Tàu sân bay USS Harry S. Truman đang ở đâu?
Ngày 13/9 tờ Business Insider dẫn nguồn Hải quân Mỹ đưa tin các tàu chiến trong Nhóm tác chiến tàu sân bay Harry S. Truman được lệnh triển khai ở Đại Tây Dương mà không có tàu sân bay và các phi đội máy bay đi kèm sau khi hàng không mẫu hạm này bị "sự cố điện bất ngờ" và cần phải bảo trì.
Vào cuối tháng 8, Đại úy Scott Miller - phát ngôn viên Bộ Tư lệnh Lực lượng Hạm đội Hoa Kỳ nói với USNI News rằng tàu sân bay Truman đã gặp phải "sự cố trong hệ thống cung cấp điện, cần kiểm tra và khắc phục".
Một tàu sân bay lớp Nimitz sẽ phải qua giai đoạn RCOH (Đại tu và tiếp nhiên liệu phức tạp) quan trọng giữa chu kỳ hoạt động 46 năm cũng như các cuộc kiểm tra định kỳ. USS Harry S. Truman đã hoạt động được 23 năm (từ 1996) và hiện tại đã đến thời điểm RCOH của nó.
Tư lệnh Hạm đội 2 Hải quân Mỹ, Phó Đô đốc Andrew Lewis đã mô tả đây là một việc "không may" trong cuộc phỏng vấn của USNI News:
"Tình hình của tàu sân bay Truman nói thẳng thắn là điều không may. Rõ ràng, chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để sửa nó, nhưng thật không may - chắc chắn không ai muốn điều đó xảy ra."
Hôm 12/9, Hải quân Mỹ cho biết rằng "Việc sửa chữa đang tiến triển và mọi nỗ lực đang được thực hiện để triển khai tàu sân bay và máy bay càng sớm càng tốt". Nhưng, vì vẫn còn khá nhiều ẩn số xung quanh vấn đề này, không rõ khi nào tàu Truman mới lại sẵn sàng ra khơi.
Phó Đô đốc Lewis tiếp lời với USNI News: "Không nghi ngờ gì về việc không có tàu sân bay sẽ làm mất đi tính biểu tượng và hiệu ứng răn đe (của nhóm tác chiến tàu sân bay).
"Tàu sân bay là một con quái vật khổng lồ với khả năng đáng kinh ngạc, nó xuất hiện trên bờ biển của ai đó, và nếu kẻ đó không phải là bạn của chúng ta, họ sẽ nhanh chóng phải trở thành bạn của chúng ta nếu hiểu ra điều gì tốt cho họ.
Không thể so sánh việc thiếu nó với những con tàu nhỏ hơn".
Theo USNI News, chính quyền Mỹ đã đưa ra phương án bỏ qua quá trình RCOH của USS Harry S.Truman (để kéo dài thời gian hoạt động) và tàu sân bay này sẽ sớm bị loại biên để thay thế bằng các tàu sân bay mới thuộc lớp Ford.
Tuy nhiên vào ngày 1/5, Phó tổng thống Mike Pence đã tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì USS Harry S.Truman trong lực lượng Hải quân Mỹ.
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN-71) trong quá trình RCOH năm 2012, tức là 28 năm sau khi được hạ thủy (1984).
Cụm tác chiến của Hạm đội 2 triển khai để "dọa nạt" ai?
Các tàu khu trục USS Lassen, USS Farragut, USS Forrest Sherman và USS Normandy sẽ ra khơi từ những căn cứ ở Norfolk, Virginia và Mayport, Floridat và mang theo các máy bay trực thăng của Phi đội Trực thăng 72 đang đồn trú tại căn cứ Jacksonville, Florida.
Tuy nhiên, "trái tim" của hạm đội, tàu sân bay USS Harry S. Truman sẽ ở lại phía sau.
Đây là một việc rất bất thường trong hoạt động quân sự của Hải quân Hoa Kỳ. Thông thường, nếu một tàu sân bay trong quá trình bảo trì hoặc không thể xuất phát vì một số lý do nào đó, đơn giản là sẽ được thay thế bằng tàu sân bay khác.
Tàu sân bay USS Harry S. Truman (CVN-75) và tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke, USS Forrest Sherman (DDG-98) tại Đại Tây Dương ngày 10/7.
Tuy nhiên, đội tàu sân bay ở Bờ đông Hoa Kỳ hiện đang thiếu một tàu sân bay để thay thế USS Harry S. Truman do quá trình bảo trì các tàu lớp Nimitz chậm trễ.
Việc tàu sân bay USS Gerald R. Ford (CVN-78) chiếc đầu tiên của lớp Ford dự kiến được đưa vào hoạt động vào năm 2021 cũng làm Hải quân Mỹ thiếu tàu sân bay ở thời điểm hiện tại.
Các tàu chiến được triển khai lần này dự kiến sẽ thành lập "Nhóm tác chiến mặt nước" và Phó đô đốc Lewis khẳng định rằng các tàu này vẫn đủ khả năng đối đầu với các mối đe dọa cấp thấp và cấp cao ở khu vực Đại Tây Dương
Giải thích rằng các tàu chiến trong nhóm có khả năng chống ngầm, phòng không, tập kích tên lửa và khả năng tác chiến linh hoạt, ông Lewis nhấn mạnh rằng đây là một "nhóm tác chiến rất có khả năng" sẵn sàng "đại diện cho quốc gia trong cuộc cạnh tranh quyền lực lớn".
Thông điệp của ông Lewis rõ ràng đề cập đến vai trò của Hạm đội 2 (Đệ nhị hạm đội - phụ trách Đại Tây Dương) trong việc đối đầu với một nước Nga đang trỗi dậy.
USS Harry S. Truman (CVN-75) là tàu sân bay lớp Nimitz thứ 8 của Hải quân Mỹ, được đặt theo tên của Tổng thống thứ 33 của Hoa Kỳ, Harry S. Truman.
Là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân, USS Harry S. Truman có trọng lượng dịch chuyển 103.900 tấn dài (116.400 tấn ngắn)
Tàu sân bay được hạ thủy vào năm 1996 và đã tham gia tích cực trong các hoạt động quân sự của Mỹ tại Iraq và Afghanistan.
Từ năm 2014 đến 2018, với vai trò "lá cờ đầu" của cụm tác chiến tàu sân bay số 8, USS Harry S. Truman đã tham gia các hoạt động chống khủng bố ở khu vực Trung Đông (Iraq và Syria).
USS Harry S. Truman có khả năng hỗ trợ cất-hạ cánh cho 90 máy bay cánh cố định và trực thăng và được bảo vệ bởi các hệ thống phòng không RIM-116 và Phalanx CIWS.
Hải quân Hoa Kỳ hiện chỉ có 9 tàu sân bay lớp Nimitz (không bao gồm USS Harry S.Truman và USS Gerald R. Ford) trong bối cảnh họ cần phải có tối thiểu 12 tàu sân bay cho các hoạt động toàn cầu.
Tàu sân bay USS Harry S. Truman là nơi xuất kích của các máy bay cường kích trong hoạt động quân sự tại Syria (Nguồn BBC).