Tàu ngầm Nga lâm nguy: Na Uy "buông lưới" quyết bắt bằng được?

Quang Huy |

Người hàng xóm của Nga tại Bắc Cực, nước Na Uy bé nhỏ và sung túc tự coi minh là một siêu cường quốc về thám hiểm ở phía bắc đang nỗ lực "buông lưới" bắt tàu ngầm Nga.

Với tuyên bố kích thích trí tưởng tượng của cư dân địa phương, Per Anders Madsen - nhà báo bình luận chính trị đã đề xuất chính quyền tập trung nỗ lực vào loại hình hoạt động mới và đặc biệt quan trọng – đó là thu thập, xử lý và hệ thống hoá các thông tin thăm dò thám hiểm.

Những thông tin thăm dò có thể biến thành nguồn đầu tư chính trị mà giúp Na Uy củng cố được vị thế của mình trong khối NATO.

Tờ Svenska Dagbladet (thuộc tập đoàn xuất bản Schibsted của Na Uy) cũng nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính của quốc gia láng giềng với Nga trong vai trò thành viên NATO - đó là theo dõi các tàu ngầm của Nga ở Biển Bắc ra khơi.

Sự lo lắng của biên tập viên tờ Aftenposten về hiện trạng mối quan hệ với NATO chính là sự nghi ngờ khả năng của Bộ quốc phòng nước này giúp đỡ được khối trong trường hợp nổ ra một cuộc xung đột với Nga.

Trước đó, ông Sigfrid Tilbeer trên trang điện tử bằng tiếng Nga norse.ru đã công bố một trích đoạn báo cáo mật của tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Na Uy cảnh báo rằng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột nghiêm trọng, Bắc Âu sẽ tự lo.

Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Na Uy, đô đốc Hokon Bruun-Hansen đã quan tâm tới sự thừa nhận đáng báo động về những khả năng hết sức khiêm tốn của "tuyến phòng thủ thứ nhất" – phòng tuyến bảo vệ Na Uy trong khi chờ đợi NATO tới ứng cứu.

Tàu ngầm Nga lâm nguy: Na Uy buông lưới quyết bắt bằng được? - Ảnh 1.

Tàu ngầm tấn công của Hải quân Nga. Ảnh: barentsobserver.com

Để chuẩn bị cho chiến dịch không quân tổng thế, NATO phải mất tối đa 3 ngày. Còn các lực lượng chính của khối sẽ ứng cứu trong vòng 1-2 tháng.

Các tướng lĩnh Na Uy có lẽ rất muốn trở thành nhà cung cấp chính những thông tin tình báo về người hàng xóm Nga và nhận được sự ủng hộ từ những nhà chiến lược NATO. Thêm vào đó, có những yếu tố khách quan tác động đến việc lựa chọn các ưu tiên trong việc xác định định hướng quốc phòng của Na Uy.

Quốc gia này được coi như sườn bên trái của NATO vì có vị trí gần với Nga nhất. Na Uy có khoảng 200 km biên giới với Nga. Theo quan điểm của ban lãnh đạo quốc phòng Na Uy, lực lượng vũ trang ít người của họ không thể tự phản kháng khi bị đối phương đầy sức mạnh tấn công.

Bởi vậy, việc thực hiện những phần chủ yếu của các nhiệm vụ tác chiến quốc phòng được đặt lên vai những đơn vị trinh sát-chống phá có trang bị vũ khí hiện đại, được huấn luyện tốt và quy mô nhỏ.

Không đối đầu trực tiếp với các lực lượng của kẻ xâm lược, những đơn vị này sẽ hoạt động tại các vùng núi ít dân cư và hiểm trở của Na Uy, thọc thẳng vào sườn và hậu phương của địch để làm suy yếu những khả năng tấn công phủ đầu và bất ngờ cho đến khi các lực lượng của NATO tới tiếp ứng.

Tai mắt phía đông của NATO

Trong chương trình cải tiến và tăng cường năng lực cho các lực lượng vũ trang được chính phủ Na Uy đưa ra vào mùa hè năm nay, trong 20 năm tới, dự kiến ngân sách sẽ chi tới 165 tỷ crone cho quân đội (tương đương 19,7 tỷ USD).

Theo thông tin của đài phát thanh Deutsche Welle, ngân sách quốc phòng của Na Uy đến năm 2020 sẽ được bổ sung thêm 7,2 tỷ crone (860 triệu USD).

Bộ trưởng quốc phòng nước này cho rằng: "Tăng cường khả năng phòng vệ đất nước là điều hết sức cần thiết. Trong giai đoạn 2021-2026, dự kiến ngân sách quốc phòng sẽ tiếp tục tăng".

Nhưng nhiều chuyên gia danh tiếng cho rằng, chi phí này vẫn chưa đủ. Đại tá hải quân về hưu, ông Yakob Beressen tuyên bố các lực lượng vũ trang Na Uy trong một thời gian dài đã gặp nhiều khó khăn vì thiếu tiền đầu tư.

Tàu ngầm Nga lâm nguy: Na Uy buông lưới quyết bắt bằng được? - Ảnh 2.

Tàu khinh hạm lớp Fridtjof Nansen của Hải quân Na Uy.

Tổng ngân sách hàng năm cho tình báo Na Uy (Etterretningstjenesten), mà thường được gọi là E-tjenesten ở Na Uy mặc dù chính thức nó được gọi theo tên tiếng Anh là Norwegian Intelligence Service – NIS hoặc đơn giản là E-Service, ước khoảng dưới 200 triệu USD.

Lãnh đạo cơ quan này được báo chí gọi là E-boss. E-boss hiện nay, trung tướng Morten Haga Lunde, tiếp quản vị trí này vào tháng 1/2016, khẳng định rằng trong tương lai Nga có thể trở thành mối đe doạ lớn đối với Na Uy.

Theo thông tin của tờ nhật báo nổi tiếng Na Uy Verdens Gang (VG), E-Service có khoảng từ 800 đến 1000 nhân viên. Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy, bà Ine Ericsen Sereyde khẳng định quyết định cấp thêm tiền để phục vụ nhu cầu của cơ quan tình báo.

Tiểu ban đặc biệt của Quốc hội Na Uy kiểm soát hoạt động của E-Service. Tình báo quân sự Na Uy liên hệ mật thiết với CIA của Mỹ và MI6 của Anh.

Về mặt lịch sử, những lợi ích của E-Service tập trung vào các vùng và hướng phía bắc. Luồng thông tin tình báo được các tình báo viên của Na Uy thu thập ở đây và được chuyển ngay lập tức cho Mỹ, theo quan điểm của Oslo, là sự đảm bảo hỗ trợ quân sự đáng giá cho Na Uy nếu xảy ra xung đột vũ trang.

Tờ nhật báo Dagbladet của Na Uy gọi điểm nghe lén ở Varde, cách không xa biên giới Nga – Na Uy là chiếc tai khổng lồ hướng sang phía đông.

Tạp chí danh tiếng Deutsche Wirtschafts Nachrichten của Đức còn cung cấp cho độc giả những chia sẻ của người đứng đầu E-Service thừa nhận việc tiến hành nghe lén hàng loạt các cuộc điện thoại trên khắp thế giới.

Thực ra, theo ghi nhận của ABC Nyheter, chỉ những cuộc điện thoại tại các khu vực có xung đột bên ngoài Na Uy mới bị nghe lén. Những dữ liệu siêu khổng lồ về 33.186.042 cuộc điện thoại đã được chuyển cho các đồng minh trong NATO và trước tiên là cho Cơ quan an ninh quốc gia Mỹ.

Trước đó, chính phủ Na Uy chỉ trích mạnh mẽ việc này. Bộ trưởng Tư pháp Anders Anunsen gọi đó là điều không thể chấp nhận được. Các đồng nghiệp Thuỵ Điển của E-Service đến từ Cơ quan phát thanh truyền thông (FRA) cũng giúp đỡ cho Mỹ thu thập thông tin về các chính khách của Nga.

Công tác xử lý dữ liệu tình báo khổng lồ cần phải sử dụng những công nghệ máy tính tiên tiến nhất. Một phần của chương trình đầu tư quy mô về phát triển E-Service cần phải kể đến việc cơ quan tình báo Na Uy sắm chiếc siêu máy tính được đặt tên là Steel Winter.

Trong quá trình hợp tác với Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ, các chuyên gia của E-Service tham gia vào công tác thiết kế chương trình phần mềm để giải mã những dữ liệu thú vị nhất từ NIS COLLECT.

Đây là chương trình Windsor Blue dành cho siêu máy tính – điện toán để hoạt động bên trong gã khổng lồ CNTT IBM của Mỹ. "Giải mã hiện đại không thể thực hiện được nếu không có các máy tính mạnh", chuyên gia nghiên cứu Howard Reddum Simula đến từ Bergen (Na Uy) chia sẻ.

Kỹ thuật ở ranh giới Đại Tây Dương

Việc thiết lập tại Cực Bắc hệ thống theo dõi quy mô giúp NATO xây dựng một bức tranh đầy đủ về những gì xảy ra trong khu vực bằng sự hỗ trợ của rất nhiều vệ tinh, tàu thuyền, máy bay, hệ thống định vị sóng và các thiết bị cảm ứng hải dương, theo ý kiến của chuyên gia Niclas Viclund, là phản ứng của phương Tây trước những hành động của Nga.

Các mục tiêu của tình báo là những hệ thống định vị sóng mạnh sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ bí mật.

Những hệ thống này bao gồm 2 tổ hợp sóng điện đa chức năng cấp độ toàn cầu để nghiên cứu không gian vũ trụ tiếp giáp trái đất bằng các phương pháp sóng điện chủ động EISCAT-anleggene ở Troms và SPEAR ở Longyear (Na Uy), trạm hệ thống sóng định vị quân sự LORAN-S trên Đại Tây Dương và trạm radar Blobus II ở Varde với khả năng theo dõi được các cuộc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Công trình trạm radar Globus III sẽ bắt đầu được triển khai vào năm 2017 và hoàn tất vào năm 2020. Tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1 tỷ krone (tiền Na Uy). Đồng thời, Globus II có thể được nâng cấp với tổng trị giá gói thầu vào khoảng 118 triệu đôla Mỹ.

Các trạm radar, theo khẳng định của E-Service, sẽ giúp Na Uy kiểm soát được tình hình trên vũ trụ. Thị trưởng Varde, ông Robert Jensen còn thừa nhận một cách đầy hiếu kỳ.

Trả lời câu hỏi thành phố có thể trở thành mục tiêu tấn công quân sự từ phía Nga vì trạm radar mới này nếu một cuộc xung đột vũ trang xảy ra hay không, thị trưởng phủ nhận và giải thích rằng xung quanh thành phố có nhiều mục tiêu không kém ý nghĩa và tầm quan trọng khác.

Tình báo như một bức tranh phong cảnh

6 chiếc máy bay tuần thám săn ngầm P-3 Orion của Không quân Hoàng gia Na Uy được coi là tai mắt ở phía bắc của Na Uy. Sự hiện diện của các máy bay của Na Uy trên biển Barantzevo đã từ lâu là một phần của cảnh quan xung quanh và không khiến cho người Nga thấy khó chịu.

Sự căng thẳng trong khu vực có chiều hướng gia tăng chỉ khi nào các tàu chiến của Mỹ và Anh xuất hiện và hành xử một cách khiêu khích. Có lần các tàu chiến này còn tiếp cận gần tối đa biên giới của Nga và có những hành động rất khiêu khích. Người Nga cũng không vừa, chuyên gia Na Uy cho biết, họ đáp trả ngay lập tức…

Tàu ngầm Nga lâm nguy: Na Uy buông lưới quyết bắt bằng được? - Ảnh 3.

Máy bay tuần tiễu P-3 Orion của Na Uy. Ảnh: Airliners.net.

Tạp chí Flight Global (Anh) hồi tháng 6/2016cho rằng Na Uy có kế hoạch loại biên các máy bay P-3 Orion đã hết thời hạn phục vụ.

Ứng viên thay thế là máy bay tuần tra và chống hạm Boeing P-8 Poseidon được trang bị hệ thống radar AN/APS-137D(V)5 và hệ thống do thám kỹ thuật AN/APY-10 của công ty Raytheon.

Phiên bản này cho phép thực hiện hoạt động quét bản đồ, nhận dạng các mục tiêu đứng yên trên mặt nước cũng như phát hiện các tàu ngầm lặn sâu dưới nước.

Tình báo Na Uy chú trọng tới việc hoàn thiện toàn bộ các công cụ theo dõi, nhòm ngó và nghe lén nhằm nỗ lực đáp ứng những nhu cầu của Mỹ và NATO về thông tin liên quan tới các lực lượng vũ trang Nga.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ báo VG, lãnh đạo E-Service, tướng Lunde thừa nhận rằng, những công nghệ thông tin và truyền thông phát triển rộng rãi tạo nên những cơ hội để triển khai các chiến dịch do thám kỹ thuật số chưa từng có trước đây.

Chính việc Hải quân Na Uy đưa vào khai thác chiếc siêu hạm Marjata với nhiệm vụ theo dõi hạm đội hải quân Nga ở khu vực phía bắc là để hiện thực hoá mục tiêu này. Trang điện tử chính thức của quân đội Na Uy tự hào gọi nó là chiếc tàu tân tiến nhất trên thế giới.

Theo dữ liệu của các nguồn tin Na Uy, chiếc tàu tiền nhiệm của Marjata đã phát hiện chiếc tàu ngầm "Kursk" của Nga cách nơi bị nạn 19km. E-boss Lunde không giấu diếm sự ngưỡng mộ của mình khi chiếc tàu do thám mới được lắp đặt thiết bị bí mật tại căn cứ hải quân "Cheatham" của Mỹ đã cập cảng Kirkenes (Na Uy) vào tháng 5/2016.

Lễ tiếp nhận chính thức được tổ chức hoành tráng hơn bình thường chứng tỏ ý nghĩa của chiếc tàu do thám Marjata đối với hoạt động theo dõi có ứng dụng công nghệ cao nhằm vào Nga.

Nói chung, dù có sử dụng công nghệ cao thế nào đi chăng nữa thì cũng không mang lại lợi thế và sự an ủi. Đất nước Phần Lan trung lập có gần 1500km biên giới với Nga vẫn cảm thấy tự tin hơn nhiều và trân trọng những mối quan hệ hàng xóm hữu hảo với Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại