Không lâu sau khi cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur tại Kazakhstan, hai phi hành gia là Nick Hague và Alexey Ovchinin báo xuống bộ phận điều khiển tại mặt đất rằng tên lửa có vấn đề. Họ phải hạ cánh khẩn cấp, xuống một vùng trống cách Baikonur 500 km về phía Bắc. Họ vẫn an toàn.
Phía Nga nói rằng họ đã tạm hoãn toàn bộ các chuyến bay có người lái tương lai, đang điều tra xem điều gì đã khiến tên lửa Soyuz hư hại, suýt khiến cho hai phi hành gia thiệt mạng.
Điều gì đã xảy ra?
Buổi phóng khởi đầu thành công như mong đợi, nhưng từ khoảng giây thứ 90 trở đi, báo cáo gửi về cho thấy hệ thống gặp vấn đề tại khu vực tên lửa đẩy, giữa giai đoạn đầu và giai đoạn hai của việc tàu vũ trụ với tên lửa phóng.
Đoạn phim ngắn cho thấy khoang lái của hai phi hành gia đã rung lắc dữ dội vào thời điểm lỗi được báo về.
Không lâu sau, NASA tuyên bố hai phi hành gia phải thực hiện "hạ cánh đạn đạo" – phương thức hạ cánh khẩn cấp, khiến khoang lái đam thẳng xuống đấp với một góc nhọn hơn bình thường, với lực G cực lớn không khác gì một viên đạn. Khoang lái tách với tên lửa đang gặp vấn đề, lao xuống và bung dù, đưa hai phi hành gia đáp đất.
Phân tích của chuyên gia khoa học Jonathan Amos từ BBC
Soyuz là một trong những thiết kế tên lửa vũ trụ cũ nhất nhưng cũng là một trong những thiết kế an toàn nhất. Vụ việc hỏng hóc xảy ra vào giai đoạn tách thân, loại bỏ những bộ phận tên lửa đã không còn nhiên liệu đi, giảm thiếu khối lượng toàn bộ hệ thống.
Đoạn phim tàu Soyuz gặp nạn, nhìn cả từ bên ngoài và bên trong khoang chở phi hành gia.
Hai phi hành gia trên tàu vũ trụ nhận thấy có điểm khác lạ: đáng lẽ họ phải cảm thấy mình bị ép sát vào ghế do tên lửa đang bứt lên không, nhưng họ lại cảm thấy mình trong trạng thái không trọng lượng. Nhờ cảm nhận nhạy bén của chuyên gia, họ đã sớm phát hiện ra tàu có vấn đề. Hệ thống thoát hiểm (đã được thử nghiệm nhiều lần) cứu sống được hai phi hành gia.
Sau vụ tai nạn, nhiều người lo lắng cho những chuyến hành trình tương lai. Ít nhất vẫn có một tin vui: hệ thống thoát hiểm hoạt động hiệu quả, phi hành đoàn trở về an toàn. Các bác sĩ vẫn theo dõi sát sao các số đo sức khỏe của hai phi hành gia Hague và Ovchinin.
Mọi chuyến bay tương lai sẽ tạm hoãn cho tới khi cơ quan chức trách tìm ra được nguyên do vụ tai nạn. Cũng không cần quá lo lắng, hoạt động trên Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS không bị ảnh hưởng bởi sự cố này.
Vụ tai nạn không khiến dự án hợp tác du hành vũ trụ giữa Nga và Mỹ thêm căng thẳng, bởi "đây là ngành công nghiệp công nghệ cao có rủi ro rất lớn". Khi có kết quả điều tra, các cơ quan liên quan sẽ ngay lập tức thông báo.