bài phát biểu - tập trung vào sức mạnh quân sự Nga cùng các loại vũ khí tối tân mới nhất - đã gây tiếng vang trên toàn thế giới.

Dạo đầu bằng phần chỉ trích tổng thống Mỹ George W. Bush hủy bỏ Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo (ABM) 1972, phần trình bày của ông Putin được ví như cuộc diễu hành ảo của những "ma thuật quân sự" mới nhất mà Nga đạt được ở trên không, trên bộ và dưới biển.

Ông giới thiệu loại tên lửa hành trình gắn đầu đạn hạt nhân có thể xuyên thủng mọi lá chắn tên lửa, các loại máy bay và tàu ngầm không người lái... và khẳng định nước Nga vẫn là một cường quốc hạt nhân.

Thông điệp liên bang lên tới đỉnh điểm khi tổng thống Putin kêu gọi toàn quốc đoàn kết, và kết thúc rực rỡ với màn đồng ca quốc ca Nga.

Phần nội dung quân sự trong diễn văn - được làm nổi bật bằng công nghệ trình chiếu hiện đại trên màn hình cỡ lớn, không hoàn toàn hướng đến công chúng Nga. 

Các nghị sĩ Nga xuýt xoa tự hào khi thấy Nga "bắt kịp và chiếm lĩnh" những công nghệ vũ khí hàng đầu trên thế giới. Nhưng ông Putin dường như muốn gửi thông điệp chủ yếu đến đối thủ Mỹ.

Thông điệp của tổng thống Nga là hết sức rõ ràng. Đề cập Mỹ từ bỏ ABM 1972 - hiệp ước được Liên Xô, và nay là Nga, xem như lá chắn bảo hộ đặc biệt với an ninh của mình, ông Putin nói "Không ai lắng nghe chúng ta", ngay cả khi Nga đã trở thành sức mạnh hạt nhân thứ hai thế giới.

"Từ nay họ sẽ phải lắng nghe," tổng thống Putin đanh thép.

TĐLB đậm mùi thuốc súng: Ông Putin học độc chiêu của ông Kim Jong Un và vận dụng tinh tế - Ảnh 1.

Tổng thống Putin dành nhiều thời lượng và giới thiệu nhiều loại vũ khí mới cùng các thành tựu quân sự của Nga trong Thông điệp liên bang 2018

Tổng thống Nga học cách của Triều Tiên để buộc Mỹ chú ý

Theo tờ Independent (Anh), tác phong của Putin khi dẫn dắt Thông điệp liên bang theo hướng phô trương quân sự rất giống với kịch bản được Triều Tiên áp dụng gần đây và khá hiệu quả: Lớn tiếng thách thức để được lắng nghe nghiêm túc.

Việc Triều Tiên phô trương thành quả chương trình hạt nhân-tên lửa của họ đã khiến giới quan sát và cả các quan chức Mỹ thừa nhận sức ép cấm vận dù hết sức nặng nề đã không phát huy tác dụng. Thay vào đó, Bình Nhưỡng khiến Hàn Quốc vui mừng và cởi mở ngay khi lãnh đạo Kim Jong Un ngỏ ý cử đoàn đại biểu cấp cao dự Thế vận hội Mùa Đông PyeongChang. Kết quả ngoại giao ở Thế vận hội được dư luận quốc tế đánh giá rộng rãi là một "huy chương vàng" cho Triều Tiên, thậm chí là một thắng lợi ngay trước mắt Mỹ.

Không quá thù địch như thái độ của chính quyền ông Kim Jong Un nhằm vào Mỹ trong giai đoạn trước Thế vận hội, ông Putin thận trọng nhấn mạnh mục đích phòng thủ và hòa bình, rằng Nga chỉ kích hoạt vũ khí hạt nhân để đáp trả một vụ tấn công hạt nhân nhằm vào nước này.

Nhưng thái độ của tổng thống gay gắt hơn khi cáo buộc Mỹ và phương Tây đã lợi dụng các điểm yếu của Nga sau khi Liên Xô tan rã. Yêu cầu được đối xử bình đẳng - trên cơ sở sức mạnh quân sự ở tầm cao mới của Nga - nhiều khả năng trở thành tông điệu chính của Moskva trong nhiệm kỳ thứ tư của Putin, nếu ông chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Nga ngày 18/3 tới đây.

"Nếu phô trương khả năng quân sự mới và vượt trội - theo cách đe dọa hơn là xoa dịu - là biện pháp duy nhất để [Nga] được đối xử với sự tôn trọng, thì sẽ là như thế," nhà báo kỳ cựu Mary Dejevsky bình luận trên Independent.

TĐLB đậm mùi thuốc súng: Ông Putin học độc chiêu của ông Kim Jong Un và vận dụng tinh tế - Ảnh 2.

Theo bà Dejevsky, màn khoe vũ khí của Putin thay vì làm leo thang rủi ro xung đột Nga-Mỹ ở các chiến trường như Syria, thì giống như một "miếng mồi" của Nga để kéo Mỹ bắt đầu lên tiếng và đối thoại trở lại trên nền tảng tôn trọng lẫn nhau.

Bất chấp những cáo buộc qua lại trong nhiều vấn đề quốc tế và căng thẳng mới đây ở Hội đồng bảo an LHQ, hay cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ tiếp diễn, giữa cá nhân ông Putin và đồng cấp Mỹ Donald Trump vẫn bỏ qua những khúc mắc này để hướng tới đối thoại, trong khi các quan chức phụ trách chính sách đối ngoại song phương vẫn duy trì liên hệ và vượt qua những mâu thuẫn.

Dù rủi ro xung đột Nga-Mỹ vẫn tồn tại - bởi quân đội chính phủ tổng thống Syria Bashar al-Assad được Nga hậu thuẫn đang giành lại ngày càng nhiều địa bàn, còn Mỹ tuyên bố sẽ không rút quân - nhưng cơ bản cả Moskva và Washington không có ý định để xảy ra giao tranh trực diện. Và nếu ông Putin đắc cử ngày 18/3 tới, khuôn khổ tư duy như vậy sẽ được duy trì.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại