Tàu nghiên cứu Trung Quốc khiến Úc, Mỹ lo lắng

H. Bình |

Các tàu công nghệ cao của Trung Quốc đang lập bản đồ vùng biển gần Papua New Guinea, trong khi Mỹ và Úc bắt đầu nâng cấp căn cứ hải quân trên đảo Manus.

Phân tích quân sự về dữ liệu vệ tinh GPS cho thấy hai tàu nghiên cứu của Trung Quốc đi vào Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Papua New Guinea ở phía Bắc đảo Manus. Chuyện này xảy ra chỉ vài tuần sau khi Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố tái phát triển căn cứ hải quân Lombrum cũ trên đảo Manus.

Hai tàu nghiên cứu vừa nêu thuộc "hạm đội nghiên cứu đại dương" gồm 20 chiếc của Trung Quốc, đã thực hiện các cuộc điều tra hàng hải mở rộng quanh Philippines, Palau, đảo Guam và Nhật Bản trong hai năm qua.

Các quan chức quân sự cấp cao của Úc và Mỹ thừa nhận các cuộc điều tra hải dương học hoàn toàn hợp pháp, nhưng tin rằng các tàu đang thu thập dữ liệu vô giá cho các hoạt động quốc phòng trong tương lai.

"Thông tin thu được cho mục đích tài nguyên có thể sử dụng kép cho mục đích quân sự" - một quan chức quốc phòng Úc giấu tên nói với đài ABC ngày 20-4.

Cũng theo quan chức này, "thu thập dữ liệu cơ bản về cấu tạo đáy biển, địa hình đáy biển, độ mặn và lớp nêm nhiệt còn giúp xác định điều kiện âm thanh cho hoạt động của tàu ngầm".

Bộ Quốc phòng Úc không chính thức đề cập nhiều đến hoạt động hải dương học của Trung Quốc, ngoại trừ lưu ý rằng "vùng biển của Úc có lưu lượng giao thông hàng hải lớn, bao gồm cả quân sự và các tàu của chính phủ nhiều nước khác".

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Úc nói với đài ABC: "Luật pháp quốc tế cho phép tiến hành nghiên cứu khoa học biển ở vùng biển quốc tế với điều kiện các hoạt động không vi phạm quyền của các quốc gia khác hoặc can thiệp một cách vô lý vào hoạt động hợp pháp khác trên biển".

Đài ABC trích dẫn kết luận của báo cáo của Học viện Hải quân Mỹ hồi tháng 11-2018 cho biết: "Các hoạt động nghiên cứu hải dương học ngoài khu vực của Trung Quốc gây ra nhiều lo ngại cho các nhà hoạch định chính sách Mỹ".

Trước lo lắng về nghiên cứu hải dương học của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, Bắc Kinh khẳng định nhiệm vụ chỉ thuần khoa học và hợp pháp.

Hồi tháng 3, các chỉ huy quốc phòng Úc và Papua New Guinea gặp nhau tại Canberra để ký Bản ghi nhớ nâng cấp Căn cứ Hải quân Lombrum. Trong khi đó, quy mô cam kết của Mỹ chưa rõ ràng. Vào năm ngoái, ông Mike Pence không cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ chi bao nhiêu tiền cho dự án nâng cấp căn cứ hải quân Lombrum, hoặc liệu các tàu của Mỹ sẽ đồn trú vĩnh viễn tại Lombrum hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại