Tàu vỏ thép ở Sầm Sơn hư hỏng: Doanh nghiệp "gợi ý" lỗi do ngư dân

P.N |

Một con tàu mới đưa vào sử dụng một năm, 9 lần ra khơi đều hỏng cả 9, Công ty Đại Dương – đơn vị đóng tàu - cho rằng nguyên nhân là do ngư dân "chưa có kinh nghiệm".

Báo Dân Việt cho biết, chiều 5/7 tại trụ sở UBND thành phố Sầm Sơn, Thanh Hóa đã diễn ra cuộc đối thoại giữa các cơ quan chức năng, các công ty đóng tàu và ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67.

Nội dung chính của cuộc gặp là về việc ông Nguyễn Duy Muộn ở phường Quảng Cư (Sầm Sơn), chủ tàu cá 01 Muộn Chương, số đăng ký: TH 93968 TS, có đơn gửi các cơ quan chức năng về việc: Tàu của ông liên tục bị hư hỏng do liên quan đến máy móc và kỹ thuật.

Tại buổi đối thoại, ông Muộn cho biết, chiếc tàu của ông do Công ty Đại Dương đóng có nhiều chi tiết không đúng với thiết kế, cụ thể: hệ thống điện trên tàu không đúng kỹ thuật, hệ thống sào tàu không đúng loại thép theo thiết kế, hệ thống tời của tàu cũng bị hỏng.

Tàu mới đưa vào sử dụng một năm, 9 lần ra khơi thì hỏng cả 9 lần, hỏng máy phát điện, vỡ pít-tông tời, hỏng hệ thủy lực, cháy bóng đèn trên tàu, cháy ba- lát (chấn lưu điện tử), cọc sào tàu bị gãy….

Giải thích về lý do tàu bị hỏng hóc, báo Dân Việt dẫn lời ông Đỗ Quang Dương, Tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Dương, cho rằng, có thể do ngư dân chưa có nhiều kinh nghiệm: "Nghề chính của ông Muộn trước đây là nghề thợ lặn, do bỡ ngỡ mới vào nghề chụp mực, chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, vận hành và khai thác tàu cá lưới chụp vỏ thép công suất trên 800 CV, có thể dẫn đến việc khai thác thiếu hiệu quả và có thể làm hỏng máy móc, thiết bị".

Theo báo Dân Trí, ông Dương nói tại cuộc họp, đơn vị này luôn có trách nhiệm với tàu của ông Muộn. Công ty đã 6 lần cử cán bộ vào để hỗ trợ ông Muộn sửa chữa tàu và đã chi hết 366 triệu đồng để bảo hành chiếc tàu này.

Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, sau buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Muộn và đại diện Công ty Đại Dương vẫn chưa đi đến thống nhất phương án hỗ trợ về việc sửa chữa này.

Báo Sài Gòn Giải Phóng dẫn báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa cho biết, sau hơn 3 năm triển khai Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, đến đầu tháng 7-2017, tỉnh Thanh Hóa có 46 tàu khai thác hải sản xa bờ đã đi vào hoạt động gồm 23 tàu vỏ thép, 23 tàu vỏ gỗ.

Tuy nhiên trong quá trình vận hành 18/23 tàu vỏ thép đã gặp phải hư hỏng, trục trặc về máy phát điện, cẩu, tời, hầm bảo quản, gãy tăng gông, khai thác không hiệu quả, trong đó có 4 tàu nằm bờ.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại