Trong lịch sử, Nga (trước đây là Liên Xô) là nước đi đầu trong việc chinh phục vùng cực. Quốc gia này đã chế tạo tàu phá băng hạt nhân đầu tiên hoạt động tại khu vực Bắc Cực. Năm 1961, tàu phá băng sử dụng năng hạt nhân đầu tiên trên thế giới do Liên Xô đóng được hạ thủy tại thành phố Leningrad (nay là Saint Petersburg) được mang tên Lenin.
Con tàu mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành đường thủy Liên Xô thời bấy giờ. Các tàu phá băng động cơ diesel tiêu tốn rất nhiều nhiên liệu, hiệu quả thấp, trong khi tàu phá băng hạt nhân có thể vận hành trên biển trong một khoảng thời gian gần như không hạn chế.
Trong khi Liên Xô/Nga đã sở hữu tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân đầu tiên từ 50 năm trước, Mỹ và sau này là cả Trung Quốc đều không chú trọng để phát triển tàu phá băng hạt nhân hoặc là họ không có khả năng phát triển loại tàu này.
Tàu phá băng là yếu tố thay đổi cuộc chơi được Nga sử dụng để thực hiện những tham vọng ở Bắc Cực, Giáo sư Leonid Grigoriyev thuộc Trường Kinh tế Cao cấp ở Moscow nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng nhấn mạnh vai trò của tàu phá băng trong các kế hoạch đầy tham vọng của nước này ở vùng Bắc Cực.
“Mọi người đều biết rằng, hạm đội tàu phá băng của chúng ta nắm giữ vị thế dẫn đầu trong việc phát triển và nghiên cứu các vùng Bắc Cực. Chúng ta phải tái khẳng định sự vượt trội này mỗi ngày. Chúng ta phải xây dựng vị thế của mình, củng cố và nâng cấp hạm đội, đưa vào các công nghệ mới trong việc chế tạo tàu phá băng và các tàu khác trong lớp này”, Tổng thống đã Putin tuyên bố như vậy trong lễ ra mắt một tàu phá băng mới của Nga ở St. Petersburg tháng 11/2020.
Trong khi Nga đang thúc đẩy việc sử dụng Tuyến đường biển phía Bắc thì phía Đông Bắc Cực vẫn hoàn toàn đóng băng và không thể hoạt động quanh năm nếu không có các tàu phá băng.
Đó cũng là lý do dù đã sở hữu đội tàu phá băng mạnh nhất thế giới, Nga vẫn không ngừng mở rộng cả về số lượng và chất lượng các tàu loại này.
Tàu phá băng hạt nhân 60 năm tuổi Lenin là tên con tàu phá băng hạt nhân đầu tiên trên thế giới (Ảnh Getty Images)
Nga có đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, với khoảng 40 tàu, và hiện là nước duy nhất trên thế giới vận hành đội tàu phá băng chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đến 2035, nước này sẽ sở hữu ít nhất 9 tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đây là một phần nỗ lực chiếm ưu thế tuyệt đối của Nga ở Bắc Cực.
Hiện Nga đang bắt tay vào đóng 4 tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân, gồm tàu Sibir, Ural, Yakutia và Chukhotka. Mỗi tàu phá băng hạt nhân mới có chi phí khoảng 400 triệu USD và việc xây dựng chúng cần khoảng hơn 1.000 người làm việc trong vòng từ 5-7 năm.
Tàu phá băng Sibir dự kiến sẽ xuất xưởng vào cuối năm nay, trong khi những con tàu khác dự kiến sẽ tham gia vào hạm đội của Rosatom ở Murmansk vào năm 2022, 2024 và 2026. Sibir sẽ là một phiên bản cải tiến so với tàu tiền nhiệm Arktika.
Cuối năm 2020, siêu tàu phá băng hạt nhân mạnh nhất thế giới của Nga, tàu NS Arktika đã thực hiện hành trình đầu tiên kéo dài 2 tuần tới Bắc Cực.
NS Arktika có chiều dài 173 mét, cao 15 mét, lượng giãn nước hơn 33.500 tấn, có thể phá tan lớp băng dày 3 mét trên mặt biển. Tàu được thiết kế năm 2009, khởi đóng từ năm 2016, hạ thủy cuối năm 2019 và là tàu đầu tiên trong thế hệ tàu phá băng mới thuộc Dự án 22220 của Nga. Tàu được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân RITM-200, mỗi lò có công suất 175 megawatt.
Ngoài tàu NS Arktika, sẽ có 2 tàu phá băng hạt nhân nữa thuộc Dự án 22220, là tàu lớp Leader, được đưa vào hoạt động trong những năm tới. Trong khi tàu Arktika có khả năng phá vỡ lớp băng dày 3 mét, các tàu phá băng lớp Leader mới sẽ có thể cắt qua lớp băng dày 4,3 mét, cũng như ở trên biển trong 8 tháng mà không cần vào cảng.
Kích thước của tàu phá băng lớp Leader cũng rất ấn tượng, với chiều dài hơn 210 mét, cao 47 mét.
Trung Quốc dù không tham gia vào các hoạt động quân sự ở Bắc Cực, nhưng nước này lại xác định rõ những lợi ích kinh tế và thương mại tại đây. Bắc Kinh đề xuất bắt tay với Moscow về “Con đường Tơ lụa vùng cực” kết nối với Sáng kiến cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường trải rộng từ châu Á sang châu Âu. Trung Quốc cũng đã đặt ra tầm nhìn về một Bắc Cực giàu nguồn tài nguyên.
Trung Quốc, tự tuyên bố mình là “quốc gia gần Bắc Cực”, cũng vận hành 2 tàu phá băng, ngang bằng với Mỹ về số lượng. Tàu phá băng đầu tiên của Trung Quốc là MV Tuyết Long, do Ukraine khởi đóng sau đó được Trung Quốc nâng cấp trong nước.
Trung Quốc cũng vận hành 2 tàu phá băng, ngang bằng với Mỹ về số lượng (Ảnh Getty Images)
Tàu thứ 2 là Tuyết Long 2, được đóng nội địa và hạ thủy năm 2018. Tàu Tuyết Long 2 có lượng giãn nước 13.996 tấn, dài 122 mét, phục vụ các nghiên cứu đại dương học cũng như đa dạng sinh vật. Hệ thống điện có thể duy trì 60 ngày, và con tàu có thể phá lớp băng dày 1,5 mét.
Trung Quốc đang có kế hoạch chế tạo tàu phá băng năng lượng hạt nhân đầu tiên. Sau Nga, Trung Quốc sẽ là nước thứ 2 vận hành tàu phá băng năng lượng hạt nhân, uy lực hơn nhiều so với các tàu chạy bằng diesel.
Theo các thông tin liên quan đến tàu phá băng hạt nhân của Trung Quốc năm 2020, con tàu này có chiều dài 152 mét, rộng 30 mét, có lượng giãn nước 30.000 tấn. Tàu này được cho là tương đương tàu phá băng khổng lồ Arktika của Nga. Tàu phá băng hạt nhân của Trung Quốc trị giá khoảng 1 tỷ NDT (hơn 150 triệu USD), hoạt động nhờ 1 lò phản ứng cao áp 25MW.
Mỹ là một quốc gia Bắc Cực kể từ khi mua vùng đất Alaska năm 1867. Điều này đồng nghĩa với việc Washington có nhiều lợi ích ở khu vực phía trên Vòng Bắc Cực.
Trong bài phát biểu trước các sinh viên tốt nghiệp Học viện Bảo vệ bờ biển ở New London, Connecticut hồi tháng 5/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thừa nhận, sự hiện diện của lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ ở Bắc Băng Dương có tầm quan trọng thiết yếu.
Tuy nhiên, trong cuộc cạnh tranh với Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực, chỉ lời nói thôi là chưa đủ. Mỹ cần nhiều tàu phá băng để duy trì vị thế ở khu vực chiến lược này.
Cho tới nay, Mỹ vẫn chưa đầu tư đáng kể vào các tàu phá băng mới kể từ khi tàu Healy được biên chế năm 1999. Mỹ không có bất cứ tàu phá băng nào hoạt động thường xuyên ở vùng Bắc Cực mà Mỹ tuyên bố chủ quyền ở phía Bắc Alaska.
Khoảng cách giữa hạm đội tàu phá băng của nước này với hạm đội của Nga là một mối lo ngại.
Nga có đội tàu phá băng lớn nhất thế giới, với số lượng khoảng 40 tàu, trong khi 4 tàu phá băng chạy năng lượng hạt nhân khác khác đang trong quá trình đóng và hàng chục tàu khác được lên kế hoạch trong thập kỷ tới. Trung Quốc, dù không phải là một quốc gia Bắc Cực, nhưng với tham vọng lớn ở khu vực chiến lược này, cũng đang mở rộng đội tàu phá băng của mình.
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ chỉ có vẻn vẹn 2 chiếc: Polar Star và Healy (Ảnh:Getty Images)
Trong khi đó, hạm đội tàu phá băng của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ chỉ có vẻn vẹn 2 chiếc: Polar Star và Healy.
Polar Star được biên chế hơn 4 thập kỷ trước, đã vượt qua mốc vòng đời 30 năm của nó. Con tàu này chỉ thực hiện hành trình hàng năm tới Nam Cực để vận chuyển đồ tiếp tế tới Trạm McMurdo.
Tày Healy gặp phải sự cố hỏa hoạn trong một chuyến đi ở Bắc Cực hồi tháng 8/2020 và sẽ không thể khôi phục hoạt động trước tháng 8/2021.
Với các hoạt động và sự cạnh tranh ngày càng gia tăng ở Bắc Cực về thương mại và các nguồn tài nguyên, đây là một vị thế rất bất lợi đối với Mỹ.
Những tham vọng của Nga hay Trung Quốc ở Bắc Cực có thể là hồi chuông cảnh báo khiến chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden phải tăng tốc kế hoạch mở rộng hạm đội tàu phá băng càng nhanh càng tốt để bảo vệ các lợi ích chiến lược ở Bắc Cực.
Chính quyền Donald Trump trước đây đã bổ sung ngân sách cho cho chương trình An ninh vùng cực (Polar Security Cutter), trong đó bao gồm kế hoạch đóng 6 tàu phá băng mới. Tàu đầu tiên trong số này dự kiến thực hiện các chuyến thử nghiệm trên biển vào năm 2024. 3 trong số 6 tàu này là tàu phá băng hạng nặng, có khả năng phá lớp băng dày khoảng 3 mét. 3 tàu còn lại là các tàu hạng trung.
Trong ngân sách 1 tỷ USD đầu tư vào các tàu mới dưới thời chính quyền Biden, 17% được cấp riêng cho chương trình An ninh vùng cực với các dự án đóng tàu phá băng. Tuy nhiên, do Lực lượng Bảo vệ bờ biển cũng cần phải vận hành các tài sản hiện có, 15 triệu USD trong ngân sách này sẽ được phân bổ cho việc duy trì tàu Polar Star đã cũ kỹ. Nếu Lực lượng Bảo vệ bờ biển càng sớm được biên chế tàu mới, thì họ sẽ càng sớm cắt giảm được ngân sách chi cho việc sửa chữa, bảo trì các con tàu cũ.
Kể cả khi đã có 3 tàu phá băng hạng nặng ban đầu, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Mỹ vẫn thực sự cần cả 6 chiếc để đáp ứng nhiệm vụ trước những mối đe dọa ngày càng gia tăng từ Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực.
Việc cung cấp cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển hạm đội tàu phá băng lớn sẽ cho phép lực lượng này thực hiện khẩu hiệu “luôn luôn sẵn sàng” để đối phó bất cứ mối đe dọa nào.