Tàu ngầm Khabarovsk - Vũ khí thay đổi cuộc chiến dưới lòng biển
Hải quân Nga hiện đang âm thầm phát triển một loạt tàu ngầm hoàn toàn mới và khả năng độc đáo của chúng được đánh giá là sẽ có tác động to lớn tới bản chất của các cuộc chiến tranh ngầm dưới lòng biển trong tương lai.
Khabarovsk, chiếc tàu ngầm đầu tiên thuộc dạng này dự kiến sẽ được Nga ra mắt ngay trong tháng này. Theo chuyên gia quân sự H I Sutton, đây có thể sẽ là lớp tàu ngầm tiêu biểu nhất trong những năm 2020 bởi nó đại diện cho loại vũ khí mới lạ và rất khó đối phó.
Lực lượng hải quân ở những nước khác sẽ không có khả năng bắt chước cách làm này của Nga nhưng tất nhiên họ sẽ tìm cách chống lại nó. Vì vậy, cuộc chơi “mèo vờn chuột” mà ở đó các sát thủ săn ngầm của Hải quân Mỹ luôn rình rập tàu ngầm Nga, có thể sẽ được hồi sinh.
Tuy nhiên, không giống như thời Chiến tranh Lạnh, những mục tiêu mới lần này không phải là các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Thay vào đó, Khabarovsk được Nga thiết kế để mang theo loại ngư lôi hạt nhân không người lái khổng lồ - Poseidon.
Tàu ngầm Khabarovsk sẽ được trang bị 6 ngư lôi khổng lồ Poseidon
Nga đã rất thành công trong việc giữ bí mật nhiều chi tiết về tàu ngầm Khabarovsk Dự án 08951. Thông tin về lớp tàu ngầm vũ trang hạt nhân này của Nga gần như không hề xuất hiện công khai cho nên việc nó được ra mắt tới đây chắc chắn sẽ là chủ đề đặc biệt thu hút giới quan sát quân sự quốc phòng thế giới.
Sự tồn tại của tàu ngầm “Dự án 08951” không có gì là bí mật nhưng nó hầu như không được các nguồn thông tin của Nga đề cập tới. Từ một vài nguồn thông tin và từ những phân tích kiểu cổ điển, hình ảnh về Khabarovsk đã dần hiện rõ.
Khabarovsk có rất nhiều điểm giống với tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei (SSBN). Điều này giúp giảm bớt chi phí sản xuất và cũng giúp nó có khả năng tàng hình tốt hơn so với nhiều tàu ngầm khác đang phục vụ trong Hải quân Nga. Nửa phía trước của tàu sẽ được trang bị 6 ngư lôi khổng lồ Poseidon. Đây chính là yếu tố khiến con tàu trở nên độc đáo.
Sức mạnh "vô biên" khi kết hợp cùng siêu ngư lôi Poseidon
Poseidon, hay “Status-6” hoặc theo mã định danh của NATO là “Kanyon”, được thiết kế để mang theo cả vũ khí hạt nhân và và chạy bằng động cơ hạt nhân, khiến nó có phạm vi hoạt động gần như không giới hạn.
Do vậy, Poseidon sẽ là một mối đe dọa to lớn đối với các thành phố ven biển của Mỹ như New York hay Los Angeles. Bộ Quốc phòng Nga miêu tả Poseidon như là một vũ khí đa năng và có thể đánh chìm cả các nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Trên thực tế, Khabarovsk không phải là tàu ngầm đầu tiên của Nga được thiết kế dành riêng cho Poseidon. Belgorod, tàu ngầm thực hiện những sứ mệnh đặc biệt có mức độ bí ẩn không kém cũng đã được Nga hạ thủy vào ngày 23/4 năm ngoái.
Ảnh đồ họa máy tính ngư lôi Poseidon
Con tàu này cũng sẽ được trang bị 6 ngư lôi Poseidon. Tuy vậy, vai trò của nó sẽ được chia tách, bởi Belgorod còn đóng vai trò là tàu ngầm mẹ cho tàu lặn sâu Losharik. Sự kết hợp đồng thời cả chức năng là một tàu ngầm gián điệp và tàu ngầm mang vũ khí chiến lược có vẻ như hơi mâu thuẫn.
Kế hoạch đưa Belgorod vào sử dụng có thể sẽ tiếp tục bị trì hoãn thêm vì nó cần phải cải tiến để mang theo Losharik. Tàu lặn hạt nhân này cũng đã gặp phải một tai nạn chết người vào ngày 1/7/2019. Vì vậy, có thể Khabarovsk sẽ thay thế Belgorod trở thành tàu ngầm đầu tiên trang bị Poseidon đi vào hoạt động vào khoảng năm 2027.
Khabarovsk cũng sẽ không phải là tàu ngầm cuối cùng vũ trang Poseidon. Hai tàu ngầm Dự án 09853 tiếp theo đang được lên kế hoạch, nên Nga sẽ có một hạm đội gồm bốn tàu ngầm, mỗi chiếc đều trang bị 6 ngư lôi Poseidon.
Trừ khi có sự thay đổi trong kế hoạch của Nga, còn nếu không Khabarovsk chắc chắn sẽ trở thành tâm điểm của các chiến lược tác chiến chống ngầm ở phương Tây trong thập kỷ tới, đặc biệt là Hải quân Mỹ và Hải quân Hoàng gia Anh, những lực lượng có truyền thống lâu đời “rình rập” các tàu Nga. Tàu ngầm vũ trang Poseidon sẽ trở thành thách thức mới với những “thợ săn ngầm” này.
Đặc biệt, việc chế tạo vũ khí mới để đánh chặn Poseidon sẽ phải cần tới rất nhiều thời gian. Tốc độ và độ sâu của Poseidon khiến các thế hệ ngư lôi tiên tiến hiện nay của Mỹ và NATO gần như không thể chạm tới được nó.