Lưu huỳnh giúp vỏ sáng đẹp, quả tươi lâu
Gần đây, trên thị trường xuất hiện loại nhãn lồng có vỏ ngoài vàng sáng đẹp mắt, khác hẳn với loại nhãn có vỏ ngoài thâm xỉn thường thấy.
Theo tiết lộ của dân buôn nhãn, để cho quả nhãn có mẫu mã sáng đẹp, bắt mắt này, họ đã sử dụng chất lưu huỳnh xử lý, giúp quả nhãn có vỏ bóng đẹp hơn.
Thông tin trên khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, một số người còn hạn chế mua nhãn ăn bởi họ không biết quả nhãn sau khi xử lý bằng lưu huỳnh có đảm bảo an toàn khi ăn.
Tuy nhiên, theo PSG-TS. Nguyễn Duy Thịnh (Viện sinh học - Công nghệ thực phẩm - Đại học Bách Khoa Hà Nội), câu chuyện dùng chất lưu huỳnh để sinh tiết hóa khô (đốt hoặc xông hơi) trong bảo quản hoa quả không phải là chuyện lạ, nó đã được rất nhiều nước cho phép, một số nước cũng đã áp dụng từ rất lâu.
Nhãn bình thường sẽ có màu thâm xỉn
Theo ông Thịnh, phương pháp này có chi phí thấp, cách thực hiện khá đơn giản.
Cụ thể, nhãn được để vào thùng hoặc sọt sau đó để lưu huỳnh ở dưới rồi dùng lửa đốt sao cho khí SO2 từ lưu huỳnh bay lên rồi bám vào lớp vỏ bên ngoài của quả nhãn.
Từ đó sẽ giúp cho quả nhãn trừ được hết các loại nấm mốc, làm vỏ sáng đẹp.
“Việc sử dụng lưu huỳnh để xông hơi bảo quản hoa quả được áp dụng trên khá nhiều loại quả. Ví như trên quả nhãn, quả vải, trên các loại thực phẩm khô để chống nấm mốc hay trên các loại dược liệu”, ông Thịnh cho hay.
Thực tế, vào hồi giữa tháng 8, tại tỉnh Sơn La, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cũng đã tổ chức lớp tập huấn kỹ thuật xông hơi lưu huỳnh cho quả nhãn.
Bởi, công nghệ bảo quản hoa quả bằng xông hơi lưu huỳnh sẽ cho phép bảo quản quả tươi được từ 30 - 40 ngày, trong điều kiện nhiệt độ thấp từ 1-2oC mà vẫn đảm bảo được chất lượng, thêm vào đó, việc đầu tư để thực hiện xông lưu huỳnh cho nhãn rất đơn giản, chi phí thấp...
Trước đó, vào tháng 6 năm 2015, Cục xúc tiến thương mại cũng kết hợp với một số sở ban ngành ở Bắc Giang để tập huấn cho người dân kỹ thuật xông hơi lưu huỳnh trong bảo quản quả vải thiều tươi để quả vải đạt đủ điều kiện xuất khẩu.
Chuyên gia nông nghiệp Michel Pierre cho biết, công nghệ xông hơi lưu huỳnh đáp ứng được yêu cầu vệ sinh thực phẩm của thị trường châu Âu. Việc sử dụng công nghệ này cũng giúp quả vải tươi nguyên trong 5 tuần.
Những điều cần cảnh báo
Dù có nhiều ưu điểm trong bảo quản hoa quả, song, các chuyên gia trong ngành cũng cho biết, cần cẩn trọng khi sử dụng lưu huỳnh và phải sử dụng đúng liều lượng đã được quy định.
Theo PGS.TS Nguyễn Kim Vũ, Phó chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật lương thực thực phẩm Việt Nam, lưu huỳnh là chất được phép lưu hành để bảo quản hoa quả.
Riêng với quả nhãn, sử dụng lưu huỳnh để xông hoặc đốt sẽ giúp nhãn có vỏ sáng hơn màu tự nhiên của quả.
Tuy nhiên, ông Vũ cũng cho biết, nếu sử dụng lưu huỳnh ở nồng độ cho phép sẽ có tác dụng diệt côn trùng, diệt vi khuẩn trên vỏ quả nhãn, giúp quả nhãn kéo dài thời gian bảo quản.
Song, nếu sử dụng nồng độ quá lớn, vượt mức cho phép, lưu huỳnh sẽ ngấm vào trong cùi nhãn có thể gây ngộ độc cho người sử dụng.
Trong khi đó, TS Chu Doãn Thành, trưởng bộ môn Bảo quản và Chế biến (Viện Rau quả Trung ương) cho biết, khi sử dụng lưu huỳnh xông hoặc đốt để bảo quản hoa quả thì liều lượng không được phép vượt quá 30ppm (phần triệu).
PSG.TS Nguyễn Duy Thịnh cũng cho biết, phải cách ly ít nhất hai ngày thì mới đem hoa quả ra bán cho người tiêu dùng ăn.
Theo ông Thịnh giải thích, khi đốt lưu huỳnh, khí SO2 sinh ra sẽ bám vào bề mặt hoa quả, nếu chưa bay hết thì ngửi sẽ hoa quả sẽ có mùi hơi hắc, gây cảm giác khó chịu.
Còn nếu để bay hết mùi thì người tiêu dùng có thể yên tâm ăn hoa quả vì chúng hoàn toàn an toàn.
Song, ông Thịnh cũng lưu ý, trong quá trình đốt lưu huỳnh để khí SO2 bám vỏ hoa quả mà ngửi trực tiếp khí này thì sẽ rất độc hại với sức khỏe, mắt lúc nào cũng có hiện tượng cay, chảy nước mắt, ảnh hưởng đến hệ hô hấp.
Thế nên, cần tránh tiếp xúc trực tiếp khi đốt lưu huỳnh.
Ngoài những vấn đề trên, theo các chuyên gia, để nhận biết được đâu là loại hoa quả dùng chất lưu huỳnh để bảo quản thường không quá khó.
Cụ thể, với trường hợp quả nhãn, khi đi mua chỉ cần để ý nếu thấy quả nhãn có mùi hơi hắc, vỏ quả nhãn có màu vàng sáng hơn màu nhãn tự nhiên (thâm xỉn) thì là nhãn dùng chất lưu huỳnh bảo quản.
Đặc biệt, với loại nhãn được bảo quản bằng chất lưu huỳnh thì quả nhãn mất đi vị thơm tự nhiên mặc dù ăn nhãn vẫn thấy ngọt.
Cũng theo các chuyên gia, khi ăn nhãn nên dùng tay bóc vỏ, tránh dùng miệng cắn vỏ bởi bên ngoài vỏ nhãn có nhiều nấm mốc, vi sinh vật và có thể còn chất lưu huỳnh lưu lại trên vỏ.
Theo đó, sẽ không tốt cho sức khỏe người sử dụng.