Vào một buổi sáng đầy nắng ở Madrid, 2 người phụ nữ trẻ Marcella và Maria đi vào một ngõ nhỏ, gõ cửa loạt căn hộ. Họ mất rất nhiều thời gian đập cửa và la hét nhưng những cánh cửa này vẫn không mở.
Họ vẫn kiên trì gõ cửa, vì họ cũng đã từng ở bên kia những cánh cửa đó: Buộc phải bán thân xác hàng chục lần một ngày, 7 ngày một tuần. Giờ đây, họ là “chiến binh” trong cuộc chiến chống buôn bán tình dục ở Tây Ban Nha.
“Cạm bẫy” của những kẻ buôn người
Maria và Marcella, độ tuổi khoảng 20, hiện làm cho Apramp, một tổ chức được thành lập để bảo vệ, tái hòa nhập và hỗ trợ phụ nữ bán dâm. Apramp đã giúp họ thoát khỏi những kẻ buôn người, và giờ họ là một trong những nhân viên tiếp cận cộng đồng.
Công việc hàng ngày của họ là tìm những phụ nữ có thể cần đến sự giúp đỡ trên đường phố, trong các câu lạc bộ tiếp viên và một trong số 400 cơ sở đang hoạt động như những nhà thổ không chính thức ở Madrid.
Maria, dáng người nhỏ nhắn và ăn nói nhỏ nhẹ, từ Romania đến Tây Ban Nha trong một chuyến đi nghỉ với bạn trai mới. Anh ta lái xe qua biên giới và trong vòng 24 giờ, cô đã bị đẩy ra ngoài đường phố Tây Ban Nha.
“Mọi chuyện xảy ra quá nhanh, thậm chí tôi chưa kịp hiểu điều gì. Nhưng rồi, tôi đã phải trải qua 8 tháng làm gái mại dâm ở các góc phố, trong nhà thổ và trong các căn hộ lạ. Lúc đó tôi sống nhưng như thể không thực sự tồn tại. Không khách hàng nào hỏi liệu tôi có chọn lựa nào khác hay tôi muốn làm nghề này hay không. Họ chẳng thèm quan tâm”.
Maria kể, cô được gã ma cô tuyên bố phải trả một khoản nợ 20.000 euro rồi mới có thể về nước. “Với phụ nữ Romania, những kẻ buôn người luôn đe dọa sẽ giết mẹ hoặc chị gái hoặc con họ nếu không trả hết nợ. Mọi người luôn hỏi tại sao họ không bỏ trốn hoặc báo cảnh sát. Nhưng thực tế không ai có thể gặp một người ngẫu nhiên trên đường rồi cầu xin sự giúp đỡ, trong khi người thân của họ bị dọa giết”.
Theo Maria, lời hứa sẽ trả tự do sau khi hết nợ chỉ là nói dối. Quãng thời gian chịu sự kiểm soát của những kẻ buôn người, cô đã phải chịu hàng trăm khoản phí: tiền mua quần áo, tiền thuê nơi làm việc, bao cao su hay khăn vệ sinh. Nếu không mang đủ tiền về, cô sẽ không được ăn hoặc bị đánh. Maria nói rằng một số kẻ buôn người buộc phụ nữ phải nâng ngực và mặc dù chi phí phẫu thuật khoảng 3.000 euro, số tiền họ phải trả nợ lên tới 10.000 euro.
Đồng cảnh ngộ, Marcella, người Brazil là nạn nhân của những kẻ buôn người sau khi nộp đơn xin học thạc sĩ ở Tây Ban Nha, nhưng hóa ra, đó chỉ là một khóa học “ảo”.
Cô bị ép làm gái mại dâm ngay sau khi được đón từ sân bay. “Nếu Apramp không tìm được tôi, có lẽ giờ tôi đã chết”, Marcella nói. Đến lượt mình, Maria và Marcella đã giúp hàng chục phụ nữ thoát khỏi những kẻ buôn người, cùng với Apramp đưa các nạn nhân về nơi an toàn để lánh nạn, tư vấn, hỗ trợ pháp lý và giúp họ tìm việc làm. “Chúng tôi phải cho họ thấy rằng cuộc sống của họ vẫn đáng để sống”, Marcella nói.
Ở Tây Ban Nha, mại dâm đã được hợp pháp hóa nên cuộc chiến chống nạn buôn người gặp nhiều khó khăn
Vì sao Tây Ban Nha trở thành “điểm nóng”?
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc vào năm 2011, Tây Ban Nha là thủ phủ mại dâm lớn thứ ba trên thế giới, sau Thái Lan và Puerto Rico. Ngành mại dâm ở nước này bùng nổ khi được hợp pháp hóa vào năm 1995. Ước tính gần đây, doanh thu từ buôn bán tình dục của Tây Ban Nha ở mức 26,5 tỷ USD/năm, với hàng trăm nhà thổ được cấp phép và lực lượng lao động ước tính 300.000 người.
Kể từ khi thông qua luật chống buôn người đầu tiên vào năm 2010, Chính phủ Tây Ban Nha ước tính rằng có tới 90% phụ nữ làm nghề mại dâm có thể là nạn nhân của nạn buôn người hoặc chịu sự kiểm soát của bên thứ ba. Rocío Mora, người đồng sáng lập và Giám đốc của Apramp cũng là một trong những luật sư chống buôn người nổi tiếng nhất Tây Ban Nha.
Bà cho rằng, những gì Tây Ban Nha đang phải đối mặt là sự vi phạm lớn đối với các quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái. “Ngành công nghiệp tình dục trục lợi từ việc bán thân của những phụ nữ bị kiểm soát và bóc lột thông qua nợ nần, bạo lực hoặc gây áp lực tâm lý. Các tổ cơ động của chúng tôi đã liên lạc với 280 phụ nữ mỗi ngày và gần như 100% số họ là nạn nhân của nạn lạm dụng và buôn người”, bà Rocío Mora cho biết.
Có nhiều lý do khiến Tây Ban Nha trở thành “điểm nóng”, nhưng theo luật sư Mora, yếu tố lớn nhất là văn hóa. Nạn buôn bán tình dục phổ biến là biểu hiện cực đoan của “thái độ có vấn đề” đối với phụ nữ và giới tính.
“Người Tây Ban Nha có nhu cầu rất lớn về gái mại dâm. Điều đó trở nên bình thường đến nỗi giống như mọi hoạt động giải trí khác”, bà Mora bức xúc. Một cuộc khảo sát năm 2008 cho thấy, 78% người Tây Ban Nha coi mại dâm là không thể tránh khỏi trong xã hội hiện đại. Trong một khảo sát khác năm 2006, 40% đàn ông Tây Ban Nha trên 18 tuổi thừa nhận đã mua dâm ít nhất một lần trong đời.
Cách Calle Montera, một trong những con phố mua sắm sầm uất nhất của Madrid, là trụ sở của Trung tâm Phân tích Rủi ro và Tình báo, do Cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha điều hành. Chánh thanh tra José Nieto là người đứng đầu cơ quan thực thi pháp luật chống buôn người của Tây Ban Nha. Cũng như luật sư Mora, ông đã có 20 năm gắn bó với công việc đầy khó khăn này.
Lý giải việc Tây Ban Nha đã trở thành một thỏi nam châm cho các mạng lưới buôn người, ông Nieto nói: “Đầu tiên, chúng tôi đang chiến đấu với một tội ác được xã hội chấp nhận, bởi vì mại dâm không bị cấm. Thứ hai, về vị trí địa lý, Tây Ban Nha là trung tâm của tất cả các tuyến đường di cư chính. Người Romania có thể đến Tây Ban Nha bằng thẻ căn cước, châu Phi chỉ cách 15km và chúng tôi có một sự kết nối lịch sử với Nam Mỹ”.
Cảnh sát chống buôn người tiếp cận với một phụ nữ trên đường phố Colonia Marconi, Madrid
“Cuộc chiến” gian nan
Theo quan sát của luật sư Mora, trước đây, phần lớn khách làng chơi là những người lớn tuổi lén lút giấu giếm gia đình, hiện tại thì cả khách hàng lẫn gái bán dâm độ tuổi ngày càng trẻ hóa. “Chúng ta có một thế hệ thanh niên lớn lên tin rằng họ có quyền làm bất cứ điều gì với thân thể phụ nữ nếu họ đã trả tiền cho điều đó và họ không phải lo lắng về hậu quả”, bà Mora bày tỏ lo ngại.
Một điểm đáng chú ý khác, hầu hết gái bán dâm ở Tây Ban Nha hiện giờ là người nước ngoài, bản thân tổ chức Apramp đã làm việc với phụ nữ thuộc 53 quốc tịch khác nhau. Trong khi, các nhóm và băng đảng tội phạm ngày càng tinh vi và tàn nhẫn hơn.
Họ không còn cần cử người giám sát trên phố vì họ đang kiểm soát gái bán dâm qua nợ nần, đe dọa và kiểm soát tâm lý. “Đây là điều khiến cho cuộc chiến này trở nên khó khăn hơn nhiều, bởi vì nhiều người không nhìn thấy lối thoát”, luật sư Mora nhận định.
Trong khi đó, lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha gặp khó khăn bởi muốn điều tra tội danh buôn người thì cần có tố cáo của nạn nhân, nhưng thông thường các nạn nhân lo sợ rằng nếu báo cảnh sát, họ sẽ bị trục xuất trong khi nợ còn chưa trả hết. Do đó, mặc dù cảnh sát đã tham gia khóa huấn luyện chống buôn người, nhưng công việc của họ dường như chỉ hạn chế trong việc kiểm tra thẻ căn cước và đưa những phụ nữ bị phát hiện làm việc bất hợp pháp về đồn.
Từ năm 2015, sự phối hợp giữa lực lượng an ninh, công tố viên, thẩm phán và tổ chức phi chính phủ được tăng cường nhằm giải cứu nạn nhân và truy tố các thủ phạm.
Năm 2012, Ioan Keparu, trùm đường dây buôn bán mại dâm lớn nhất ở châu Âu đã phải nhận án tù 30 năm. Trong giai đoạn 2012-2016, lực lượng an ninh ở Tây Ban Nha đã giải cứu 5.695 người khỏi cảnh nô lệ tình dục nhưng thừa nhận rằng hàng nghìn người khác vẫn nằm dưới sự kiểm soát của tội phạm.
Tuy nhiên, Chánh thanh tra José Nieto tin rằng chiến lược mới có sự phối giữa cảnh sát, công tố viên và các tổ chức xã hội khác sẽ siết chặt vòng vây đối với các băng đảng tội phạm kiểu này.
Link gốc bài viết tại đây.