Sao Hỏa là một hành tinh khô và băng giá nhưng nó cũng có một vài đám mây trong bầu khí quyển mỏng, được hình thành với mức độ đủ để ảnh hưởng tới khí hậu trên hành tinh này. Những đám mây trên sao Hỏa khác với những gì chúng ta thấy trên Trái Đất, vốn được tạo thành từ những giọt nước ngưng tụ. Trên sao Hỏa, những đám mây gồm những tinh thể băng bao quanh các phân tử bụi khoáng, tương tự như cái gọi là mây dạ quang trên Trái Đất.
Tàu thăm dò Curiosity của NASA ghi lại cảnh tượng hiếm thấy trên bầu khí quyển sao Hỏa
Những đám mây trên sao Hỏa thường được hình thành và di chuyển ở độ cao cao hơn mức trung bình là 60km. Nhiệt độ trong khu vực khí quyền này đủ thấp để CO2 kết tinh lại. Vì thế, những đám mây này chủ yếu được tạo thành từ băng khô, thay vì nước như thông thường.
CO2 ở thể rắn không phải hiện tượng bất thường rên sao Hỏa. Trên thực tế, ở vùng cực, vốn bao gồm cả nước ở thể băng, thường được bao phủ bởi lớp băng CO2 tương đối mỏng. Ở cực bắc, lớp băng CO2 này bay hơi vào mùa hè nhưng ở cực năm, lớp băng này tồn tại vĩnh cửu dù độ dày mỏng khác nhau theo từng mùa.
Những đám mây mà Curiosity ghi lại được cũng đặc biệt gây chú ý về màu sắc óng ánh bất thường. Những tinh thể băng này phản chiếu ánh mặt trời và tạo nên cảnh tượng tuyệt đẹp.
"Tôi thực sự kinh ngạc trước màu sắc của những đám mây: từ đỏ, xanh lá, xanh da trời cho tới tím. Thật tuyệt vời khi được chiêm ngưỡng những sắc màu này trên sao Hỏa", nhà khoa học khí tượng Mark Lemmon thuộc Viện Khoa học Không gian ở Boulder, Colorado, Mỹ cho hay./.