Vào 23h11 (giờ Trung Quốc) đêm 1/12/2020, tàu vũ trụ Hằng Nga 5 (Chang'e-5) đã hạ cánh thành công xuống bề mặt Mặt trăng, sau khi được phóng lên vũ trụ vào ngày 24/11. Theo các chuyên gia, đây được xem là một trong những sứ mệnh khó khăn và phức tạp nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ Trung Quốc.
Theo đó, con tàu này đã đáp xuống một khu vực gần Mons Rümker - một ngọn núi ở Ocean of Storms. Nơi đây chính là tàn tích giữa một vụ va chạm cực mạnh giữa Mặt trăng và một thiên thạch cách đây khoảng 3,9 tỷ năm về trước. Kết quả của vụ va chạm tạo ra một ‘vết đen’ khổng lồ, rộng tới gần 2900 km trên bề mặt của vệ tinh này.
Theo kế hoạch, tàu Hằng Nga 5 sẽ tiến hành nghiên cứu bề mặt Mặt trăng trong vòng 2 ngày, đồng thời thu thập mẫu đất đá trên mặt trước khi quay trở về Trái Đất.
Được biết, tàu Hằng Nga 5 có tổng cộng 4 mô đun, gồm mô đun đổ bộ mang theo các dụng cụ chuyên dụng để thu thập mẫu vật (Lander), mô đun quỹ đạo (Orbiter), mô đun mẫu vật (Ascender) và một mo đun dùng để lưu trữ và mang mẫu vật thu được về Trái đất an toàn (Returner). Trên tàu có trang bị các thiết bị như camera, máy đo phổ hồng ngoại để thực hiện công việc khảo sát bãi đáp, đồng thời phát hiện thành vật vật chất trên Mặt trăng.
Mons Rümker - khu vực tàu Hằng Nga 5 hạ cánh
Đáng chú ý, sứ mệnh của tàu Hằng Nga 5 cũng sẽ giúp Trung Quốc sẽ trở thành quốc gia thứ 3 trên thế giới thu thập được các mẫu vật chất trên Mặt trăng, sau Mỹ và Liên Xô cũ. Bản thân tàu Hằng Nga 5 cũng là tàu thăm dò thực hiện sứ mệnh lấy mẫu vật Mặt trăng đầu tiên sau hơn 40 năm, kể từ khi các sứ mệnh Apollo của Mỹ chấm dứt.
Tham khảo BBC / Space.com