Từ đó cho tới nay, sự phát triển chóng mặt của công nghệ truyền hình và phương thức chia chác tiền bản quyền phát sóng đã càng lúc càng nới rộng khoảng cách về lợi nhuận giữa hai CLB hàng đầu TBN so với phần còn lại.
Đó là một khoảng cách lớn không thể tưởng tượng được. Nó khiến Valencia bị biến thành tài sản công và Deportivo chỉ được cứu thoát vào giờ chót. Gần 60% số tiền chuyển nhượng mà các CLB ở La Liga chi ra là thuộc về Barcelona và Real.
Cái sự nghèo đói của phần lớn các CLB La Liga thể hiện ở rất nhiều mặt. Ngoài con số 4 tỷ euro tiền nợ, số lượng cầu thủ bản địa ở TBN chuyển sang thi đấu cho các giải đấu nước ngoài đã tăng mạnh trong vài năm trở lại đây. Vì họ không thể trụ lại những đội bóng mà lo cơ sở hạ tầng sân vận động cũng chẳng xong chứ đừng nói tới trả lương cầu thủ.
Những Valencia, Sevilla, Malaga... đang ngày một suy yếu theo thời gian
Ngay trong kỳ chuyển nhượng này thôi, 39 cầu thủ người TBN đã rời La Liga để thi đấu ở quốc gia khác (theo thống kê của transfermarkt), trong đó 16 cầu thủ đã đến Premier League như Roberto Soldado, Alvaro Negredo cho đến những cái tên làng nhàng hơn như Jose Canas, Adrian hay Suso. Đó một sự tăng trưởng đột biến so với mùa 2012-13 khi “chỉ” 7 cầu thủ đến Premier League (Monreal, Cazorla, Granero, Pablo Hernandez, Ramis, Michu và Joel Robles).
Dòng chảy cầu thủ ấy càng khiến các CLB vừa và nhỏ bị bòn rút tài năng một cách khủng khiếp và càng lúc xa rời khỏi cuộc tranh chấp La Liga với Real hay Barca. Thậm chí gần đây nhất Malaga đã bị loại khỏi cuộc đua bởi Luật tài chính công bằng của UEFA, một bộ luật được thiết kế dường như để triệt tiêu những CLB mới nổi chứ không phải làm cân bằng tính cạnh tranh.
Trong sự khốn cùng ấy, chúng ta vẫn ngạc nhiên tự hỏi tại sao các CLB thường thường bậc trung ở La Liga vẫn có thể làm mưa làm gió ở cúp châu Âu? Tại sao các CLB ở Premier League lại phải khó khăn trong việc đoạt một cái cúp Europa League mà Sevilla lẫn Atletico Madrid đều đã giành được? Tại sao những đội bóng Anh ở trình độ trung bình nhưng giàu có hơn lại không để lại dấu ấn gì ở giải đấu thứ cấp của Champions League như những người đến từ bán đảo Iberia ?
Đó là bởi vì trong tình trạng nghèo đói, các CLB La Liga đã tiết kiệm trong chi tiêu và quay lại với phương án rẻ nhất để sở hữu tài năng: Lò đào tạo trẻ. Hàng năm Real Betis đều đặn đôn lên các cầu thủ trẻ từ học viện bóng đá, và nếu vị trí nào thiếu thì họ đi mượn hoặc mua người thừa của các CLB lớn. Chính vì cách làm này mà họ duy trì được hoạt động bóng đá và thậm chí gây sốc ở các đấu trường lớn bằng một lối chơi đẹp mắt.
Những ngôi sao trẻ của bóng đá TBN có cứu được tương lai của những đội bóng bản địa?
Trong 5 năm gần đây Atletico Madrid năm nào cũng đưa lên đội hình chính tối thiểu 2 cầu thủ từ đội B, trong số đó có Koke đã trở thành cầu thủ chính thức ở đội, còn David De Gea giờ đang thi đấu cho Man United. Atletico thực ra vẫn thuộc dạng may mắn ở La Liga, họ thi đấu tại một thị trường đông dân là thủ đô Madrid nên đủ tiềm lực tài chính để có thể bỏ tới hơn 45 triệu euro để mua Falcao trong năm 2011.
Nhưng ngoài Atletico, Sevilla không có được cái may mắn như thế. Kể từ sau 2 chức vô địch UEFA Cup, họ đã đi xuống và mới đây, 2 trụ cột Jesus Navas & Alvaro Negredo đã rời CLB. Sevilla một lần nữa phải quay lại với học viện của mình để duy trì sự sống. Sau khi đẩy 2 cầu thủ là Bryan Rabello và Julian từ đội trẻ lên, Sevilla đã mượn Marko Marin từ Chelsea và đón “hàng thải” của Paris Saint-Germain, Kevin Gameiro.
Hiện giờ thì các đội bóng bậc trung La Liga vẫn sẽ tồn tại được, nhưng về lâu dài thì thế nào? Nền kinh tế TBN khủng hoảng khiến các đội bóng cũng bị ảnh hưởng theo và sẽ đến một lúc mà ngay cả các học viện bóng đá trẻ cũng không thể cứu nổi họ khỏi nguy cơ phá sản và giải thể hoặc quyền sở hữu rơi vào tay nhà nước. Tất nhiên, chỉ trừ Barcelona và Real Madrid.