Trong bài viết đăng tải trên Tạp chí quân sự “We Are The Mighty” của quân đội Mỹ vừa qua, chuyên gia quân sự Mỹ Harold Hutchison đã đưa ra những viễn cảnh nếu xảy ra cuộc “so găng” giữa tàu khu trục USS Zumwalt (DDG-1000) của Mỹ với tàu tuần dương Peter Đại đế (Pyotr Velikiy) Đề án 1144 Orlan lớp Kirov của Nga.
So sánh về năng lực thực chiến giữa tàu USS Zumwalt của Mỹ với tàu Peter Đại đế, chuyên gia Harold Hutchison cho rằng, mặc dù tàu khu trục USS Zumwalt được Mỹ đóng và đưa vào biên chế đã lâu, song loại tàu khu trục này vẫn là một chiến hạm hiện đại và có khả năng thực chiến cao với các loại hỏa lực mạnh như hai hệ thống pháo cỡ 155mm, 20 hệ thống tên lửa bốn nòng đơn phóng thẳng đứng, hai hệ thống pháo phụ cỡ 30mm và nhiều loại vũ khí trang bị hiện đại khác.
Về khả năng tấn công, tàu USS Zumwalt có thể sử dụng các tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công các mục tiêu trên bộ và được trang bị hệ thống tên lửa RIM-162 Evolved SeaSparrow Missile (ESSM), phiên bản cải tiến của RIM-7 Sea Sparrow để phòng thủ trước các tên lửa chống hạm siêu âm cơ động như Yakhont, 3M54E Klub của Nga.
ESSM được phóng từ bệ phóng thẳng đứng Mk 41 với 1 ống phóng Mk 41 cho phép chứa đến 4 tên lửa ESSM. Tầm bắn khoảng 50km, tốc độ bay tối đa là Mach 4. Sử dụng cơ chế dẫn đường điều khiển và dẫn đường quán tính ở từng giai đoạn bay kết hợp dẫn đường bằng radar bán chủ động, sử dụng đầu đạn nổ mạnh phá mảnh.
Đặc biệt tàu khu trục USS Zumwalt của Mỹ được trang bị khả năng tàng hình độc đáo, nên nếu xảy ra các cuộc “đọ sức”, tàu USS Zumwalt có thể dễ dàng tránh được các đòn tấn công bằng tên lửa tầm xa của đối phương.
Còn tàu tuần dương Peter Đại đế là tàu tuần dương lớp Kirov cuối cùng được nghiên cứu chế tạo thời Liên Xô cũ, có khả năng mang tên lửa hạt nhân hạng nặng. Đây được coi là "soái hạm" của Hạm đội Phương Bắc.
Tàu tuần dương Peter Đại đế có lượng giãn nước là 25.800 tấn, chiều dài 250m, chiều rộng tối đa 28,5m, thủy thủ đoàn 760 thành viên. Tàu tuần dương hạng nặng Peter Đại đế như một pháo đài nổi mang theo vũ khí, có khả năng chiến đấu với bất kỳ kẻ thù nào.
Tàu tuần dương Peter Đại đế hạng nặng của Nga. Nguồn: huanqiu. |
Tàu Peter Đại đế được trang bị 20 bệ phóng tên lửa chống hạm P-700 Granit, tổ hợp tên lửa phòng không Osa-M, Kinzhal và tên lửa tầm xa S-300F, hệ thống tên lửa - pháo phòng không Kortik và hệ thống pháo AK-630, ngư lôi chống ngầm Metel và Vodopad và pháo 2 nòng tự động AK-130.
Để tiêu diệt các mục tiêu trên không ở cự ly gần, tàu sử dụng 16 bệ phóng tên lửa phòng không 3K95 Kinzhal (SA-N-9 Gauntlet) với cơ số 128 tên lửa và 6 hệ thống tên lửa/pháo phòng thủ CADS-N-1 Kashtan.
Tàu có thể đồng thời tấn công tàu nổi, tàu ngầm, hay phóng tên lửa phòng không S-300 chống lại các mối đe dọa từ trên không. Đặc biệt, tàu Peter Đại đế trước đây được Hải quân Liên Xô phát triển để đối phó với các tàu sân bay.
Chuyên gia Hutchison cho rằng, mặc dù tàu tuần dương Peter Đại đế có sức mạnh khá “đáng sợ”, nhưng nó không được trang bị khả năng tàng hình, do đó nếu thực chiến “một đối một”, tàu tuần dương Peter Đại đế sẽ là mục tiêu được hiển thị rõ ràng cho các loại tên lửa của đối phương nhắm đến.
Một yếu tố nữa làm cho tàu Peter Đại đế “không có cửa” trước tàu USS Zumwalt của Mỹ đó là khả năng cơ động của tàu Peter Đại đế không bằng với tàu USS Zumwalt.
Cùng với đó, USS Zumwalt được trang bị hệ thống tên lửa chống hạm tầm xa (LRASM) đã được Mỹ nâng cấp, nếu USS Zumwalt phát hiện được đối phương trước, tàu tuần dương Peter Đại đế của Nga sẽ bị nhấn chìm bởi hệ thống vũ khí chống hạm của tàu Zumwalt.