Tàu ngầm tấn công lớp Seawolf - USS Connecticut của Hải quân Mỹ đã cập cảng San Diego (bang California) vào sáng 12/12 sau một quãng đường dài từ đảo Guam. Trước đó, tàu ở lại đảo Guam khoảng 2 tháng để sửa chữa sơ bộ sau vụ va chạm với núi ngầm ở Biển Đông ngày 2/10.
Hình ảnh mới được hé lộ cho thấy tàu Connecticut hư hỏng nặng phần mũi. Toàn bộ vòm sonar ở mũi tàu đã không còn. Đây là lí do con tàu buộc phải bơi nổi trong suốt hành trình từ đảo Guam đến San Diego.
Tàu ngầm mất hẳn phần vòm sonar. Ảnh: Twitter
Lí do tàu Connecticut không ở lại đảo Guam là vì căn cứ này không có ụ tàu để tiến hành sửa chữa những bộ phận quan trọng. Địa điểm gần nhất có ụ tàu là Trân Châu Cảng, nhưng vì số tàu ngầm lớp Seawolf của quân đội Mỹ khá ít nên việc sửa chữa sẽ không đơn giản.
Trước đó, nhiều người cho rằng điểm đến khả dĩ nhất của tàu Connecticut sau khi rời Guam là Bremerton (Washington). Đây là cảng nhà của 3 tàu ngầm lớp Seawolf.
Quãng đường từ Guam đến Washington dài 9.000km, trong khi quãng đường đến San Diego dài hơn đáng kể - 9.900km. Tuy nhiên, San Diego được chọn làm điểm đến vì trên tuyến đường này có nhiều hòn đảo có thể cho phép Connecticut cập cảng khẩn cấp nếu cần.
Việc phải bơi nổi trên suốt quãng đường dài gần 10.000km với một chiếc tàu ngầm bị hư hỏng nặng, thậm chí không có vòm sonar, là điều vô cùng khó khăn. Hiện chưa rõ tàu Connecticut có được hộ tống bởi con tàu nào khác hay không. Nhưng tàu khu trục USS Mustin đã cập cảng San Diego không lâu sau USS Connecticut, cho thấy khu trục hạm này có thể đã đồng hành cùng tàu Connecticut trong ít nhất một phần của chuyến đi.
Trước đó hồi đầu tháng 11, Hải quân Mỹ đã cho thôi việc 3 lãnh đạo trên tàu ngầm hạt nhân tấn công USS Connecticut là sĩ quan chỉ huy Cameron Aljilani cùng 2 sĩ quan khác là Patrick Cashin và Cory Rodgers vì "mất lòng tin".
Theo Phó đô đốc Karl Thomas, Tư lệnh Hạm đội 7, tai nạn trên lẽ ra có thể đã tránh được, nhưng tàu ngầm đã không thận trọng khi đi qua khu vực có địa hình phức tạp.