Triều Tiên kết nối với Nga bởi lo ngại Mỹ-Trung "đi đêm"
Ông Kim Jong Un chưa lần nào tới thăm Nga từ khi kế nhiệm cha mình năm 2011, còn ông Putin dù đã đi Bình Nhưỡng và nhiều lần gặp người cha của ông Kim Jong Un vẫn chưa lần nào gặp ông Kim Jong Un.
Ông Putin thăm Triều Tiên năm 2000, gặp ông Kim Jong Il năm 2001 ở Moscow và năm 2002 ở Vladivostock. Ngoài ra, năm 2011 còn có cuộc gặp giữa thủ tướng hiện tại của Nga Dimitri Medvedev, khi ấy là tổng thống Nga, với ông Kim Jong II cũng ở Vladivostock. Nếu gộp thêm vào đấy cả thống kê là ông Kim Jong Un cho tới nay đã 4 lần gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, 3 lần gặp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và 2 lần gặp tổng thống Mỹ Donald Trump, lại đặt trong bối cảnh có nhiều biến động về chính trị an ninh và quan hệ quốc tế ở khu vực Đông Bắc Á nói chung cũng như trên bán đảo Triều Tiên nói riêng thời gian qua nữa thì sẽ có thể dễ dàng nhận thấy sự kiện lớn mới này có ý nghĩa quan trọng như thế nào đối với Triều Tiên và Nga.
Đương nhiên là Nga không quan trọng về mọi phương diện đối với Triều Tiên bằng Trung Quốc. Nhưng càng bị Mỹ làm găng thì Triều Tiên càng cần Trung Quốc và Nga. Triều Tiên lại ngại Trung Quốc và Mỹ đi đêm với nhau bất lợi cho Triều Tiên, hơn hẳn lo ngại có sự dàn xếp nào đó giữa Nga và Trung Quốc trên đầu Triều Tiên.
Bởi thế, Triều Tiên luôn cần Nga làm đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư, làm đồng minh - cùng Trung Quốc - trong đối phó và đáp trả Mỹ, đồng thời còn làm đối trọng chiến lược cho quan hệ của Triều Tiên với cả Trung Quốc lẫn Mỹ. Ông Kim Jong Un đi Nga để đề cao vị thế cho mình và trong thực chất để duy trì và phát huy tác dụng của con bài cộng hưởng tác dụng của đối tác, đồng minh và đối trọng.
Cuộc gặp Putin-Kim phù hợp với mục tiêu tìm kiếm đối trọng chiến lược trong khu vực của Triều Tiên (Ảnh: AFP)
Sự kiện lớn, đột phá nhỏ
Ông Putin muốn gây dựng vai trò và ảnh hưởng của Nga trong những gì đang diễn ra giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, muốn giành phần cho nước Nga ở cả hiện tại cũng như trong tương lai trên bán đảo Triều Tiên, muốn từ nay được can dự chứ không tiếp tục bị gạt ra lề như trước đấy, muốn buộc Mỹ phải "luỵ" cả Nga như trong vấn đề hạt nhân và tên lửa của Iran.
Thời điểm hiện tại đối với ông Putin rất quan trọng bởi tiến trình hòa bình và hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên hiện có vẻ như bị chững lại và gặp thêm trắc trở, Triều Tiên cần đến Nga hơn mà Mỹ có lợi ích thiết thực trong việc phân hóa Nga và Trung Quốc với Triều Tiên.
Bởi thế, Nga và Triều Tiên mới có sự kiện lớn vào thời điểm hiện tại ở Vladivostock. Nhưng sự kiện lớn này không thể đưa lại kết quả lớn, càng không giúp tiến trình hòa bình và hòa giải giữa Triều Tiên và Mỹ có được bước khai thông đột phá mới.
Nga muốn khôi phục lại khuôn khổ đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh nhưng cả Mỹ lẫn Triều Tiên đâu có muốn. Hai đối tác này muốn chủ động vận hành tiến trình, chơi tay đôi trực tiếp với nhau chứ không để cho đối tác bên ngoài can dự vào chuyện song phương của họ.
Khi xưa, cách tiếp cận là dùng diễn đàn đa phương để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, ép Triều Tiên chấp nhận giải pháp đa phương. Bây giờ, Mỹ và Triều Tiên sẽ thỏa hiệp và thỏa thuận với nhau và rồi buộc phe đa phương phải chấp nhận giải pháp song phương.
Mỹ và Triều Tiên sẽ không vì có những cuộc cấp cao song phương của họ với Trung Quốc hay Nga mà nhượng bộ lẫn nhau trong đàm phán song phương. Triều Tiên ý thức được là có thể dựa và lợi dụng Trung Quốc và Nga để "dền dứ" với Mỹ nhưng khi đi vào giải pháp thì chỉ có thể thỏa thuận riêng với Mỹ. Còn Mỹ cũng thừa hiểu là không thể tin Trung Quốc và Nga cũng như không thể coi hai đối tác này là cùng hội cùng thuyền trong xử lý quan hệ với Triều Tiên.
Triều Tiên khó thành công với sách lược đối tác, đồng minh và đối trọng
Nga và Triều Tiên không thiếu tiềm năng cho thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương. Nhưng cuộc cấp cao vừa rồi ở Vladivostock không thấy có ký kết hay thỏa thuận hợp tác cụ thể gì ngoài những phát biểu thiện chí chung chung.
Lý do ở chỗ dẫu có muốn thì hai bên cũng chưa thể làm được bởi Nga cũng như Trung Quốc còn bị ràng buộc vào những nghị quyết chung của HDBA LHQ về Triều Tiên, bởi Nga và Trung Quốc còn phải thống nhất quan điểm và phối hợp hành động về Triều Tiên và bởi hai nước này vẫn còn phải để ý đến Mỹ và còn lợi dụng Triều Tiên trong xử lý quan hệ của họ với Mỹ.
Sự kiện lớn vừa rồi ở Vladivostock lại một lần nữa cho thấy Triều Tiên không dễ dàng thành công với chiến lược chơi con bài đối tác, đồng minh và đối trọng. Mỹ không dễ dàng phân hóa được Nga và Trung Quốc với Triều Tiên, cũng như Nga và Trung Quốc không dễ dàng gây dựng được tiếng nói cùng quyết định trong tiến trình hòa bình và hòa giải giữa Mỹ và Triều Tiên.
* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại