Điểm yếu lớn nhất của nhóm tàu sân bay Trung Quốc là khả năng săn ngầm.
Trung Quốc gần đây thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Liêu Ninh đang diễn tập ở vùng biển phía đông đảo Đài Loan nhằm kiểm tra hiệu quả huấn luyện với binh sĩ.
"Đội hình tàu sân bay Liêu Ninh gần đây diễn tập chiến đấu ở vùng biển quanh Đài Loan. Đây là hoạt động bình thường được tổ chức theo kế hoạch công tác thường kỳ nhằm kiểm tra hiệu quả huấn luyện binh sĩ, cũng như cải thiện năng lực bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia", phát ngôn viên hải quân Trung Quốc Gao Xiucheng, cho biết.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Nhật Bản thông báo nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đi qua eo biển Miyako để tiến ra Thái Bình Dương. Tàu Liêu Ninh được hộ tống bởi một tàu khu trục hạng nặng Type-055, hai tàu khu trục phòng không Type-052D, một tàu hộ vệ tên lửa Type-054A và một tàu hậu cần tốc độ cao Type-901.
Đây là lần đầu tiên tàu khu trục Type-055 xuất hiện trong đội hình bảo vệ tàu sân bay. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đồng thời huy động hàng chục chiến đấu cơ uy hiếp Đài Loan từ phía tây. Hôm 7.4, 15 chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập vùng nhận dạng phòng không do Đài Loan lập nên để giám sát các máy bay quân sự.
“Việc Trung Quốc điều tàu sân bay tập trận ở phía đông đảo Đài Loan, trong khi các máy bay áp sát từ phía tây nhằm phô trương sức mạnh quân sự”, Shi Hong, tổng biên tập một tạp chí quân sự Trung Quốc, nhận định trên tờ Hoàn Cầu. “Cuộc tập trận thể hiện chiến thuật siết chặt gọng kìm từ mọi hướng nhằm cô lập Đài Loan”.
Các tàu ngầm tấn công hạt nhân Mỹ hoạt động ở vùng biển sâu tạo ra mối đe doạ đáng kể với tàu sân bay Trung Quốc.
Tuy nhiên, giới phân tích phương Tây không đánh giá cao động thái mới này của Trung Quốc. Theo CNN, tàu sân bay Trung Quốc hiện diện ở Thái Bình Dương là nơi mà hải quân Mỹ duy trì sức mạnh vượt trội, nhờ các tàu ngầm tấn công hạt nhân (SSN).
“Tàu sân bay Trung Quốc hoạt động phía đông Đài Loan không phải là điều khôn ngoan. Tàu sân bay này dễ dàng rơi vào tầm ngắm của các tàu ngầm tấn công hạt nhân Mỹ hoạt động ở vùng nước sâu. Ngoài ra,mạng lưới tên lửa phòng không dày đặc ở đại lục cũng không thể vươn tới”, Thomas Shugart, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ, cựu sỹ quan hải quân Mỹ, nói.
Mỹ hiện sở hữu 28 tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Los Angeles, trang bị tên lửa chống hạm và ngư lôi mạnh mẽ chuyên cho nhiệm vụ diệt tàu ngầm và tàu nổi đối phương.
Trung Quốc hiểu rõ thách thức lớn nhất với nhóm tàu sân bay là tàu ngầm đối phương, nhưng hiện chưa phát triển xong các tàu ngầm có sức mạnh tương xứng với tàu ngầm Mỹ và Nga.
Các nhà phân tích kết luận, động thái mới của Trung Quốc mang ý nghĩa biểu tượng hơn là hữu dụng trên thực tế. “Đó là thông điệp cảnh báo gửi đến Đài Loan cũng như Mỹ và Nhật Bản, rằng không nên đe doạ lợi ích của Trung Quốc”, chuyên gia Colliin Koh, công tác tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, nói.
Ông Koh chỉ ra rằng, nhóm tàu sân bay Trung Quốc đã hai lần hoạt động ở phía đông Đài Loan trong quá khứ.