Tên lửa huyền thoại P-700 Granit của Liên Xô tái xuất
Một trong những vũ khí huyền thoại của Hải quân Liên Xô thời kỳ chiến tranh Lạnh, tên lửa chống hạm siêu âm P-700 Granit là vũ khí có sức răn đe lớn nhất đối với tàu sân bay của Mỹ.
Được thiết kế cho chiến tranh bất đối xứng theo học thuyết của Liên Xô, tên lửa Granit là vũ khí vừa đảm bảo tính kinh tế, vừa đem lại hiệu quả, cho tới nay Granit vẫn là "câu trả lời" của người Nga để đối đầu với chiến lược xây dựng các cụm tác chiến tàu sân bay của Mỹ.
Tên lửa chống hạm P-700 Granit.
Trong số tất cả các tên lửa chống hạm siêu thanh của Liên Xô, Granit có tầm bắn xa nhất (600 km), gây thiệt hại nặng nề nhất vì các cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ chỉ có thể bảo vệ một khu vực có bán kính 550 km.
Vào tháng 9/2019, trong khuôn khổ một cuộc tập trận, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã khai hỏa Granit từ tàu ngầm hạt nhân Omsk, tên lửa đã bắn trúng mục tiêu ở cự ly khoảng 350 km.
Hiện nay Hải quân Nga đang biên chế 6 tàu ngầm hạt nhân lớp Antey (mỗi chiếc có thể mang theo 24 tên lửa P700 Granit) được mệnh danh là "cơn ác mộng" với khả năng của một chiếc có thể đánh chìm một cụm tác chiến tàu sân bay của đối phương với một loạt tên lửa liên hoàn.
Ống phóng tên lửa chống hạm P-700 Granit trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
"Sát thủ" không thể đánh chặn Zircon
Tuy P700 Granit vẫn chứng minh được khả năng của mình, nhưng hải quân Nga đã lên kế hoạch thay thế nó bằng tên lửa hành trình siêu vượt âm Zircon đã hoàn thành thử nghiệm.
Việc đưa Zircon vào trang bị vào năm 2020 sẽ đưa Nga trở thành nước đầu tiên trang bị vũ khí siêu vượt âm trên biển.
Tên lửa Zircon được thử nghiệm thành công lần đầu tiên vào ngày 10/12/2018 với vận tốc đáng kinh ngạc Mach 8 (10.000 km/giờ), không có tên lửa nào trên thế giới từng đạt được vận tốc tương tự.
Tên lửa Zircon.
Việc người Nga thử thành công Zircon đã làm Mỹ hết sức lo lắng, bởi vì sự xuất hiện của nó đã thách thức toàn bộ hệ thống phòng thủ tên lửa, và đe dọa đánh chìm tàu sân bay hoặc các mục tiêu ven biển của Hoa Kỳ.
Thử nghiệm thành công từ các bệ phóng trên đất liền cho phép Nga tiến hành giai đoạn tiếp theo là thử nghiệm trên biển.
Khu trục hạm mới Đô đốc Gorshkov với hệ thống phóng thẳng đứng đa năng 3S14U1 UKSK, có thể được lựa chọn để thử nghiệm tên lửa Zircon. Cùng với đó là việc thử nghiệm phóng từ tàu ngầm hạt nhân mới nhất K-561 Kazan thuộc lớp Yasen.
Tên lửa siêu vượt âm Zircon 3M22 được phát triển bởi Phòng thiết kế NPO Mashinostroyeniya và là một phần của tổ hợp 3K22 (định danh NATO là SS-N-33).
Tên lửa có khả năng đạt tốc độ tối đa vào khoảng Mach 9 khi bay ở độ cao khoảng 30 đến 40 km so với mặt nước biển do ở độ cao này sức cản của không khí thấp hơn, cho phép tên lửa tăng tầm bắn và tốc độ.
Tên lửa Zircon được cho là có thể phóng từ trên không.
Ước tính Zircon dài khoảng 8 đến 10 mét, mang theo đầu đạn nặng từ 300 đến 400 kg. Việc đưa Zircon không chỉ thay thế P-700 Granit mà còn có tiềm năng thay thế cả hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion.
Mặc dù là tên lửa chống hạm, Zircon vẫn có thể chuyển sang khả năng tấn công các mục tiêu trên đất liền.
Theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, Zircon có thể tấn công các căn cứ quân sự trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ và loại bỏ nguy cơ trả đũa trong một cuộc chiến hạt nhân.
Với kịch bản giả định rằng các tàu ngầm Nga tiến hành một cuộc phủ đầu với Zircon mang theo đầu đạn hạt nhân san bằng các căn cứ hạt nhân trước khi Mỹ kịp phản ứng trả đũa.
Thời gian hành trình của tên lửa từ tàu ngầm đến mục tiêu chỉ mất từ 5 đến 8 phút khiến người Mỹ sẽ rất khó có thể đánh chặn (nếu không nói là không thể) do radar có thể phát hiện ra tên lửa nhưng các hệ thống phòng thủ tên lửa chỉ có không quá 20 giây để phá hủy Zircon.
Các bệ phóng tên lửa Zircon được cho là tương tự với bệ phóng tên lửa được sử dụng cho các tên lửa P-800 Onyx và Calibre (3M54) mới nhất.
Không chỉ được phóng từ các tàu chiến và tàu ngầm như Yasen-M, Antey và Husky, Zircon cũng có khả năng phóng từ các bệ phóng di động trên mặt đất tương tự tên lửa hành trình Calibr.
Đối tượng tác chiến trong trường hợp này chủ yếu là các nước châu Âu nơi đặt các bệ phóng tên lửa đạn đạo của Mỹ.
Tuy người Nga dự kiến sẽ thay thế P-700 Granit (đã trang bị từ năm 1983) nhưng còn quá sớm để tên lửa Zircon đáp ứng hoàn toàn vai trò của Granit.
Hải quân Mỹ chưa hết nỗi lo về P-700 Granit, tên lửa chống hạm siêu âm nguy hiểm nhất hiện tại, đã phải đối mặt với tên lửa siêu vượt âm Zircon, vũ khí của chiến tranh tương lai.
Phóng sự của Vesti News về tên lửa chống hạm siêu vượt âm Zircon của Nga.