Nó sẽ có lượng giãn nước 70.000 tấn, dài 315 mét và rộng 75 mét.
Mặc dù đây là chiếc tàu sân bay thứ hai và thuộc chương trình cải tổ quốc phòng sâu rộng để hiện đại hóa quân đội, nhưng các nhà quan sát quân sự cho rằng năng lực của Trung Quốc mới chỉ bằng khoảng 4% so với Hoa Kỳ.
Chiếc hàng không mẫu hạm loại Type-001A đang được hoàn tất tại Đại Liên và chuẩn bị được cho ra mắt.
Tuy nhiên, người ta nói rằng có lẽ cũng phải đến năm 2019, con tàu mới được đem ra chạy thử để có thể vận hành bình thường từ 2020.
Quan chức quốc phòng Trung Quốc cũng nói các hàng không mẫu hạm mới sẽ được trang bị nhiều tiện nghi hơn cho thủy thủ đoàn và có hình dáng giống các tàu Mỹ hơn là tàu của Liên Xô trước đây.
Vậy khi mang so sánh với các cường quốc quân sự thì sức mạnh hàng không mẫu hạm Trung Quốc có ý nghĩa gì?
Sau chiếc Liêu Ninh theo mẫu Liên Xô, Trung Quốc sẽ có các hàng không mẫu hạm thế hệ mới
Hoa Kỳ
Lực lượng hải quân của Hoa Kỳ hiện đang sử dụng 10 chiếc hàng không mẫu hạm.
Không chỉ là cường quốc quân sự mạnh nhất thế giới, Hoa Kỳ còn có 75 năm kinh nghiệm về hàng không mẫu hạm.
Một nhóm tác chiến của Mỹ, đơn vị hoạt động lớn nhất của hải quân, thường có sự tham gia của một hàng không mẫu hạm, 7.500 quân nhân, một tàu khu trục có khả năng tấn công bằng tên lửa dẫn đường.
Ngoài ra còn có 6 chiến hạm bảo vệ trước các cuộc tấn công của không quân đối phương, một tàu ngầm có khả năng tấn công tàu ngầm và các loại tàu khác của đối phương, một tàu chở đạn dược và ồ hậu cần, cùng khoảng 65-70 máy bay chiến đấu.
Hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có lượng giãn nước 101.000 tấn, dài 333 m vận hành bằng năng lượng hạt nhân của Hoa Kỳ bắt đầu ra vào khu vực Biển Đông từ hồi tháng Hai.
Nhóm tàu hàng không mẫu hạm này mới đây đã tiến hành tập trận lần lượt với Úc, Nhật Bản và đang có kế hoạch tập trận chung với Hàn Quốc, giữa lúc đang có căng thẳng về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Quân đội Mỹ nói nhóm tàu này gồm cả hai tàu khu trục và một tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường.
Hoa Kỳ trước đây nói họ sẽ di chuyển 60% tàu hải quân tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2020 theo chiến lược xoay trục về châu Á từ thời ông Obama.
Chính quyền ông Trump cam kết nâng cấp về khí tài và nhân lực và đóng thêm 80 tàu chiến.
Anh Quốc
Nước này hiện đang đóng hai tàu hàng không mẫu hạm 67.000 tấn lớp Queen Elizabeth và là tàu có kích cỡ lớn nhất từ trước tới nay của Anh.
Chiếc thứ nhất, tàu HMS Queen Elizabeth, dài 280 mét được bắt đầu triển khai từ năm 2014, dự kiến hoàn tất và đưa vào sử dụng năm 2021. Chiếc thứ hai, tàu HMS Prince of Wales sẽ được đóng sau đó khoảng 2 năm.
Các hàng không mẫu hạm này có khả năng chở được tới 36 máy bay chiến đấu tàng hình, 6 trực thăng Merlin, các máy bay vận tải Chinook và máy bay chiến đấu Apache. Mỗi nhóm tác chiến sẽ gồm có các máy bay chiến đấu tàng hình, tàu khu trục và tàu chiến và có thể có 1 tàu ngầm.
Ấn Độ
New Dehli hiện có một hàng không mẫu hạm đang hoạt động và đang đóng thêm hai chiếc mới.
Ấn Độ chính thức tân trang hàng không mẫu hạm 44.570 tấn INS Vikramaditya vào năm 2013 từ chiếc tàu cũ của Nga.
Ấn Độ đang đóng tàu 40.000 tấn INS Vikrant, dự kiến xong vào năm 2023 và là tàu đóng trong nước đầu tiên. Tàu này có khả năng chở 30 máy bay chiến đấu và trực thăng.
Ấn Độ cũng đang đóng tàu 65.000 tấn INS Vishal, là tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân và có khả năng chở được 55 máy bay, gồm cả trực thăng.