Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022. Theo đó, doanh thu thuần của Vinasun tiếp tục hồi phục mạnh, đạt 247 tỷ đồng, tăng trưởng 65% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi doanh thu tăng, giá vốn của Vinasun lại giảm. Nhờ đó, lợi nhuận gộp của công ty chuyển từ lỗ 27,5 tỷ đồng quý 2/2021 sang lãi tới 87,4 tỷ đồng quý 2/2022, con số cao nhất kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện năm 2020.
Không những vậy, Vinasun còn giảm được cả chi phí tài chính và chi phí bán hàng. Nhờ đó, công ty báo lãi sau thuế 56,4 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Lý giải nguyên nhân lãi lớn, Vinasun cho biết các chính sách mà công ty đã và đang thực thi trong thời gian vừa qua đã phát huy tác dụng. Tài xế đã quay lại công ty để tiếp tục kinh doanh, 100% xe được đưa vào hoạt động (không còn xe nằm bãi), các chi phí được tiết giảm hợp lý.
Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đã được khống chế, các hoạt động kinh doanh và giao thương của nền kinh tế phục hồi trở lại đã tác động tích cực đến hoạt động kinh doanh của công ty.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun đạt doanh thu thuần 411 tỷ đồng (tăng 10%) và lãi 69 tỷ đồng (nửa đầu năm ngoái công ty lỗ gần 97 tỷ đồng).
Kết quả kinh doanh của Vinasun cho thấy taxi truyền thống đang dần lấy lại được chỗ đứng trên thị trường. Những năm trước, khi các hãng xe công nghệ vung tiền khuyến mãi để hút người dùng, các hãng taxi truyền thống đã không thể cạnh tranh.
Tuy nhiên, khi các hãng xe công nghệ đang dần tăng giá trở lại để tìm kiếm lợi nhuận, thì người tiêu dùng có xu hướng quay về taxi truyền thống, bởi giá cước minh bạch, gọi xe dễ dàng.
Thời gian qua, taxi công nghệ bị phản ánh khó gọi xe, khi nhiều tài xế "tắt ứng dụng", nghỉ chạy do giá xăng dầu tăng cao, các hãng giữ chiết khấu quá cao, càng chạy càng lỗ.
Trong khi đó, taxi truyền thống như Vinasun có tỷ lệ ăn chia 50/50, mọi chi phí đều do hãng chịu nên đối với tài xế cơ chế này hấp dẫn hơn so với taxi công nghệ.
Trả lời phỏng vấn trên báo Người Lao Động, lãnh đạo hãng taxi Vinasun cho biết doanh số của hãng thời gian gần đây tăng rất cao, so với thời điểm trước dịch Covid-19, mức tăng lên đến 50%.
Để nâng chất lượng dịch vụ, hãng đã đưa vào hoạt động hơn 2.500 xe nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng. "Chúng tôi đang mua thêm xe mới để đưa vào hoạt động nhưng thời điểm này rất khó nhận được xe do chuỗi cung ứng linh kiện xe bị đứt gãy" - vị này cho biết.
Tương tự, đại diện hãng taxi Mai Linh cũng xác nhận nhu cầu sử dụng taxi đang tăng khá cao, hoạt động hết công suất. Do đó, cần phải tăng cường thêm lượng đầu xe để phục vụ khách hàng tốt hơn.