Hôm qua, con robot to cỡ một chiếc xe SUV được đặt nằm gọn trong khoang bảo vệ đã lao qua bầu khí quyển sao Hỏa với tốc độ siêu thanh. Một chiếc dù đã giúp giảm tốc độ rơi của nó, sau đó một chiếc dù phản lực đã điều hướng nó đến điểm hạ cánh an toàn.
Những người điều khiển sứ mệnh tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA ở Pasadena, California, Mỹ nhận được tín hiệu rằng thét bị đã xuống đất và vẫn "còn sống" lúc 3h55 chiều, theo múi giờ ET. Cả căn phòng ngay lập tức bùng nổ trong tiếng hoan hô và vỗ tay, sau đó yên lặng ngay lập tức chỉ vài phút sau đó khi nhận được bức ảnh đầu tiên được truyền về.
Bức ảnh đầu tiên của tàu thám hiểm Perseverance từ sao Hỏa.
Một bức ảnh thứ hai nhanh chóng xuất hiện, được chụp bởi camera đặt ở phía sau của thiết bị tự hành này.
Bức ảnh thứ hai mà Perseverance chụp trên sao Hỏa, sử dụng camera sau, ngày 18 tháng 2 năm 2021.
"Chúng tôi chụp những thứ này ngay sau khi hạ cánh. Vẫn còn bụi trong không khí từ việc hạ cánh của thiết bị", Rob Manning, kỹ sư trưởng tại Phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực của NASA, cho biết. "Đây là những gì NASA làm. Đây là những gì chúng ta có thể làm với tư cách là một quốc gia."
Những hình ảnh cho thấy lưu vực đầy bụi của miệng núi lửa Jezero: một lòng hồ cổ xưa có thể là nơi chứa sự sống của vi sinh vật cách đây 3,5 tỷ năm, khi nó chứa đầy nước. Perseverance hiện đã sẵn sàng dành "năm sao Hỏa" tiếp theo (ước tính bằng khoảng 2 năm ở Trái đất) để khám phá vùng châu thổ của con sông từng cung cấp cho miệng núi lửa và tìm kiếm dấu hiệu của sự sống ngoài hành tinh thời cổ đại.
Hình minh họa về Perseverance và chiếc máy bay trực thăng đi kèm.
Theo các nhà khoa học, đây có lẽ là nơi tốt nhất để tìm kiếm tàn tích của sự sống trên sao Hỏa, vì con sông từng cung cấp cho Hồ Jezero sẽ có bùn và đất sét, một cái bẫy tự nhiên đối với các cộng đồng vi khuẩn, sau đó giữ lại dấu ấn của chúng dưới bùn.
Perseverance mang theo 43 ống mẫu để nó có thể chứa các mảnh đất đá, bao gồm cả hóa thạch của người ngoài hành tinh nếu có. NASA có kế hoạch gửi một sứ mệnh khác để lấy những mẫu đó và đưa chúng trở lại Trái đất vào những năm 2030.
Khoảnh khắc tàu đổ bộ sao Hỏa truyền thông tin về Trái đất
Miệng núi lửa Jezero là địa điểm hạ cánh nguy hiểm nhất mà bất kỳ nhiệm vụ nào trên sao Hỏa từng nhắm tới. Các cánh đồng đá bao quanh bãi đáp, cồn cát giáp ranh với phía tây nam và những vách đá dài 60 mét cắt thẳng qua chính giữa. Nhưng các phần mềm máy tính hỗ trợ hạ cánh tinh vi của Perseverance đã khảo sát tất cả những mối nguy hiểm đó khi nó lao thẳng về phía sao Hỏa và hướng thiết bị tới một vùng đất bằng phẳng.
Hình minh họa về vị trí của Perseverance tại miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa.
Ngay từ cuối tuần này, NASA có thể nhận được hình ảnh và video ngắn về chuyến đi thực tế của Perseverance tại sao Hỏa. Con robot tự hành này được trang bị máy ảnh và một micro để có thể ghi lại toàn bộ chuyến đi. Đây sẽ là những cảnh quay đầu tiên từng được ghi lại về cuộc đổ bộ lên sao Hỏa.
Hiện tại, nó sẽ tiếp tục tải dữ liệu lên, truyền dữ liệu đó tới Trái đất thông qua một con tàu vũ trụ đã quay quanh sao Hỏa trong nhiều năm. Sau đó, trong những tuần đầu tiên trên bề mặt hành tinh đỏ, Perseverance sẽ thực hiện kiểm tra hệ thống để đảm bảo mọi thứ đều hoạt động bình thường. Tiếp đó, nó sẽ mở tấm chắn bụng của mình để thả chiếc trực thăng liên hành tinh đầu tiên, được thiết lập để thực hiện một loạt chuyến bay thử nghiệm, khai mở ra một phương pháp khám phá không gian mới đầy tiềm năng.
Cả Perseverance và máy bay trực thăng, được gọi là Ingenuity, dự kiến sẽ ghi lại toàn bộ những chuyến bay đó. Máy bay không người lái và xe tự hành sẽ cùng quan sát nhau từ mặt đất và trên không.
Khi Ingenuity đã bay xong, Perseverance sẽ bắt đầu một cuộc hành trình dài qua miệng núi lửa Jezero. Chắc chắn sẽ còn nhiều hình ảnh nữa sẽ được chuyển về Trái đất.
Tham khảo BI