Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới đây đã đăng tải đoạn âm thanh lạ dài 50 giây mà tàu thăm dò Juno thu được trong chuyến bay gần Ganymede - mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc.
Các âm thanh rít vang và vo ve, tăng dần cao độ lên đỉnh điểm rồi sau đó giảm xuống bí ẩn. Lúc đó, tàu Juno đạt đến điểm tiếp cận gần nhất với mặt trăng Ganymede trong vòng bay thứ 34 của nó quanh Sao Mộc. Tàu vũ trụ lúc đó chỉ cách bề mặt mặt trăng 1.038 km, di chuyển với vận tốc tương đối là 67.000 km/giờ.
Ganymede và Sao Mộc. Ảnh: NASA
"Bản nhạc nền vừa đủ hoang dã để khiến bạn cảm thấy như thể bạn đang ở ngay kế bên tàu Juno đi nó ngang qua Ganymede lần đầu tiên sau hơn 2 thập kỷ. Chúng tôi sẽ phân tích để xem nó chứa đựng những thông tin gì", tiến sĩ Scott Bolton, nhà nghiên cứu hành tinh từ Viện Nghiên cứu Tây Nam và là một trong những thành viên chủ chốt của nhóm điều hành Juno, cho biết.
"Nếu lắng nghe kỹ, chúng ta có thể nghe thấy sự thay đổi đột ngột ở các tần số cao hơn. Điều này dường như cho thấy tàu Juno đang di chuyển qua một vùng khác trong từ quyển trên vệ tinh Ganymede", ông Scott lý giải thêm.
Một số tài khoản bình luận dưới bài đăng trên Facebook của NASA rằng âm thanh nghe như bản Revolution 9 trong album White của nhóm nhạc huyền thoại The Beatles.
Tàu vũ trụ Galileo, từng nghiên cứu Sao Mộc trong những năm 1990 và đầu những năm 2000, cũng lấy mẫu không gian xung quanh Ganymede, và thậm chí đã khám phá ra rằng sóng plasma xung quanh mặt trăng này mạnh hơn 1 triệu lần so với hoạt động trung bình ở khoảng cách tương ứng xung quanh Sao Mộc.
Cuối tháng 7/2021, một nghiên cứu công bố trên Nature Astronomy, phân tích dữ liệu cực tím của Kính viễn vọng Hubble (NASA/ESA) đã tiết lộ bằng chứng về hơi nước trên thiên thể này.
Dữ liệu cũng cho thấy từ trường của Sao Mộc đã trải qua một sự thay đổi lớn trong 5 năm qua. Bản đồ mới của hành tinh này của nhóm nghiên cứu cho thấy lực nổ của Sao Mộc được tạo ra bởi một lớp hydro kim loại bao quanh lõi của nó.
Sứ mệnh cùng tàu thăm dò Juno sẽ được mở rộng cho đến tháng 6/2025. Kể từ nay tới đó, nó sẽ tiếp tục cung cấp những hiểu biết đáng kinh ngạc về Sao Mộc - hành tinh thứ 5 trong Hệ Mặt trời của chúng ta.