Tàu ngầm mẹ nào đã chở theo tàu AS-31 gặp nạn?
Trong bản tin mới nhất về vụ tai nạn tàu ngầm khiến 14 thủy thủ Nga thiệt mạng hôm 1/7, Krasnaya Zvezda, tờ báo chính thức của Bộ Quốc phòng Nga đã cho đăng tải một bản vẽ chưa từng thấy trước đây về chiếc tàu ngầm Belgorod (hay K-329 theo số hiệu thân tàu) thuộc Dự án 09852, một biến thể cải tiến của lớp Oscar II chuyên dùng cho "các nhiệm vụ đặc biệt".
Nga chính thức hạ thủy tàu ngầm Belgorod vào tháng 4/2019 khi vẫn đang trong quá trình phát triển và hiện là tàu ngầm dài nhất thế giới. Ở thời điểm hiện tại, các thông tin mới liên quan đến vụ tai nạn ngày 1/7 đã bắt đầu rò rỉ, dù không nhiều và một số vẫn chưa được xác nhận.
Belgorod trên thực tế có mối quan hệ gắn kết nhiều hơn với ngư lôi tầm xa vũ trang hạt nhân Poseidon nhưng chiếc tàu ngầm được thiết kế cho các nhiệm vụ đặc biệt này cũng có khả năng đóng vai trò làm "tàu mẹ" cho các tàu ngầm lặn sâu, nhỏ hơn và chuyên dụng hơn như Losharik của Dự án 10831.
Các phương tiện truyền thông độc lập của Nga đã đưa tin rộng rãi rằng Lorsharik (hay còn được biết đến với số hiệu thân tàu là AS-12 và gần đây hơn là AS-31) chính là chiếc tàu ngầm liên quan tới thảm kịch ngày 1/7/2019.
Hình ảnh đăng tải trên Krasnaya Zvezda là bức vẽ một chiếc tàu ngầm mẹ mang theo một tàu ngầm nhỏ hơn dưới thân. Không có chú thích cho ảnh minh họa và câu chuyện trên Krasnaya Zvezda cũng không đề cập cụ thể tới Belgorod nhưng căn cứ vào hình dáng và một số đặc điểm nhận dạng khác thì rõ ràng đó là tàu K-329.
Đây dường như là bức họa chính thức đầu tiên miêu tả về tàu Belgorod theo cấu hình cuối cùng của nó. Năm 2015, một bức ảnh tương tự cũng đã xuất hiện trên truyền hình nhà nước Nga tiết lộ về sự tồn tại của ngư lôi Poseidon, khi đó vẫn được gọi là Kanyon hay Status-6.
Ở thời điểm hiện tại, chưa thể khẳng định chắc chắn Belgorod, theo cách này hay cách khác, có liên quan tới vụ hỏa hoạn trên tàu ngầm Nga ngày 1/7. Cũng chưa có thông tin nào cho thấy chiếc tàu ngầm này đã được đưa xuống biển vào bất cứ thời điểm nào kể từ tháng 4/2019. Kremlin có kế hoạch đưa nó vào hoạt khoảng năm 2020.
Bức họa được cho là tàu ngầm Belgorod mang theo một tàu ngầm mini dưới thân xuất hiện trên bản tin của Krasnaya Zvezda ngày 3/7/2019
Một số bản tin ban đầu trên truyền thông Nga dẫn các nguồn giấu tên cho rằng đã có một trong số các tàu ngầm mẹ Hải quân Nga liên quan tới vụ tai nạn hôm thứ Hai.
Những bản tin này còn nêu đích danh đó là tàu ngầm cải tiến mang tên lửa đạn đạo BS-64 Podmoskovye lớp Delfin thuộc Dự án 667BDRM và tàu BS-136 Orenburg Dự án 09786, cả hai đều là những tàu ngầm chuyên dụng thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt dưới vai trò tàu mẹ.
Một số ngư dân địa phương cho biết họ đã nhìn thấy tàu ngầm Podmoskovye nổi lên trên biển Barents gần thành phố Kildin vào thời điểm vụ hỏa hoạn xảy ra. Ngay sau đó, hai tàu kéo và một tàu chiến đã hộ tống nó vào Vịnh Kola.
Báo Kommersant dẫn các nguồn tin ẩn danh cũng cho biết tàu ngầm Losharik đã nổi lên từ đáy biển để cùng tàu Podmoskovye cập cảng một thao trường huấn luyện của Hạm đội phương Bắc ở phía Tây Vịnh Kola khi vụ hỏa hoạn diễn ra.
Bí mật vẫn bao trùm chiếc tàu ngầm Nga bị cháy
Ngày 3/7/2019, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đến thăm cảng Severomorsk nằm trong Vịnh Kola, nơi chiếc tàu ngầm bị hư hại được cho đã cập bến ở đây.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm việc với ông Shoigu và ra lệnh cho người đứng đầu Bộ QP Nga phải đích thân đến căn cứ, nơi đặt trụ sở của Hạm đội phương Bắc để gặp gỡ các quan chức và nắm tin tức về vụ tai nạn. Có tin cho rằng Hải quân Nga đã kéo chiếc tàu ngầm bị hư hại về Gadzhiyevo, địa điểm nằm ở phía bắc cảng Severomorsk.
Lễ hạ thủy tàu ngầm Belgorod tháng 4/2019
Dmitri Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin ngày 3/7 nói rằng, chiếc tàu bị nạn được xếp vào dạng dữ liệu bí mật cao nhất và vì vậy việc không tiết lộ tên gọi của nó là điều hoàn toàn bình thường.
Ông Dmitri Peskov chỉ khẳng định đây là một trong những tàu ngầm làm nhiệm vụ đặt biệt bí mật nhất của Nga. Bản thân Tổng thống Putin trước đó cũng miêu tả đây là một con tàu khác thường.
Phát biểu tại cuộc gặp với các quan chức ở Severomorsk, ông Shoigu gọi các thủy thủ tàu ngầm Nga tử nạn là "những chuyên gia độc nhất" và "những sĩ quan có chuyên môn đặc biệt cao".
Tổng cục Nghiên cứu Biển sâu (GUBI) - cơ quan tình báo hải quân, là đơn vị chịu trách nhiệm vận hành hạm đội tàu ngầm đặc biệt này của Nga, gồm cả tàu Losharik và Belgorod.
Bộ Quốc phòng Nga đã xác nhận 7 trong 14 thủy thủ hi sinh là thuyền trưởng Hạng nhất 1, tương đương với thuyền trưởng Hải quân Mỹ và trong đó có cả 2 Anh hùng Liên bang Nga - danh hiệu cao nhất của đất nước.
Ông Shoigu tiết lộ một chuyên gia dân sự đến từ ngành công nghiệp quốc phòng Nga cũng có mặt trên tàu vào thời điểm xảy ra tai nạn. Điều này cho thấy tàu ngầm Losharik đang tham gia vào một đợt thử nghiệm thiết bị mới khi gặp sự cố.
Những thông tin ít ỏi nêu trên khiến giới quan sát có thể đặt ra tình huống khi tàu Losharik phát hỏa nó đang được gắn vào thân một tàu mẹ hoặc các thủy thủ đã đưa chiếc tàu ngầm này quay trở lại mẹ ngay trước khi đám cháy bao trùm họ.
Danh tính 14 sĩ quan Nga hi sinh trong vụ cháy tàu ngầm ngày 1/7
Cũng có thể các thông tin mà nhân chứng nêu ra không chính xác và tàu Losharik đang hoạt động độc lập khi gặp nạn và sau đó tự nổi lên mặt nước mà không bị phá hủy hoàn toàn.
Tuy nhiên, trong bất cứ tình huống nào thì sự thực rõ ràng nhất, theo các quan chức cao cấp nhất của Bộ Quốc phòng Nga, đây vẫn là một tàu ngầm cỡ nhỏ nhưng vô cùng giá trị chở theo các thủy thủ đặc biệt chuyên nghiệp trong khoang.
Nguyên nhân gây ra thảm kịch hoặc mức độ thiệt hại đến đâu hiện vẫn chưa được công bố. Các thông tin chưa được xác nhận cho rằng một sự cố ngắt mạch hoặc lỗi kỹ thuật về pin có thể đã khiến con tàu phát hỏa. Bộ Quốc phòng Nga phủ nhận việc đã xảy ra rò rỉ khí gas trong tàu.
Điện Kremlin cũng cho biết vụ tai nạn đã không gây ra bất cứ sự cố rò rỉ phóng xạ nào. Losharik cũng như rất nhiều tàu mẹ khác của Nga đều chạy bằng năng lượng hạt nhân.
"Vẫn còn quá sớm để khẳng định nguyên nhân vụ hỏa hoạn và liệu đó có phải lỗi do con người gây nên hay do lỗi kỹ thuật. Tuy nhiên, sự cố chắc chắn sẽ có tác động to lớn tới hoạt động của GUGI vì đây đều là những tàu ngầm rất tiên tiến và chỉ được biên chế số lượng tương đối ít", Jeffrey Edmonds, chuyên gia của Trung tâm Phân tích Hải quân ở Washington nhận xét.
Đến thời điểm này, điều chúng ta có thể biết chắc chắn là vụ hỏa hoạn đã xảy ra trên một trong những chiếc tàu ngầm quan trọng nhất của Nga và nó cho thấy GUGI đang tiến hành hoặc thử nghiệm những công nghệ có tính nhạy cảm và độ bảo mật rất cao.
Lễ hạ thủy tàu ngầm hạt nhân chiến lược Prince Vladimir