Con tàu này theo định danh theo phân loại của Nga – thuật ngữ thường dùng trên báo chí - "tàu sân bay Kuznetsov" trong và sau khi tàu này tham gia chiến dịch quân sự tại Syria.
Ca ngợi có, chê bai có, châm biếm có, trích dẫn từ nhiều nguồn có, đủ các sắc thái, từ đủ các "chuyên gia" nên nhiều khi không biết nên hiểu theo cách nào.
Có lẽ nên nghe "người trong cuộc" nói về nó một chút. Đúng sai, chính xác đến đâu – tạm thời chưa bàn. Tùy cách nghĩ của từng người.
Từ suy nghĩ trên, xin chuyển đến bạn đọc bài trả lời phỏng vấn độc quyền cho Báo "Luận chứng và sự kiện" (Nga) của chính vị chỉ huy chiếc tàu, Đại tá Sergey Artamonov ngay sau khi "Đô đốc Kuznetsov" về tới căn cứ Severomorsk – đăng trên báo này ngày 14/2/2017.
Sẽ có một số thông tin lặp lại, mong bạn đọc thông cảm.
Chỉ huy tàu tuần dương mang máy bay hạng nặng " Đô đốc Kuznetsov" , Đại tá Sergey Artamonov . Ảnh / Aleksey Yakovlev / RIA Novosti
Trước hết, mấy lời ngắn gọn về Sergey Artamonov. Sinh năm 1970. Sau khi tốt nghiệp Trường Hải quân cao cấp Kaliningrad được điều đến tàu "Kuznetsov", lần lượt giữ các chức vụ chỉ huy – từ chỉ huy đại đội tên lửa phòng không trên tàu đến chỉ huy trưởng của tàu (2011). Đại tá hải quân.
Sergey Osipov - Báo "Luận chứng và sự kiện": Sergey Grigorievich (Artamonov), chuyến công tác tới bờ biển Syria và quay trở về đã diễn ra như thế nào?
Sergey Artamonov: Chuyến công tác tới phía Đông Biển Địa Trung Hải đối với chiếc tàu của chúng tôi không phải là một hiện tượng gì đó quá mới mẻ. Chuyến đi đã được lên kế hoạch từ trước, được chuẩn bị chu đáo và toàn diện.
Dĩ nhiên, có tính tới cả yếu tố khí tượng thủy văn. Suốt chuyến hải trình không gặp vấn đề gì với bão tố. Các tàu và tàu bảo đảm trong cụm tàu sân bay đều có khả năng đi biển thực hiện nhiệm vụ trong những điều kiện còn phức tạp hơn nhiều.
Hải quân nước ngoài, tất nhiên, cũng rất quan tâm đến chúng tôi. Trong suốt chuyến hành trình chúng tôi ghi nhận được có tới 50-60 tàu của các nước NATO bám theo.
Tại một số địa diểm nhất định (ví dụ từ Biển Na Uy tới phía Đông Địa Trung Hải) liên tục có 10-11 tàu của họ đi kèm chúng tôi cùng một lúc. Một mặt, sự quan tâm thái quá như vậy cũng gây ra những quan ngại nhất định.
Nhưng mặt khác – thái độ "chăm chú" đó làm chúng tôi cảm thấy tự hào: có nghĩa là, họ đã cảm nhận được sức mạnh của chúng ta, và họ (NATO) phải thừa nhận sức mạnh Hải quân Nga và Lá cờ Andreevski (cờ Hải quân Nga)!
Và thật sự quả là cũng có cái gì đấy để mà cảm nhận: nào là chiếc tàu đầu đàn của Hạm đội Phương Bắc, tàu tuần dương hạng nặng mang máy bay "Đô đốc Liên Xô Kuznetsov", tàu hạt nhân mang tên lửa "Petr Veliki" (Piot Đại đế), 2 tàu chống ngầm cỡ lớn, 4 tàu đảm bảo, 2 tàu cứu hộ …..
Tổng thống Nga Vladimir Putin và chỉ huy tàu sân bay "Đô đôc Liên Xô Kuznetsov", Đại tá hải quân Sergey Artamonov . Ngày 27/7/2014. Ảnh: RIA Novosti / Mikhail Klimenchiev
Sergey Osipov: Ngoài việc (thừa nhận) sức mạnh cụm tàu của ông, những kẻ ác ý ở Phương Tây còn nhận xét là "Đô đốc Kuznetsov" nhả khói mù mịt...
Sergey Artamonov: Đấy không phải là dấu hiệu của bất kỳ sự hỏng hóc nào. Trên thực tế các tàu của các nước NATO cũng phun khói.
Có lẽ, khói của các tàu thuộc các nước NATO không bốc cao trên trời như khói của chúng tôi. Nhưng có lẽ là vì ống khói của "Đô đốc Kuznetsov" là cao nhất trong số các ống khói trên các tàu của Hải quân Nga chăng!
Chỉ những chiếc tàu sử dụng động cơ hạt nhân mới không có khói, mà tàu tuần dương hạng nặng mang máy bay "Đô đốc Kuznetsov" lại không thuộc lớp đó (tàu động cơ hạt nhân).
Rất khó giải thích sự quan tâm thái quá của các phương tiện thông tin đại chúng nước ngoài. Tốt nhất là họ nên tự kiểm soát những điều ngu ngốc trong các bản tin của mình!
Ví dụ, ngày hôm qua tôi lại đã xem Internet. Những gì mà báo chí Anh gọi là những bức ảnh mới nhất chụp "Đô đốc Kuznetsov" thực ra đó là những bức ảnh chụp từ năm 1995 -1996.
Điều đó có thể thấy rõ qua màu sơn thân tàu, các kết cấu bên trên và boong tàu. Màu sơn hiện nay đã hoàn toàn khác rồi.
Hay là lấy ví dụ cái máy kéo, chúng tôi đã thanh lý nó (cái máy kéo trong ảnh trên báo Anh) từ 10 năm trước rồi. Trên ảnh của họ (Báo Anh) thì chiếc máy này đang được sử dụng để rửa sàn tàu. Những công việc như vậy trên tàu tuần dương đã được những phương tiện kỹ thuật khác hiện đại hơn làm từ cách đây rất lâu.
Sergey Osipov: Tàu mang máy bay Nga dưới sự chỉ huy của ông lần đầu tiên tham gia vào các hoạt động tác chiến thực sự. Họ tên của ông sẽ đưa vào vào sách giáo khoa. Chí ít cũng là trong các giáo trình dành cho các trường cao đẳng hải quân. Ông có tự hào không?
Sergey Artamonov: Về chuyện họ tên của tôi (được đưa vào sách giáo khoa) …. không hiểu sao nhưng tôi không quá quan tâm đến chuyện ấy. Đối với tôi, điều quan trọng hơn nhiều là trong chuyến đi tất cả đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xứng đáng: từ thủy thủ đến sỹ quan.
Còn về chuyện các thế hệ thủy thủ tiếp theo dựa vào những kinh nghiệm hoạt động của chúng tôi để nghiên cứu cách thức sử dụng không quân trên tàu tham gia tác chiến như thế nào và các tàu chiến của chúng ta sẽ tham gia vào các chiến dịch quân sự - hơn nữa, khi huy động nhiều tàu thuộc các lớp khác nhau như thế nào – thì quả thực rất quan trọng !
Sergey Osipov: "Sử dụng (tàu sân bay) trong tác chiến" ở bờ biển Syria có khó khăn lắm không?
Sergey Artamonov: Khó khăn nhất là trong giai đoạn chuẩn bị, khi huấn luyện các phi công tiến hành các đòn không kích vào các mục tiêu trên mặt đất. Nhưng có một nguyên tắc bất di bất dịch: "Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu (dịch ý –ND)".
Các cuộc tập trận quy mô khác nhau, các đợt kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu đột xuất mà Hạm đội Phương Bắc có tham gia cũng giữ một vai trò rất quan trọng trong công tác chuẩn bị tham gia vào các hoạt động tác chiến trên chiến trường.
Còn trên thực địa…. Khi thực hiện các nhiệm vụ ở Địa Trung Hải chúng tôi đã tính tới khả năng phiến quân có một số hệ thống phòng không nhất định. Mọi tính toán trù liệu về mối đe dọa, dù là nhỏ nhất,- cũng rất cần thiết.
Chính vì thế, dĩ nhiên, phải sử dụng các máy bay và máy bay lên thẳng như thế nào đó để loại trừ khả năng bị tấn công và bị tiêu diệt từ mặt đất.
Bằng mọi cách có thể, các phi công của chúng ta phải cố gắng tấn công mục tiêu nhưng không bay vào khu vực hoạt động có hiệu quả của các phương tiện phòng không có thể có của bọn khủng bố.
Điều đó là hợp lý và được thể hiện qua một khái niệm như nghệ thuật bay. Nghệ thuật bay hoàn hảo (của các phi công) đã được thể hiện khi tấn công các mục tiêu của bọn khủng bố.
Lực lượng không quân của "Đô đốc Kuznetsov" đã xuất kích tác chiến 420 lần, trong số đó có 117 – vào ban đêm. Ngoài ra, đã có hơn 700 lần xuất kích đảm bảo tác chiến.
Điều đó có nghĩa gì? khi máy bay tiêm kích hạm cất cánh hay hạ cánh, trên không dứt khoát phải có một chiếc máy bay lên thẳng cứu hộ bay treo. Không phải vì chúng tôi không tin vào các phương tiện kỹ thuật của mình. Cần phải làm như vậy!Chúng tôi đang có mặt trên biển, mà biển cả thì luôn có các luật riêng của nó.
Nếu như các máy bay lên thẳng vận tải chở hàng hoặc chở người đi đâu đó – từ tàu này sang tàu khác, từ "Đô đốc Kuznetsov" lên bờ hoặc ngược lại – bao giờ chúng cũng được các máy bay trực thẳng hỗ trợ hỏa lực bay hộ tống.
Tổng cộng trên "Đô đốc Kuznetsov" có hơn 10 máy bay lên thẳng các kiểu tham gia chiến dịch. Điều đó cho phép hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao một cách trọn vẹn và đồng bộ.
Chỉ huy tàu "Đô đốc Kuznetsov" Sergey Artamonov tại buổi tiếp đón trọng thể khi tàu quay về Severomorsk. Ảnh: RIA Novosti / Aleksandr Yakovlev.
Sergey Osipov: Tại sao phải đưa thủy thủ từ tàu này sang tàu khác?
Sergey Artamonov: Ví dụ, theo chỉ định của quân y chẳng hạn. Có ai đó ốm, cần phải phẫu thuật, trong khi đó quân y viện tốt nhất trong cụm tàu – đó là bệnh viện trên "Đô đốc Kuznetsov". Hoặc là, lấy ví dụ, để nâng cao tinh thần chiến đấu của thủy thủ. Khi hoạt động trên biển, yếu tố này luôn đóng một vai trò rất quan trọng.
Mặc dù trên tàu tuần dương mang máy bay không có biên chế, nhưng cùng với chúng tôi tham gia chuyến công tác này có một Cha của Nhà thờ chính thống giáo Nga tên là Sergi.
Để có thể làm việc nhiều hơn với các thủy thủ, sỹ quan trong cụm tàu, Cha Sergi đã tận dụng mọi khả năng có thể để bay trên máy bay lên thẳng từ tàu tuần dương đến các tàu khác.
Trong những vấn đề này, tôi luôn tạo điều kiện. Ở trên biển thì tình thần đoàn kết tập thể, sự đồng điệu về tâm hồn, những giá trị lịch sử Nga và truyền thống hạm đội là những nhân tố rất quan trọng.
Sergey Osipov: Điểm gì khác giữa phục vụ trên tàu tuần dương mang máy bay và phục vụ trên các tàu nổi khác?
Sergey Artamonov: Nếu như nhìn góc độ thực tế của vấn đề, thì đối với thủy thủ, sự khác biệt này là không đáng kể. Chỉ khác nhau về chức năng. Nhưng xin đừng quên một chi tiết rất quan trọng: các sỹ quan, thủy thủ phục vụ trên "Đô đốc Kuznetsov" luôn cảm thấy rất tự hào.
Bởi vì đấy là được phục vụ trên con tàu chiến lớn nhất, con tàu chỉ huy. Lòng tự hào đó làm tăng ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên kíp thủy thủ. Xin nói thêm, trong chuyến đi này, lần đầu tiên kíp thủy thủ trên tàu "Đô đốc Kuznetsov" chỉ toàn là quân nhân hợp đồng.
Mặc dù có kích thước và lượng giãn nước lớn, "Đô đốc Kuznetsov" cảm thấy rất tự tin cả trên vùng biển mở, trên các eo biển, trong các vịnh biển, khi cơ động trên hành trình.
Nhưng tôi xin nhắc lại: vũ khí chủ yếu của tàu sân bay – đó là cụm không quân trên tàu. Đấy là điểm khác biệt của "Đô đốc Kuznetsov" so với các tàu những lớp khác.
Và đây thêm một đặc điểm nữa rất cần phải tính đến – đó sự kết hợp và cùng tồn tại trên cùng một chiếc tàu hai thành tố cấu thành – hải quân và không quân.
Còn công việc của sỹ quan trên tàu tuần dương thì nó có một số điểm khác biệt so với công việc của những sỹ quan trên các tàu nổi khác.
Đấy là quân số của tàu (lớn hơn), số lượng các vị trí chiến đấu, số lượng boong tàu, số lượng các vị trí khác trên tàu (nhiều hơn).
Các sỹ quan trên "Đô đốc Kuznetsov" cần nắm chắc như trong lòng bàn tay kết cấu của một con tàu lớn như vậy. Và họ biết rất rõ mọi ngóc nghách của tàu. Biển cả luôn kiểm tra chúng ta mà. Và lần kiểm tra này là lần kiểm tra nghiêm túc nhất. Các sỹ quan "Đô đốc Kuznetsov" đã qua được kỳ sát hạch này với cái đầu ngẩng cao.
Sergey Osipov: Khi quay về Severomorsk ,theo truyền thống của Hạm đội Biển Bắc, kíp thủy thủ được chiêu đãi món lợn quay. Còn ông thì sao, sẽ được đãi món gì tại gia đình?
Sergey Artamonov: Tôi còn chưa được về nhà, bởi vì đang rất bận ... Rất nhiều chức trách và nhiệm vụ. Đó là đưa tàu vào nơi neo đậu, là chuyển từ chế độ hành trình hàng ngày trên biển sang chế độ đóng quân tại căn cứ.
Chỉ huy của bất cứ tàu nào bao giờ cũng là người rời tàu cuối cùng ….