Tàu sân bay khổng lồ hay cơn nhức đầu “tỉ đô” của quân đội Anh

Hương Giang |

Khi bắt đầu đóng các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth thế hệ mới, Anh đã mơ tới việc trở lại vị thế một cường quốc hải quân. Tuy nhiên đời không như là mơ, bởi những con tàu này mang tới hàng loạt vấn đề khó giải quyết, thậm chí còn bị coi là có khả năng bất ổn cho chính quân đội Anh.

Những quái thú trên biển

Có thể nói không ngoa rằng, các tàu sân bay lớp Queen Elizabeth mới nhất của nước Anh giống như những quái thú trên biển. Khi đứng trên boong những con tàu khổng lồ này, người ta không khỏi cảm thấy trầm trồ ngưỡng mộ vì kích cỡ cực lớn của chúng.

Mỗi con tàu có tải trọng 65.000 tấn. Chiều dài của tàu lên tới 284m, tức còn hơn cả chiều dài của Tòa nhà Quốc hội Anh.

Tàu rộng 73m, từ đáy lên tới đỉnh ăng ten cao nhất là 56 mét, còn hơn cả bức tượng Cột Nelson nằm ở trung tâm London. Người ta có thể nhét vừa 3 sân bóng đá tại boong trên cùng của tàu. Chúng là minh chứng rõ ràng cho sức mạnh chế tạo của người Anh.

Bên trong các ma trận của hàng loạt hành lang có kích cỡ rất rộng rãi, người ta có thể tìm thấy một bệnh viện, một nhà nguyện và 5 phòng ăn lớn đủ sức tiếp đón tới 700 thủy thủ - những người sẽ điều hành tàu.

Các phòng ngủ cực rộng là một sự xa xỉ khác hoàn toàn so với tiêu chuẩn thường thấy trên các chiến hạm. Nhưng ngay cả khi đã có đầy đủ thủy thủ đoàn, gồm 1.600 người nếu tính cả các kíp bay, kỹ sư và lính thủy đánh bộ, con tàu vẫn còn thừa rất nhiều chỗ trống.

Tàu có 5 phòng gym khổng lồ để thủy thủ đoàn đốt bớt mỡ, dù đó là việc làm thừa thãi bởi họ có thể phải bước tới 20.000 bước, tức khoảng 13km, trong một ngày làm việc bình thường. Con tàu được chế tạo để có thể mang tới 36 chiếc máy bay tàng hình F-35 đời mới, cùng nhiều loại trực thăng hiện đại tối tân.

Nhìn bề ngoài, tàu lớp Queen Elizabeth có ngoại hình gồ ghề, nhiều góc cạnh nhọn. Việc này xảy ra một phần là do cách thức tàu được lắp ghép.

Từng phần khác nhau của con tàu được chế tạo rải rác tại nhiều xưởng đóng tàu trên khắp Anh quốc, từ Glasgow tới Tyne, Portsmouth và Birkenhead. Sau đó các phần này được chở bằng phà tới Rosyth, Scotland và được hàn thành một khối thống nhất ở đó.

Không giống nhiều tàu sân bay khác, tàu lớp Queen Elizabeth có hai "hòn đảo" hay tháp chỉ huy nằm trên boong tàu của nó.

Tháp chỉ huy phía trước chứa hệ thống lái và định vị của tàu. Tháp chỉ huy phía sau là trung tâm kiểm soát bay. Cả hai tháp đều được lắp kính cỡ lớn, giúp người bên trong có thể nhìn rõ boong tàu trên cùng mà không bị cản tầm nhìn.

Hải quân nói rằng, việc có hai tháp chỉ huy riêng biệt sẽ cho phép con tàu tiếp tục hoạt động ngay cả trong tình huống một tháp bị hư hại hoặc hỏng hoàn toàn. Tuy nhiên còn có một lý do nữa, hơi mang tính thẩm mỹ, đằng sau việc này: Hai tháp chỉ huy sẽ che bớt ống xả của con tàu.

Trong khi các tàu sân bay của Pháp và Mỹ hoạt động bằng năng lượng hạt nhân, tàu sân bay lớp Queen Elizabeth lại chạy bằng hai động cơ turbine khí và 4 động cơ diesel cỡ lớn. Các động cơ này đòi hỏi việc tiếp nhiên liệu liên tục.

Vì thế Anh đã phải đóng thêm 4 tàu tiếp dầu mới để phục vụ các tàu lớp Queen Elizabeth. Để tiết kiệm công sức, tiền bạc, tất cả các tàu tiếp dầu đều đóng ở Hàn Quốc.

Tàu sân bay khổng lồ hay cơn nhức đầu “tỉ đô” của quân đội Anh - Ảnh 1.

Hình ảnh mô phỏng tàu hai tàu lớp Queen Elizabeth khi đi vào trang bị của Hải quân Anh, với đầy đủ máy bay trên boong.

 Vì sao phải đóng tàu sân bay?

Trong gần một thế kỷ, hình dáng đặc trưng và kích cỡ khổng lồ của tàu sân bay luôn đại diện cho sức mạnh quân sự tối thượng.

Những con tàu này chính là chính sách "ngoại giao tàu pháo" ở mức cao nhất. Người ta vẫn rỉ tai nhau một câu chuyện đùa rằng, khi khủng hoảng xảy ra, câu đầu tiên mà một tổng thống Mỹ sẽ hỏi là: "Hàng không mẫu hạm gần ta nhất nằm ở đâu nhỉ?".

Tàu sân bay quả thực mang tới những lợi thế chiến lược. Một tàu sân bay giống như một mảng lãnh thổ thuộc chủ quyền của một nước và về lý thuyết có khả năng di chuyển trên 70% bề mặt của Trái đất - chính là các đại dương.

Cựu chỉ huy biên đội tàu sân bay của Anh Andy Betton từng nói rằng, các tàu sân bay có thể vận chuyển "một lực lượng chiến đấu có ý nghĩa và đáng tin cậy" tới bất kỳ nơi nào trên thế giới mà chẳng phải lo chuyện xin phép nước nào cả.

Cần biết rằng, Anh đã từng là một quốc gia đi đầu thế giới về nghiên cứu chế tạo tàu sân bay. Năm 1918, vài năm sau khi Mỹ và Anh cùng thử nghiệm tàu sân bay, Anh đã đưa vào trang bị tàu chiến HMS Argus.

Con tàu này vốn được đóng thành phương tiện vượt biển, nhưng người ta đã hoán cải ngay khi nó đang được chế tạo để trở thành chiếc tàu có boong phẳng dành cho máy bay đầu tiên trên thế giới.

Sau Thế chiến thứ hai, Anh cũng đã trở thành nước đầu tiên thử nghiệm các máy phóng máy bay dùng hơi nước - một phát minh nay đã trở thành tiêu chuẩn trên nhiều tàu sân bay.

Nhưng khi ảnh hưởng toàn cầu của Anh giảm đi, quy mô của lực lượng Hải quân và số lượng các tàu sân bay của nước này cũng giảm theo. Tính tới những năm 1990, Hải quân Anh còn 3 tàu sân bay hạng nhẹ thuộc lớp Invincible, gồm HMS Invincible, HMS Illustrious và HMS Ark Royal.

Đây là những chiến hạm được thiết kế để mang theo trực thăng chuyên săn lùng tàu ngầm Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Song thay vì chỉ mang trực thăng, chúng mang theo các máy bay có thể cất/hạ cánh thẳng đứng Harrier và giúp Hải quân Anh ở lại sân chơi lớn của những nước có tàu sân bay.

Việc duy trì khả năng này đã mang tới lợi thế cực lớn trong cuộc chiến tranh Falklands hồi năm 1982. Lần đó, Anh điều đi 2 tàu sân bay, gồm chiếc HMS Invincible và chiếc HMS Hermes thuộc lớp tàu cũ hơn, tới Nam Đại Tây Dương.

Hai tàu này đã cung cấp sự hỗ trợ trên không cho quân đội Anh khi họ cách quê nhà tới cả chục ngàn cây số. Nếu không có các tàu sân bay và những chiếc Harrier, ít người tin rằng Anh có thể chiếm lại quần đảo Falklands.

Tuy nhiên các tàu sân bay hạng nhẹ cuối cùng và những chiếc Harrier đã bị loại bỏ trong khuôn khổ chương trình cắt giảm đáng kể ngân sách quốc phòng 2010. Đó là một quyết định dựa chủ yếu vào tin trạng ngân sách Anh, thay vì xem xét tình trạng thực tế của vũ khí.

Vào thời điển HMS Queen Elizabeth được triển khai cho nhiệm vụ đầu tiên trong năm 2021, nước Anh đã không có tàu sân bay trong trang bị suốt hơn một thập kỷ. Vấn đề là Anh vẫn có thể xử lý tốt các đe dọa dù không có tàu sân bay.

Suốt quãng thời gian ấy, Anh vẫn phóng máy bay - từ đất liền - đi không kích Libya trong năm 2011 và gần đây là vào các mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Iraq.

Vì thế, có thể nói việc Anh không có tàu sân bay chỉ gây ra chút sứt mẻ trong niềm tự hào quốc gia, thay vì tạo ra các khoảng trống đáng ngại về năng lực quân sự. Nhưng thực tế thì điều này có thay đổi cách đồng minh nhìn nhận nước Anh.

Năm 2014, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates từng cảnh báo rằng, nếu không có tàu sân bay, Anh sẽ không còn năng lực quân sự toàn vẹn và vì thế có nguy cơ mất vị trí là đối tác quân sự đầy đủ với Mỹ.

Theo giới chuyên gia, một hàng không mẫu hạm giống như tuyên bố cho thấy mục tiêu và tham vọng mang tính toàn cầu của một quốc gia. Đây cũng là phương tiện khuếch trương sức mạnh quân sự rất rõ ràng.

Đó là lý do vì sao Mỹ đóng tới 10 tàu sân bay. Trung Quốc mới có 1 tàu và đang đóng thêm tàu thứ 2. Nga, Pháp, Ấn Độ mỗi nước đều có 1 tàu sân nay.

Việc Anh đầu tư đóng 2 tàu sân bay mới là một quyết định mang nhiều tính chính trị, bên cạnh yếu tố quân sự.

Nick Childs, một nhà phân tích hải quân tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế nói rằng, khi chính quyền Thủ tướng Tony Blair quyết định đóng 2 con tàu vào năm 1998, đó là một bước đi nhằm nâng cao "nấc thang chiến lược".

Hải quân Hoàng gia Anh đã gọi những con tàu mới là "công cụ răn đe quy ước" - một sự bổ sung hoàn hảo cho khả năng răn đe bằng tên lửa hạt nhân Trident gắn trên 4 tàu ngầm lớp Vanguard.

Còn theo lời của Jerry Kyd, viên thuyền trưởng tàu Queen Elizabeth, đây sẽ là "một biểu tượng của sức mạnh Hải quân Anh”. Ông Kyd còn mạnh miệng dự báo rằng, các tàu sân bay mới sẽ đưa Hải quân và Anh quốc trở lại "sân chơi ngoại hạng" của các cường quốc hải quân thế giới.

Tàu sân bay khổng lồ hay cơn nhức đầu “tỉ đô” của quân đội Anh - Ảnh 2.

Vận chuyển trực thăng Chinook vào kho chứa của tàu Queen Elizabeth.

Chi phí quá đắt đỏ

Có điều quân đội Anh không tính tới là các tàu sân bay mới được chế tạo với một chi phí khổng lồ không kém kích cỡ của chúng. Cụ thể 2 con tàu mới gây tốn kém hơn 7 tỉ USD. Con số này đã gần gấp đôi ngân sách dự kiến, dù Hải quân Anh thích nhấn mạnh rằng, chúng sẽ tồn tại trong 50 năm nữa.

Năm 2010, thời điểm Anh gặp nhiều khó khăn về ngân sách, chính quyền liên minh của Thủ tướng David Cameron từng cân nhắc việc hủy bỏ toàn bộ chương trinh đóng tàu đắt đỏ này.

Tuy nhiên các bộ trưởng mau chóng nhận ra rằng hủy bỏ hợp đồng khiến họ bị phạt rất nhiều tiền, và gây tốn kém hơn là tiếp tục đóng nốt cả 2 con tàu.

Giới chức Anh cũng tính tới việc bán bớt 1 trong 2 tàu sân bay để thu lại tiền đã bỏ ra. Rốt cục thì quyết định cuối cùng là cả 2 con tàu đều sẽ đi vào trang bị, qua đó càng làm tăng thêm gánh nặng cho lực lượng Hải quân với ngân sách đã rất eo hẹp.

Phí tổn cao chưa dừng lại ở việc đóng tàu. Các tàu sân bay mới sẽ mang theo những chiếc máy bay F-35B đời mới do công ty Lockheed Martin của Mỹ chế tạo, với mỗi chiếc có giá khoảng 120 triệu USD.

Anh đã đặt mua 48 chiếc và có ý định mua thêm tới 138 chiếc. Nhưng giới chuyên gia nghi ngờ Anh có đủ khả năng tài chính để mua F-35 với số lượng cả trăm chiếc.

Đầu năm nay, Văn phòng Kiểm toán quốc gia Anh từng cảnh báo chương trình tàu sân bay khiến ngân sách quốc phòng bị đe dọa.

Phía kiểm toán ước tính chi phí đóng 2 tàu sân bay mới và việc mua các máy bay F-35 cùng trực thăng Merlin với tính năng cảnh báo sớm để trang bị trên những tàu này sẽ gây tốn kém chừng 18 tỉ USD.

Chi phí sẽ còn tăng lên nữa, bởi Hải quân vẫn đang tính toán cách thức vận chuyển người và trang thiết bị lên, xuống các tàu sân bay một khi chúng đã ra khơi. Điều này dẫn tới khả năng Anh có thể phải móc hầu bao mua các máy bay vận tải hiện đại của Mỹ, như mẫu V22 Osprey.

Ngoài ra thì chi phí vận hành các tàu sân bay và những máy bay chúng mang theo cũng rất đắt đỏ. Mỗi năm Hải quân Mỹ tiêu tốn hơn 100 triệu USD chỉ để một tàu sân bay lớp Nimitz có thể ra khơi. Chi phí này chưa bao gồm tiền để máy bay hoạt động trên tàu, phí đạn dược tên lửa và lương của thủy thủ đoàn.

Bộ Quốc phòng Anh hiện chưa thể đưa ra con số chi phí hoạt động dự kiến của một tàu sân bay. Nhưng chuyên gia quân sự Greg Bagwell, một cựu tướng Không quân Anh, tin rằng bộ này đang eo hẹp về nguồn lực và "không có cả tiền, nhân lực hay năng lực" điều hành các tàu sân bay theo cách Hải quân mong muốn.

Thiếu cả tàu lẫn người

Các tàu sân bay không bao giờ ra khơi một mình. Chúng luôn di chuyển trong biên đội tàu tấn công. Đô đốc Hải quân Anh Philip Jones nói rằng, trong các khu vực "có mối đe dọa cao", tàu sân bay của Anh sẽ được bảo vệ bởi 2 tàu phòng không, 2 tàu chống ngầm và một tàu ngầm tấn công.

Ngoài ra nó còn được hỗ trợ bởi một tàu chở dầu và một tàu chở đạn dược, nhu yếu phẩm.

Tuy nhiên đó là một lực lượng khá lớn, khi quy mô Hải quân Anh đang giảm đi liên tục. Để dễ hình dung, khi hoạt động đóng các tàu sân bay mới bắt đầu diễn ra vào cuối những năm 1990, Hải quân Anh có 35 tuần dương hạm và khu trục hạm. Ngày hôm nay con số đó giảm xuống còn 19.

Hải quân cũng đang chật vật tìm người lái và bảo dưỡng các tàu ngầm sát thủ. Năm ngoái đã có lúc cả 7 tàu ngầm sát thủ của Anh phải nằm ở cảng - một chuyện hết sức khó tin.

Hải quân thế giới thường sử dụng quy luật 1/3 trong hoạt động điều hành tàu chiến: Cứ mỗi tàu ra khơi sẽ có một chiếc được đưa vào trạng thái chuẩn bị triển khai hoạt động và một chiếc nữa được đưa về cảng để bảo trì. Điều này cho thấy Hải quân Anh thực sự đã rơi vào tình trạng căng thẳng về năng lực hoạt động.

Tiến sĩ Peter Roberts, giám đốc bộ phận khoa học quân sự tại Viện nghiên cứu Royal United Services nói rằng, Hải quân Anh đơn giản là không có khả năng tự bảo vệ các tàu sân bay khỏi mối đe dọa tới từ nhiều phía. Ông tin Anh sẽ phải dựa rất nhiều vào đồng minh Mỹ, châu Âu và Australia.

Có một thực tế không thể chối bỏ: Hải quân Anh hiện nay chỉ còn là cái bóng của một lực lượng hùng mạnh xưa kia. Tới năm 1945, Mỹ đã vượt qua Anh để trở thành lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới.

Nhưng khi ấy Anh vẫn có hơn 500 chiến hạm. 20 năm sau, con số các chiến hạm lớn, gồm tuần dương hạm, khu trục hạm, giảm xuống còn 120.

Thời điểm cuộc chiến Falklands xảy ra vào năm 1982, Hải quân Anh chỉ còn nửa con số đó - khoảng 60 tàu chiến. Việc cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng hồi năm 2010 khiến số tàu dừng lại ở mức hiện nay: 19 tuần dương hạm và khu trục hạm.

Hải quân Anh nói rằng, các tàu chiến đang trong trang bị hiện đại tối tân hơn rất nhiều tàu cũ, với một chiếc tàu mới có sức mạnh bằng cả chục chiếc cũ cộng lại. Nhưng họ không đề cập tới một thực tế rằng, các chiến hạm Anh chẳng mấy khi được vũ trang tới tận răng.

Phần lớn các con tàu đều có rất nhiều khoảng trống - vốn dành cho việc lắp các vũ khí đắt đỏ mà Hải quân không có tiền mua như tên lửa hành trình hay tên lửa đối hạm, ngư lôi chống ngầm hiện đại.

Việc cắt giảm ngân sách liên tục còn khiến Hải quân Anh có ít thủy thủ hơn bao giờ hết. Trong những năm 1970, số quân nhân phục vụ trong hải quân là 86.000 người. Nhưng năm 2000, con số giảm xuống còn 62.000 và tới nay là 29.280 người, đã tính cả 7.000 lính thủy đánh bộ.

Tình trạng này khiến Hải quân Anh phải chật vật tìm người điều hành 1 tàu sân bay, chưa nói tới 2 chiếc. Cũng do thiếu người mà một tuần dương hạm và một khu trục hạm phải neo đậu ở cảng và đóng vai trò "tàu huấn luyện tại bờ" trong 18 tháng qua.

Công bằng mà nói thì Hải quân Anh cũng có chuẩn bị trước cho những thách thức này. Trong khi một tàu sân bay Mỹ thường cần tới 3.000 người để có thể hoạt động, thủy thủ đoàn của HMS Queen Elizabeth chỉ cần 700 người, nếu tính cả lính thủy đánh bộ và phi công thì con số cũng chỉ tăng lên 1.600 người.

Hải quân cho biết nhiều quy trình hoạt động trên tàu đã được tự động hóa, như vận chuyển bom và tên lửa do máy móc thực hiện, giúp giảm bớt lượng nhân lực cần sử dụng.

Nhưng thuyền trưởng Kyd vẫn nói rằng, ông có thể không có đủ người trên Queen Elizabeth. Con số 700 nhân sự chỉ được ông coi là "khởi điểm tốt" và sẽ cần tăng thêm nữa.

Tất cả những điều trên cho thấy Hải quân Anh đang đặt cược tương lai vào hai chiến hạm cực kỳ đắt đỏ, những vũ khí sẽ tiếp tục gây áp lực khổng lồ lên nguồn lực hạn chế của lực lượng này.

Sử gia Max Hastings không ngần ngại phê phán 2 con tàu là "những biểu tượng cho thấy chính sách quốc phòng của Anh đang rất sai lầm", gọi chúng là "2 nỗi hổ thẹn khổng lồ" khi tiêu tốn quá nhiều tiền mà chưa mang lại lợi ích nào cả.

Nhưng trước khi từ chức Bộ trưởng Quốc phòng Anh hồi năm ngoái, ông Michael Fallon vẫn lên tiếng bác bỏ các chỉ trích, nói rằng "các tướng quân xa lông" nên "câm miệng" và coi 2 con tàu là một "công cụ chiến đấu cao cấp".

Người kế nhiệm ông, Gavin Williamson, cũng nói rằng các tàu sân bay cho thấy Anh không phải là một quốc gia đang thoái lui mà sẽ tiếp tục gieo rắc nỗi sợ vào con tim của kẻ thù cũng như sẽ "khuếch trương ảnh hưởng và sức mạnh của Anh trên toàn thế giới".

Một mục tiêu to bự

Trong khi Queen Elizabeth chưa được đưa vào trang bị, Bộ Quốc phòng Nga đã chẳng ngần ngại khi gọi tàu sân bay này là một "mục tiêu to xác" dễ hạ. Nhưng không chỉ Nga mới có thể đe dọa tàu sân bay Anh. Nhiều quốc gia cũng đang đổ tiền chế tạo tên lửa đối hạm tối tân.

Trung Quốc là ví dụ, các tên lửa đạn đạo DF-21D của nước này được cho là có thể hạ gục tàu sân bay và chi phí sản xuất mỗi quả chỉ rất nhỏ so với việc đóng cả con tàu. Lầu Năm Góc ước tính tầm bắn của các tên lửa diệt tàu sân bay đời mới có thể hơn 1.600km.

Kẻ thù đôi khi chẳng cần phải dùng tới vũ khí tối tân để tấn công tàu lớn. Lực lượng Vệ binh Cộng hòa Iran từng cho nhiều tàu cao tốc tấn công một tàu sân bay Mỹ khi nó đi qua Eo biển Hormuz nhỏ hẹp.

Đó là chưa tính tới việc các nhóm khủng bố có thể sở hữu tên lửa chống tàu công nghệ thấp hoặc dùng máy bay, tàu không người lái tấn công khi tàu sân bay di chuyển gần bờ.

Tuy nhiên thuyền trưởng Kyd khẳng định tìm ra và tiêu diệt một tàu sân bay trên một đại dương mênh mông không hề dễ dàng, nhất là khi kẻ thù phải chọc thủng nhiều lớp rào phòng thủ của các tàu chiến, máy bay, tàu ngầm bảo vệ nó.

Cho tới thời điểm này, vẫn có những lý do thích hợp để thấy vì sao Anh lại đổ nhiều tiền của và cả niềm kiêu hãnh quốc gia vào việc chế 2 tàu sân bay cỡ lớn. Anh vẫn được xem là một quốc gia có truyền thống hàng hải, với lực lượng hải quân khiến đối thủ phải nể sợ.


Tàu sân bay khổng lồ hay cơn nhức đầu

Hải quân Anh có kế hoạch chỉ sử dụng máy bay F-35 hiện đại trên các tàu sân bay mới. Trong khi đó, Mỹ dùng F-35 kết hợp với các máy bay F-18 cũ hơn. Những chiếc F-18 gánh phần lớn công việc và F-35 chỉ tham gia số ít nhiệm vụ khó khăn nhất, sử dụng ưu thế tàng hình trước radar đối phương.

Quyết định của Hải quân Anh, vì thế bị giới chuyên gia chỉ trích là giống như "dùng ngựa giống để thồ hàng thay lừa"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại