Tiêm kích F-35B cất cánh từ tàu sân bay hạng nhẹ DDH-183 Izumo.
Từ chuyến xuất quân của "hạm đội" Nhật Bản
Hôm 31/5, Tokyo tuyên bố Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) của họ sẽ tiến hành triển khai ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương từ 13/6 đến 28/10.
Được biết có 4 tàu chiến của JMSDF sẽ tham gia hoạt động này bao gồm tàu sân bay hạng nhẹ DDH-183 Izumo, các khu trục hạm DD-110 Takanami và DD-104 Kirisame và 1 tàu ngầm chưa rõ tên.
Chính thức được phân loại là "khu trục hạm hoạt động đa năng", DDH-183 Izumo có chiều dài 248 mét, lượng giãn nước tối đa 27.000 tấn, tốc độ tối đa là 56 km/h có thể chở 970 thủy thủ.
DDH-183 Izumo, DD-110 Takanami và DD-104 Kirisame (Ảnh: JMSDF).
Sức mạnh cơ bản của tàu đến từ khả năng vận chuyển 400 lính và 50 xe tải 3,5 tấn (hoặc thiết bị tương đương), 9 trực thăng săn ngầm và quét mìn, ngư lôi 324 mm cùng các hệ thống phòng thủ tầm gần Phalanx và SeaRAM...
Nhưng đáng chú ý hơn cả là khả năng tiếp nhận và triển khai F-35B - biến thể cất cánh thẳng đứng và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) của tiêm kích tàng hình do Mỹ sản xuất thông qua đường băng và 5 điểm đáp máy bay.
Được biết sau khi được hiện đại hóa (vào năm 2020) DDH-183 Izumo có thể hỗ trợ hoạt động của tối thiểu 12 chiếc F-35B.
Những chiếc F-35B đầu tiên thực hiện cất và hạ cánh từ DDH-183 Izumo vào ngày 3/10/2021.
Tới nhận xét "chua chát" của chuyên gia Nga
Trong bài phân tích với tiêu đề "Самураи возрождают палубную авиацию" (tạm dịch: Samurai hồi sinh lực lượng hàng không tàu sân bay) được đăng tải ít giờ trước, các chuyên gia của trang tin quân sự Nga Topwar.ru nhận xét :
"Quá trình hiện đại hóa tàu sân bay hạng nhẹ thứ hai (DDH-184) Kaga thứ hai (chiếc thứ 2 của lớp Izumo) cũng đã bắt đầu. Tuy nhiên việc chuyển đổi khu trục hạm trực thăng thành tàu sân bay hạng nhẹ - là một sai lầm.
Ví dụ cụ thể là việc chuyển đổi không thành công các tuần dương hạm mang tên lửa dẫn đường Moskva và Leningrad (lớp Đề án 1123) để bổ sung từ 6 đến 10 trực thăng.
Thời đại của các con tàu "xa hoa" này đã qua và mặc dù phục vụ trong thời gian dài (2 tàu chiến đã bị loại biên vào giữa những năm 1990) nhưng chúng lại được triển khai cho các nhiệm vụ hoàn toàn khác so với dự định ban đầu.
Tuần dương hạm Moskva lớp Đề án 1123.
Phạm vi công việc (hiện đại hóa) rõ ràng là lớn hơn ở Izumo. Họ (người Nhật) sẽ làm lại mũi tàu thành hình chữ nhật (trước đó là hình thang) - khó để nói điều này sẽ đem lại cải tiến gì - có lẽ nhằm tăng diện tích boong tàu.
Không có dấu hiệu tàu sẽ được bổ sung hệ thống phóng, tức là các máy bay cánh cố định sẽ phải cất cánh từ đường băng ngắn - điều làm giảm trọng tải. Việc bảo dưỡng boong tàu cho máy bay hạ cánh thẳng đứng mất nhiều thời gian hơn so với hạ cánh thông thường...
Vấn đề khác liên quan tới radar cảnh báo sớm. Vì kích thước không cho phép triển khai radar có nghĩa là người Nhật sẽ phải mua trực thăng AWACS (Hệ thống chỉ huy và cảnh báo trên không) của Anh.
Tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề này vì chúng ta đã biết tất cả những thiếu sót của trực thăng AWACS - của cả Liên Xô (Nga) và Anh.
Câu hỏi duy nhất là sẽ có bao nhiêu trực thăng được bổ sung - 2 hay 3? Than ôi, kích thước của nhà chứa máy bay (khó có thể tải quá 20 máy bay) sẽ không cho phép đưa lên tàu nhiều trực thăng loại này.
Tàu sân bay hạng nhẹ DDH-183 Izumo sau (trái) và trước (phải) hiện đại hóa.
Tiếp theo tôi muốn bình luận về sự hiệu quả của các tàu sân bay hạng nhẹ. Tôi tin rằng Chiến tranh Falkland/Malvinas (1982) giữa Argentina và Anh cho thấy thất bại hoàn toàn của chúng.
Là tàu sân bay có lượng giãn nước tiêu chuẩn 24.000 tấn và đầy tải là 29.000 tấn. (số liệu này các tàu lớp Izumo là 19.500 và 27.000 tấn) HMS Hermes đã không thành công trong vai trò vận chuyển các tiêm kích STOVL Sea Harrier.
Các tiêm kích Sea Harrier cất cánh từ con tàu đã phải hoạt động ở giới hạn tầm chiến đấu (do Hermes là tàu sân bay lớn nhất của Anh nên nó được coi là quá có giá trị để có thể liều lĩnh áp sát Falkland - với khả năng bị không quân Argentina tấn công).
Và chiến thắng của người Anh chỉ được đảm bảo bởi vị trí địa lý và thái độ "tự trói tay chân" của các lãnh đạo chính trị - quân sự Argentina khi đó.
HMS Hermes là soái hạm của Hải quân Hoàng gia Anh trong Chiến tranh Falkland/Malvinas (1982).
Hermes là một tóm tắt về cách những chiếc tàu sân bay "nhẹ" sẽ được sử dụng ra sao trong một cuộc chiến?
Được biết cho tới hiện tại, câu hỏi về việc người Nhật sẽ chiến đấu như thế nào vẫn còn đang bỏ ngỏ.
Nhưng cũng cần lưu ý rằng người Pháp đã đi đến kết luận rằng "Charles de Gaulle" (lượng giãn nước đầy tải là 42.500 tấn) của họ không phù hợp với yêu cầu thực tế - vì vậy tàu sân bay tương lai của họ sẽ có lượng giãn nước khá lớn là 60.000 tấn.
Và các tàu sân bay đang được đóng của Trung Quốc và Ấn Độ sẽ có lượng dãn nước xấp xỉ nhau - và INS Vikrant, được coi là "tàu sân bay thử nghiệm" cũng có lượng giãn nước là 40.000 tấn.
Tàu sân bay thứ 3 của Trung Quốc được cho là dài hơn 10 mét so với 2 tàu sân bay trước đó (305 mét) và được cho là sẽ là hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới (lượng giãn nước đầy tải trên 70.000 tấn).