Trong 19 năm qua, Sara del Mar làm công việc quản lý nhân viên phục vụ phòng tại một khách sạn ở hòn đảo du lịch nổi tiếng Mallorca, nơi đây có rất nhiều du khách Anh ghé thăm.
Người phụ nữ 52 tuổi này là một trong số ít những người may mắn có sức khỏe bình thường. Công việc dọn phòng là việc làm rất vất vả, đòi hỏi liên tục phải cúi xuống hoặc bê vác, khiêng vật nặng trong lúc dọn dẹp phòng ốc.
Hàng nghìn nhân viên dọn dẹp khách sạn ở đây phải đối mặt với một vài vấn đề sức khỏe như thoát vị đĩa đệm cột sống; hội chứng ống cổ tay gây ra tình trạng viêm, đau tê hoặc làm teo cơ, yếu cơ...
Điều kiện làm việc khắc nghiệt
Trong 6 năm qua, bà Sara del Mar đã đứng đầu một hiệp hội để đòi hỏi quyền lợi của những nữ nhân viên dọn dẹp phòng tại Mallorca. Hầu hết những người làm nghề dọn dẹp khách sạn là phụ nữ, khoảng một nửa trong số họ là từ nơi khác đến đây tìm kế sinh nhai.
Công việc của họ liên tục không ngừng nghỉ với cường độ làm việc cao. Mỗi ngày, Sara del Mar phải dọn dẹp sạch sẽ 24 phòng khách sạn chỉ trong 6 tiếng đồng hồ, một yêu cầu đầy khắt khe mà không phải ai cũng đáp ứng được. Những người dọn dẹp khác phải đối mặt với khối lượng công việc thậm chí còn lớn hơn.
Bà Sara del Mar chia sẻ: "Áp lực rất lớn, rất ít người trong số chúng tôi có đủ thời gian để nghỉ trưa, thậm chí việc ăn một bữa cơm cũng là điều xa xỉ. Thời gian đi vệ sinh cũng rất gấp gáp".
Những người phụ nữ làm công việc này chấp nhận việc đánh đổi sức khỏe để nuôi cả gia đình và giữ cho ngành du lịch quan trọng của Tây Ban Nha tiếp tục hoạt động tốt.
Mallorca là địa điểm du lịch nổi tiếng ở Tây Ban Nha.
Tình trạng chung ở nhiều khu vực
Không chỉ ở Mallorca, mà nhiều nơi khác tại Tây Ban Nha, các nhân viên dọn dẹp phòng cũng phải đối mặt với hoàn cảnh tương tự: Công việc thì rất nhiều mà lương nhận về lại chẳng thấm vào đâu.
Ana Nacher, người đã làm công việc quét dọn trong 17 năm ở Lanzarote, chia sẻ rằng mỗi ngày, bà bắt đầu dọn dẹp các khu vực chung của khách sạn. Sau đó, Nacher phải dọn khoảng 20 phòng khách sạn trong 6 tiếng rưỡi và người phụ nữ thường phải bỏ bữa trưa để có thể hoàn thành đúng thời gian quy định.
Những người làm công việc này cũng không cho phép mình được nghỉ ốm vì họ sẽ không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào.
"Nhiều người trong chúng tôi đã phải dùng thuốc chống trầm cảm. Nếu chúng tôi xin nghỉ vì bị ốm thì rất dễ bị sa thải hoặc không được thuê lại nữa. Bởi vì hợp đồng của chúng tôi chỉ là nhân viên tạm thời, dễ dàng bị thay thế", Ana Nacher cho hay.
Một nữ nhân viên dọn phòng tên Maria chia sẻ rằng thông thường họ sẽ mất khoảng 30 phút để dọn một căn phòng nếu may mắn nó còn khá sạch sẽ. Còn đâu họ thường phải mất khoảng 1 tiếng đồng hồ để làm sạch một căn phòng theo đúng quy định.
Công việc dọn phòng rất căng thẳng và áp lực.
Thời gian làm việc căng thẳng với áp lực đè nặng trên vai, thời gian nghỉ ngơi không có đã khiến nhiều nhân viên dọn phòng gặp một vài chấn thương nghiêm trọng. Nữ nhân viên Maria đã học cách sống chung với nỗi đau này.
"Tất cả đều đau nhức từ tay chân, cánh tay cho đến lưng của bạn. Chồng tôi thậm chí còn trêu rằng tôi là 'nữ hoàng của thuốc giảm đau'", Maria cho biết thêm.
Mọi thứ đang dần thay đổi
Năm 2014, một nhóm người làm công việc dọn phòng ở Barcelona đã bắt đầu kết nối với nhau qua mạng xã hội để nói lên tình hình công việc của họ. Lúc đầu, nó hoạt động giống như một nhóm trị liệu để chia sẻ lời khuyên và kinh nghiệm nhưng sau đó nhanh chóng trở thành một nơi để họ hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi cho nhau.
Năm 2016, họ chính thức thành lập Hiệp hội Las Kellys tại Barcelona để chống lại việc các khách sạn thuê nhân viên dọn dẹp phòng ngắn hạn thay vì đưa vào danh sách nhân viên chính thức.
"Khi các khách sạn thuê nhân viên dọn phòng, họ trả cho chúng tôi ít hơn khoảng 40% so với mức lương thông thường mỗi giờ. Ngoài ra, số lượng phòng chúng tôi phải dọn dẹp trong 8 giờ tăng khoảng 30%. Vào mùa cao điểm du lịch, tình trạng quá tải công việc thậm chí còn tồi tệ hơn", Arana, một người thuộc hiệp hội khẳng định.
Trước thực trạng ngày càng đáng báo động này, chính quyền địa phương buộc phải vào cuộc. Chính phủ đã cam kết thể hiện sự quyết tâm để cải thiện điều kiện làm việc cho các nhân viên dọn phòng vì họ đóng góp công sức không hề nhỏ cho ngành du lịch, một lĩnh vực thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
Trong thời gian gần đây, điều kiện làm việc và các hỗ trợ cần thiết cho các nhân viên dọn dẹp phòng đã được cải thiện: Nhiều bệnh về thể chất phổ biến của họ được công nhận là bệnh nghề nghiệp. Tại khu vực phục vụ khách du lịch, tiền lương của những người lao động này được đảm bảo mức trung bình hàng tháng là 1.400 euro (34,7 triệu đồng).
Các chủ khách sạn buộc phải lắp đặt giường có thể điều chỉnh độ cao để giúp các nhân viên dọn dẹp dễ hơn. Hiệp hội Las Kellys cho biết, họ vẫn đang tiếp tục đi tìm công bằng cho các nhân viên để ai cũng có một cuộc sống tốt hơn và sức khỏe không còn bị ảnh hưởng quá nhiều.
Nguồn: DW, Aljazeera