Dù là câu trả lời “có” hoặc nếu chính quyền Catalonia tiếp tục trì hoãn tuyên bố độc lập, Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy có thể áp dụng Điều 155 của Hiến pháp, vốn chưa bao giờ được kích hoạt trước đây, để mở đường cho chính quyền Madrid nắm quyền điều hành trực tiếp vùng Catalonia.
Trước thời hạn chót, đêm 18/10, Thủ hiến Carles Puigdemont đã có cuộc họp đặc biệt với các nhà lập pháp Catalonia. Theo hãng tin Reuters, các nghị sĩ trong đảng của ông Carles Puigdemont khẳng định sẽ ủng hộ ông này nếu ông không trì hoãn tuyên bố độc lập cho Catalonia và nếu Chính phủ Tây Ban Nha sử dụng điều 155 để trước bỏ quyền tự trị của khu vực Đông Bắc này.
Nghị sĩ Marta Pascal nói: “Chúng tôi đã nói với Thủ hiến Carles Puigdemont rằng nếu chính phủ Tây Ban Nha áp đặt Điều 155 của Hiến pháp thì chúng tôi ủng hộ ông không trì hoãn tuyên bố độc lập. Theo đó, biến mong muốn của người dân Catalonia thể hiện trong cuộc trưng cầu ý dân hôm 1/10 thành sự thật”.
Trong trường hợp Chính phủ trung ương Tây Ban Nha quyết định nắm quyền điều hành trực tiếp vùng Catalonia, thì sẽ mất từ 3 đến 5 ngày để quyết định đình chỉ quyền tự trị của khu vực tự trị này có hiệu lực. Còn nếu chính quyền Catalonia từ bỏ tuyên bố độc lập, cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua tại Tây Ban Nha sẽ được “tháo ngòi”.
Khủng hoảng chính trị tại Tây Ban Nha đã trở nên căng thẳng hơn khi ngày 17/10, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha tuyên bố luật trưng cầu ý dân về độc lập của Catalonia là vô giá trị.
Trước đó một ngày, một thẩm phán Tòa án tối cao Tây Ban Nha đã ra lệnh bắt giữ thủ lĩnh 2 nhóm ủng hộ độc lập tại Catalonia, với cáo buộc kích động nổi loạn. Người phát ngôn chính quyền Catalonia Jordi Turull cho rằng đây là một “hành động khiêu khích” của Chính phủ Tây Ban Nha. Ông Jordi Turull cũng nói rằng chính quyền khu tự trị này không có ý định từ bỏ mục tiêu ly khai và câu trả lời ngày hôm nay sẽ “không có gì khác” so với tuyên bố hôm 16/10.
Sóng gió từ chính trường được nhận định cũng khiến cho các thị trường tài chính Tây Ban Nha chao đảo. Rất nhiều công ty đã rút trụ sở hoặc văn phòng đại diện khỏi Catalonia. Mới nhất trong đó là ngân hàng Banco Sabadell- Ngân hàng lớn thứ 5 Tây Ban Nha, cũng đã cân nhắc việc chuyển trụ sở về Madrid.
Với Liên minh châu Âu, dù khẳng định đây là vấn đề nội bộ và Tây Ban Nha phải tự giải quyết, song cũng đã xuất hiện những lo ngại về ảnh hưởng của khủng hoảng chính trị tới nền kinh tế Tây Ban Nha và lan sang các nước khác trong EU./.