Đầu năm 2021, Tập đoàn Trung Nguyên Legend đã gây bất ngờ khi tuyên bố lấn sân sang lĩnh vực bất động sản. Tuy nhiên, thay vì chọn Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng,… ông Đặng Lê Nguyên Vũ chọn Tây Nguyên – nơi gắn liền với hoạt động kinh doanh cà phê của ông làm điểm bắt đầu, với dự án Thành phố Cà phê. Tuy nhiên, Trung Nguyên không phải "con hổ" duy nhất thống trị vùng đất Phố Núi.
Ngôi sao mới nổi
Khu vực Tây Nguyên bao gồm 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, nằm ở trung tâm của Đông Dương, có hành lang tự nhiên thông với Nam Lào, Đông Bắc Campuchia.
Trong bối cảnh quỹ đất tại các thành phố lớn như Hà Nội, Tp.HCM ngày càng thu hẹp, giá đất ngày càng đắt đỏ thì Tây Nguyên lại nổi lên nhờ lợi thế về vị trí, hạ tầng kết nối cũng như quỹ đất sạch,...
Từ năm 2010 - 2015, nhiều công trình giao thông trọng yếu đã được đầu tư hoàn thành làm thay đổi hoàn toàn diện mạo khu vực như đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, QL19, QL20… Đây có thể nói là bước "đột phá" về tổng nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông của Tây Nguyên từ trước đến nay.
Từ 2016-2020 có thêm 7 dự án đường bộ tại Tây Nguyên được thực hiện với chiều dài 579km, tổng kinh phí 14.500 tỷ đồng. Cảng hàng không Buôn Ma Thuột cũng đang tăng dần lưu lượng hành khách, chỉ tính trong năm 2019 cảng đã thu hút hơn 1 triệu lượt hành khách, hơn 7 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển.
Năm 2021 vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh cũng ký quyết định phê duyệt 2 dự án đường sắt Chơn Thành (Bình Phước) - Đắk Nông và dự án đường cao tốc TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) – Nha Trang (Khánh Hòa).
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên tạo ra bước ngoặt lớn cho khu vực
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch xây dựng vùng Tây Nguyên đến năm 2030, vùng Tây Nguyên sẽ có 117 đô thị trên cơ sở nâng cấp 89 đô thị hiện có và xây mới 28 đô thị.
Các đô thị lớn như Buôn Ma Thuột, Đà Lạt, Pleiku, Gia Nghĩa, Kom Tum, Bảo Lộc sẽ xây dựng các cơ sở dịch vụ hiện đại như trung tâm thương mại, siêu thị, trung tâm mua sắm, khu thương mại – dịch vụ, tổn kho bán buôn,… Đồng thời, các trung tâm dịch vụ du lịch lớn của vùng sẽ được tập trung tại thành phố Buôn Ma Thuột, Pleiku, Đà Lạt,…
TS. Nguyễn Trí Hiếu phân tích trên VnFinance, xu hướng dòng tiền đầu tư đổ về vùng ven đã diễn ra từ vài năm trở lại đây. Tác động của dịch Covid-19 càng đẩy mạnh sự dịch chuyển dòng tiền đầu tư về thị trường vùng ven, nhờ sức co giãn về tăng trưởng kinh tế cũng như nhu cầu tìm kiếm nơi an cư lạc nghiệp trở nên khắt khe. Thị trường Tây Nguyên cũng không nằm ngoài làn sóng này.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, sự khác biệt của thị trường Tây Nguyên chính là khả năng "miễn dịch" với dịch Covid-19 khi đang bước vào giai đoạn khởi sắc và phát triển. Những tiềm lực sẵn có về một mảnh đất giàu văn hoá, tiềm năng phát triển mạnh về du lịch và công nghiệp, cộng hưởng với sự đầu tư bài bản về quy hoạch phát triển dự án đã đưa nơi đây bước vào giai đoạn "bình thường mới" đầy triển vọng và hấp dẫn.
Đặc biệt, khu vực Tây Nguyên nói chung vẫn còn giữ được vẻ đẹp nguyên sơ đầy sức sống của núi rừng, thiên nhiên, cộng thêm khí hậu dễ chịu đang trở thành điểm đến mới nổi, thu hút khách du lịch ham mê khám phá.
Những "đại bàng" đánh thức giấc mơ đại ngàn
Những năm gần đây, khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là Đắk Lắk được nhiều "đại bàng" bất động sản ghé thăm.
Từ năm 2019, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Lắk, đã có hơn 71.000 tỷ đồng được cam kết đầu tư cho địa phương. Trong đó, Tập đoàn Vingroup đề xuất tổ hợp dịch vụ cho hãng ô tô VinFast và dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại - Khách sạn 5 sao, Shophouse tại thành phố Buôn Ma Thuột, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỉ đồng...
TNG Holdings cũng tập trung vào các lĩnh vực phát triển du lịch, nhà ở đô thị, khu dân cư, khu đô thị mới với tổng giá trị đầu tư khoảng hơn 1.700 tỉ đồng.
Hồi tháng 5/2021, tại Đắk Nông, Tập đoàn T&T đã trình bày ý tưởng đầu tư quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu đô thị du lịch sinh thái hồ Đắk R'tíh, TP Gia Nghĩa. Dự án có mức đầu tư dự kiến lên tới 2 tỷ USD.
Trước đó, Tập đoàn này đã đề xuất đầu tư 5 dự án tại TP Buôn Ma Thuột gồm: Khu đô thị thương mại dịch vụ Ea Tam (51,6 ha); Tổ hợp khách sạn 5 sao, khu thương mại và nhà ở thương mại (42 ha); Dự án khu biệt thự Ea Kao (46,1 ha); Khu sân Golf hồ Ea KaoKao (76,7 ha) và Trung tâm văn hoá tỉnh Đắk Lắk.
Trong khi đó, FLC làm chủ đầu tư dự án Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, thể thao, vui chơi giải trí và đô thị sinh thái hồ Ea Nhái tại huyện Krông Pắc và huyện Cư M'gar. Vốn đầu tư dự kiến lên tới 10.000 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, dự án đã chính thức được tỉnh Đắk Lắk phê duyệt.
Một góc hồ Ea Nhái
Hồi đầu tháng 1/2021, Tập đoàn Tân Hoàng Minh cũng đề xuất với tỉnh Đắk Lắk tham gia đấu giá tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cũ) tại số 2 Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP Buôn Ma Thuột, đồng thời trình bày phương án quy hoạch dự án trên khu đất này thành khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại, nhà ở thương mại,…
Hay Alphanam lại về TP. Kon Tum tìm hiểu cơ hội đầu tư khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại phường Lê Lợi và xã Chư Hreng...
Từ năm 2020, Tập đoàn Ecopark đã bắt đầu tìm hiểu, nghiên cứu 2 dự án tại Tp Bảo Lộc bao gồm Khu tổ hợp dịch vụ, du lịch sinh thái sân golf, cáp treo núi Sapung và Khu đô thị, dịch vụ giải trí - nghỉ dưỡng hồ Nam Phương 1, hồ Nam Phương 2.
Tập đoàn Him Lam cũng xúc tiến đầu tư một số dự án tại TP Bảo Lộc như Khu dân cư phường B'Lao, khu du lịch sinh thái thác Đá Bàn (sông Đại Bình) và các tuyến đường kết nối giao thông trục Bắc - Nam. Doanh nghiệp này cũng nghiên cứu đầu tư Khu đô thị du lịch Thiên đường mắc ca có tổng diện tích hơn 187 ha nằm khu vực phía Nam TP Bảo Lộc.
Thành phố Cà phê đang là một trong những dự án nổi bật và được quan tâm nhiều nhất tại Buôn Ma Thuột
Tuy nhiên, hầu hết các dự án kể trên mới dừng lại ở bước nghiên cứu hoặc nhanh hơn là vừa được phê duyệt. Trong khi đó, dự án Thành phố Cà phê của Trung Nguyên Legend được chính thức giới thiệu với truyền thông từ đầu năm 2021 nhưng thực chất đã khởi công xây dựng từ 2017. Các căn nhà trong dự án được chào bán với giá không hề rẻ - khoảng 7 tỷ đồng và thậm chí hiện đã tăng lên 10 tỷ đồng/căn, thu hút các nhà đầu tư từ Hà Nội, Tp.HCM,… đến mua.
Giá đất tăng nóng
Sự quan tâm của các "đại bàng" bất động sản đã khiến giá đất tại khu vực Tây Nguyên tăng nóng, đặc biệt là từ năm 2021.
Theo báo Lao động, tại Gia Lai, sốt đất nhất là các khu vực giáp ranh với TP.Pleiku như xã Ia Sao, Ia Der hoặc các địa điểm gần khu vực sân Golf FLC, khu trung tâm hành chính mới ở huyện Đak Đoa…
Tại Đắk Lắk, đại diện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP.Buôn Ma Thuột cho hay, tình hình sốt đất tại thành phố đã giảm mạnh sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2022. Trước Tết, trung bình một ngày, cán bộ ở đơn vị phải giải quyết hơn 500 bộ hồ sơ cho người dân nhưng đến giữ tháng 2 thì đã giảm 50%. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều "cò đất" trên địa bàn ngang nhiên thổi giá gây biến động thị trường, thậm chí giao dịch ảo.
Bà Lê Thắm - Phó giám đốc Tâm Real chi nhánh Đà Lạt từng chia sẻ, tại địa bàn TP Đà Lạt giá cả vẫn chưa bao giờ xuống, và có xu hướng đi lên do có rất nhiều nhà đầu tư từ các tỉnh khác đến, cụ thể giá đất khu vực trung tâm giao động từ 200-500 triệu/m2, bán kính 5-10km, giao động từ 10-100 triệu/m2 thổ cư.
Đất nền tại các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng và Lâm Hà (những huyện có thông tin quy hoạch sáp nhập vào TP Đà Lạt mở rộng) đang được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm.
Dự báo trong năm 2022, thị trường Tây Nguyên sẽ tiếp tục tiến triển theo hướng tích cực, khởi sắc.