Số phận long đong
Chiếc Charles de Gaulle, hay R91, là chiếc tàu mặt nước chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Pháp và cũng là tàu sân bay duy nhất của nước này. Nó đã trở thành lực lượng tấn công tầm xa chủ lực của quân đội Pháp.
Hải quân Pháp bắt đầu nghiên cứu việc chế tạo tàu sân bay mới trong thập niên 70 của thế kỷ trước. Hai chiếc tàu sân bay đang phục vụ khi đó, Foch và Clemenceau, đã được đóng từ đầu thập niên 60 và cần phải được thay thế vào khoảng cuối thập niên 80. Chúng đều chạy bằng năng lượng thông thường.
Nhờ có tới 2 tàu sân bay mà Pháp luôn đảm bảo được có ít nhất 1 tàu sẵn sàng hoạt động tại mọi thời điểm. Người ta dự đoán sẽ có 2 tàu sân bay mới được chế tạo để thay thế chúng và các tàu này sẽ sử dụng năng lượng hạt nhân.
Và rồi, những chiếc tàu mới cũng ra đời, chúng được gọi là PAN (Porte-Aéronefs Nucléaire). Phần thân của chiếc tàu sân bay đầu tiên được thi công từ năm 1987 và con tàu dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 1994.
Tới năm 1989, chính phủ Pháp thông báo quá trình trì hoãn kéo dài 2 năm nhưng Hải quân Pháp vẫn tự tin dự đoán rằng chiếc PAN thứ 2 sẽ được đặt đóng trong giai đoạn 1991-1992. Rất tiếc, điều này đã không xảy ra.
Tàu sân bay Charles de Gaulle.
Charles de Gaulle là chiếc PAN đầu tiên, dài 261,5m và rộng 64,36m. Trên tàu có 2 máy phóng thủy lực C-13, tương tự như tàu sân bay lớp Nimitz của Mỹ.
Charles de Gaulle có thể vận hành tổng cộng 40 máy bay. Năm 2013, theo tài liệu Combat Fleets of the World, lực lượng tiêm kích hạm trên tàu Charles de Gaulle gồm 10-14 máy bay chiến đấu Rafale M, 12-16 máy bay tiêm kích tấn công Super Étendards, 2-3 máy bay cảnh báo sớm E-2C Hawkeye, 2 trực thăng vận tải và 2 trực thăng tìm kiếm-cứu hộ/liên lạc Panther/Dauphin.
Lượng giãn nước đầy tải của Charles de Gaulle là 40.600 tấn, thủy thủ đoàn 1.350 người, thêm 550 nhân sự trực thuộc không đoàn tiêm kích hạm. Con tàu còn hoạt động như soái hạm của Hải quân Pháp và với vai trò này, nó có thể chở thêm 50 nhân viên nữa.
Tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân K15, động cơ đẩy tương tự như trên 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo của Pháp, điều này cho phép nó đạt vận tốc tối đa lên tới 27 hải lý/giờ.
Để phòng vệ, tàu de Gaulle có 32 tên lửa Aster 15 với sức mạnh tương tự như tên lửa Evolved Sea Sparrow của Mỹ và được phóng từ các ống phóng thẳng đứng.
Ngoài ra, tàu còn có 4 hệ thống phòng thủ tầm gần Sadral và cuối cùng là 8 pháo F-2 20mm do tập đoàn GIAT (nay là Nexter Systems) sản xuất để đối phó với mối đe dọa từ các tàu mặt nước cỡ nhỏ.
Pháp cũng tiến hành một số thay đổi lớn đối với lực lượng tiêm kích hạm. Nước này đã mua 3 máy bay chỉ huy-cảnh báo sớm Grumman E-2C Hawkeye, mang lại cho de Gaulle khả năng kiểm soát trên không tương tự như Hải quân Mỹ.
Máy bay Super Etendard hạ cánh trên tàu Charles de Gaulle.
Những chiếc Dassault Super Étendard già nua được hỗ trợ bởi phiên bản hải quân mới của tiêm kích đa nhiệm Rafale (khi đó đang trong quá trình phát triển).
Các máy bay McDonnell-Douglas F/A-18C Hornet (do Mỹ sản xuất) được thử nghiệm để đề phòng trường hợp Rafale M không thành công, tuy nhiên, áp lực chính trị đã khiến Pháp chỉ có thể trang bị cho tàu sân bay của mình mẫu máy bay nội địa.
Chương trình phát triển tàu Charles de Gaulle là một chặng đường dài và nhiều chông gai. Quá trình thi công phải dừng lại nhiều lần do cuộc suy thoái vào đầu những năm 1990 và cuối thời kỳ Chiến tranh Lạnh đã khiến chi tiêu quốc phòng Pháp sụt giảm 15% trong giai đoạn 1990-2000.
Chiếc tàu sân bay mới được bàn giao cho Hải quân Pháp chậm mất 3 năm so với kế hoạch ban đầu và tới năm 1999 mới thử nghiệm trên biển, tức là 12 năm sau khi bắt đầu thi công.
Song, đó mới chỉ là một phần vấn đề. Boong phóng trên tàu không đủ dài để triển khai các máy bay E-2C Hawkeye, khiến Pháp tiêu tốn gần 1 triệu USD để cơi nới thêm. Bánh lái của tàu bị rung quá mức và tới năm 1999 thì con tàu đã có dấu hiệu xuống cấp, có vẻ là do quá trình xây dựng bị đình trệ, khiến con tàu dang dở phải chịu tác động của nhiều yếu tố bên ngoài.
Vấn đề tồi tệ nhất xảy ra với tàu Charles de Gaulle là vào năm 2000, khi một chân vịt của nó bị hỏng trên hành trình tới Norfolk, Virginia. Người ta phải lấy chân vịt từ tàu Clemenceau (đã bị loại biên) để thay thế nhưng những chiếc chân vịt mới lại tạo ra tiếng ồn rất lớn, tới mức không thể chấp nhận được, khiến con tàu phải quay trở lại u khô để sửa chữa.
Hoạt động chiến đấu
Vấn đề với chân vịt đã khiến tàu Charles de Gaulle nằm xếp xó trong hơn 1 năm. Con tàu trở lại hoạt động vào tháng 12/2001 và ngay lập tức được điều tới Ấn Độ Dương để tham gia chiến dịch ném bom do Mỹ dẫn đầu nhằm vào 2 tổ chức Al Qaeda và Taliban tại Afghanistan.
Trong những năm 2000, con tàu tiếp tục tham gia các chiến dịch tác chiến trên khắp nước Pháp. Tính đến năm 2011, Charles de Gaulle đã thực hiện gần 1.400 phi vụ tại Libya (trong chiến dịch Harmattan), các nhiệm vụ bay trinh sát và hỗ trợ chiến đấu.
Máy bay chiến đấu Pháp cất cánh từ tàu sân bay Charles de Gaulle để đánh IS.
Năm 2015, tàu Charles de Gaulle được triển khai 2 lần để chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Một năm sau, vào tháng 9/2016, nó trở lại khu vực này để thực hiện nhiệm vụ ở Mosul, Iraq.
Tháng 6 năm ngoái, Tư lệnh tác chiến hải quân Mỹ - Đô đốc John Richardson đã trao tặng nhóm tác chiến tàu sân bay Charles de Gaulle bằng khen vì những đóng góp trong chiến dịch Inherent Resolve.
Mặc dù hứa hẹn trong nhiều thập kỷ nhưng Pháp vẫn chưa cho ra đời chiếc tàu sân bay thứ 2. Đề nghị gần đây nhất được trình lên chính phủ nước này là chế tạo một phiên bản riêng theo tàu sân bay lớp Elizabeth (Anh) nhưng cho tới nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì.
Có vẻ Pháp không còn đủ nguồn lực để trang trải chi phí của 2 chiếc tàu sân bay. Vì thế, hiện tại và trong tương lai gần, Charles de Gaulle vẫn sẽ là tàu sân bay duy nhất của nước này.