Tờ Japan Times đưa tin, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen hôm 20/12 đã công bố quyết định cấp quyền tiếp cận Căn cứ Hải quân Ream cho Nhật Bản nhân dịp Tổng thư ký Ban An ninh quốc gia kiêm Cố vấn An ninh quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo thăm Campuchia.
Theo bài đăng trên trang Facebook cá nhân của ông Hun Sen kèm theo hình ảnh tại cuộc gặp, ông ca ngợi vai trò của Nhật Bản trong khu vực và cho biết đã công nhận quốc gia này là đối tác tốt.
Theo Reuters, lời đề nghị dành cho Nhật Bản được đưa ra 2 tháng sau khi Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức tại Washington rằng quân đội của bất kỳ quốc gia nào, bao gồm cả Mỹ, đều có thể cập cảng sau khi Căn cứ Hải quân Ream hoàn thành nâng cấp, giữa bối cảnh xuất hiện lo ngại từ phía Mỹ rằng căn cứ này có thể trở thành tiền đồn quân sự cho Trung Quốc.
“Căn cứ Hải quân Ream không dành cho người Trung Quốc. Người Trung Quốc đã hỗ trợ chúng tôi mở rộng Căn cứ Hải quân Ream vì mục đích quốc phòng, chứ không phải để người Trung Quốc hay bất kỳ quân đội nào sử dụng chống lại quốc gia khác”, ông Sun Chanthol phát biểu tại sự kiện.
Theo Japan Times, các tàu quân sự của Trung Quốc đã luân phiên có mặt tại Căn cứ Hải quân Ream kể từ khi quá trình nâng cấp do Bắc Kinh tài trợ bắt đầu vào tháng 6/2022. Campuchia đã phủ nhận các thông tin về một thỏa thuận bí mật với Bắc Kinh để lực lượng Trung Quốc đồn trú tại căn cứ này.
Việc nâng cấp diễn ra sau khi Campuchia phá hủy một cơ sở do Mỹ xây dựng tại căn cứ hải quân này ở thành phố ven biển Sihanoukville vào năm 2020. Phnom Penh trước đó đã từ chối lời đề nghị sửa chữa của Washington.
Tầm ảnh hưởng của Trung Quốc
Theo hãng tin AFP (Pháp), dưới thời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng cường đáng kể chiều sâu và phạm vi ảnh hưởng của mình. Trung Quốc cũng đạt được nhiều thỏa thuận về cơ sở hạ tầng ở các nước đối tác, như một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Một công ty Trung Quốc đã mua lại hợp đồng thuê 99 năm đối với cảng Hambantota của Sri Lanka. Bắc Kinh cũng có các thỏa thuận khác với Pakistan, Maldives, Bangladesh và Djibouti - nơi họ có một cơ sở quân sự.
Nhà nghiên cứu quốc phòng quốc tế cấp cao Timothy Heath tại tổ chức tư vấn Rand Corporation có trụ sở ở Mỹ cho biết, ngay cả khi Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia không trở thành tiền đồn quân sự của Trung Quốc, các tàu chiến của nước này vẫn có thể được ưu tiên tiếp cận để tập trận và tiếp tế.
Ông Heath lưu ý rằng nơi này cách xa tuyến đường thương mại và vận chuyển dầu mỏ quan trọng của Eo biển Malacca, nhưng "Trung Quốc có thể tìm thấy giá trị khi thiết lập một trạm thu thập thông tin tình báo tại Ream".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng đến thăm Campuchia vào tháng 6. Tàu tác chiến ven bờ USS Savannah của Mỹ đã cập cảng tại thành phố Sihanoukville hôm 16/12, cách Căn cứ Hải quân Ream và các tàu hộ tống 1.500 tấn của Trung Quốc khoảng 30 km.
Nhà nghiên cứu kiêm cố vấn Ali Wyne của tổ chức tư vấn International Crisis Group có trụ sở tại Bỉ nói với AFP rằng những chuyến thăm của Mỹ "là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm khôi phục mối quan hệ quốc phòng với Phnom Penh".