Tàu ngầm Kilo Việt Nam sẽ trở nên vô dụng nếu thiếu thứ này

Đại tá Trần Danh Bảng |

Thiếu nó, tàu ngầm Kilo-636 của Việt Nam dù hiện đại đến mấy cũng chẳng khác nào một "kẻ mù quơ gậy".

Các cấp chỉ huy tổ chức chiến đấu hiệp đồng các quân binh chủng, trong đó có tác chiến không-bộ nhất thiết phải có bản đồ tỷ lệ khác nhau, để "dựa vào dáng núi, thế sông" mà dụng mưu, lập kế, điều binh, đánh thắng.

Tác chiến tàu ngầm dưới biển sâu cũng nhất thiết phải có bản đồ đáy biển. Thiếu nó khác nào "kẻ mù quơ gậy".

Bể sâu luôn có kẻ dò

Ai làm ra tấm hải đồ này? Đó là những người "đạc biển", nói chính danh là "Lực lượng biên vẽ hải đồ".

Hà Lan, Anh, là cường quốc biển có, truyền thống đo đạc biển bằng những con tàu mang thiết bị rất thô sơ, như tàu Ark, Medusa (1883-1900), Mermaid (1901-1915)

Ngày ấy đo độ sâu, vẽ địa hình đáy biển họ chỉ có dây rọi, thợ lặn mang dây thừng buộc đá. Còn khi đo các chỉ số về luồng hải lưu, họ phải dựa vào kinh nghiệm thuỷ thủ và ngư dân bản địa. Về việc chuẩn toạ độ mặt biển và đáy biển, họ dựa chính vào công nghệ đo đạc bản đồ địa hình trên mặt đất, từ đó mà "biên sai", "bắn cốt" sang.

Cornelis Jacobszoon Drebbel (1572-1633) nhà khoa học người Hà Lan, được coi là nhà phát minh ra chiếc tàu ngầm đầu tiên trên thế giới vào năm 1620. Khi đó ngành đạc biển mới có hải đồ trên mặt nước. Tàu ngầm ngày càng phát triển, trở nên một phương tiện tấn công bí ẩn, bất ngờ, càng khiến cho ngành đạc biển ngày càng phát triển.

Tàu ngầm Kilo Việt Nam sẽ trở nên vô dụng nếu thiếu thứ này - Ảnh 1.

Tàu ngầm Kilo-636 của Hải quân Việt Nam.

Trên mặt đất có gì, dưới biển có nấy

Với nhà cầm quân, bản đồ giúp họ về địa hình, trong đó có địa lý quân sự, giao thông quân sự, khí tượng quân sự, "dáng núi, thế sông". Đặc biệt ở bản đồ tỷ lệ nhỏ, phải cập nhật liên tục các chỉ số về đường xá, cầu cống, lực lượng địch-ta.

Trên đất có gì, dưới đáy biển có nấy! Đó là các luồng, lạch, khe, rãnh, dưới nước. Trên bộ cần độ cao núi, thì dưới nước cần độ sâu, dáng lồi lõm, độ rộng các khe lạch, dòng hải lưu có tốc độ chảy xiết khác nhau.

Các nhà địa lý biển thế giới từng đo vẽ trên các đại dương có hàng chục "cao nguyên" dưới biển như cao nguyên Campbell (Nam Thái Bình Dương), Agulhas (Tây Nam Ấn Độ), Caribbean Colombia (Caribbean), Hikurangi (Tây Nam Thái Bình Dương)

Có cả các "sống núi" giữa đại dương như sống núi Rise (Đông Thái Bình Dương), Ridge (Đông Nam Ấn Độ)… Ngoài ra dưới biển còn cực nhiều khe, rãnh, mũi đất, rất phức tạp, có nơi không kém gì "đại vực Grand Canyon" bang Arizona, Mỹ.

Người chỉ huy hải quân cần nắm chắc địa hình đáy biển từ ven bờ đến đại dương, trong vùng biển đảo chủ quyền để có chiến thuật, chiến lược phòng thủ, tấn công hiệu quả. Tàu ngầm dựa vào đó để tìm đường cơ động, phục kích đối phương, tìm chỗ cho tàu ngầm trú náu.

Tàu ngầm Kilo Việt Nam sẽ trở nên vô dụng nếu thiếu thứ này - Ảnh 2.

 Ảnh C: Các máy đo độ sâu đa tia, thiết lập hải đồ đáy biển.

Nói tóm lại, để tìm lợi thế đáy biển cho tàu ta, thực hiện đòn tấn công phục kích thủy lôi – ngư lôi, khoét sâu điểm yếu của tàu ngầm, tàu nổi địch.

Với lực lượng trinh sát, cảnh giới ngầm, được coi là những "tai-mắt" cực kỳ quan trọng của tàu ngầm, thì một khi có hải đồ càng chi tiết, càng có lợi thế trong thăm dò tiếng động (sona), thăm dò từ trường, phát hiện đối phương.

Bởi họ phân biệt rõ đâu là tiếng dội địa hình, đâu là mục tiêu lạ xâm nhập vùng biển. Họ còn phải phân biệt địch-ta, tránh những "đòn lừa chết người" vì bộc lộ lực lượng. Trong tác chiến tàu ngầm, câu "biết địch-biết ta" có ý nghĩa sâu sắc hơn đâu hết!

Các tài liệu chiến sử hải quân cho thấy, người Đức bước vào Thế chiến II có một chiến lược, hệ thống huấn luyện và sử dụng tàu ngầm cực kỳ nhuần nhuyễn, dựa trên cơ sở nắm chắc điạ hình đáy biển hiểm yếu, để phục kích đánh đắm nhiều tàu hàng của Anh.

Trong chiến tranh lạnh ít nhất có 4 đến 5 tàu ngầm hạt nhân của Mỹ, nằm im tại vùng có núi đá ngầm, quan sát qua kính tiềm vọng theo dõi lối ra các căn cứ chính của hạm đội Liên Xô ở miền bắc và Viễn Đông, sẵn sàng ngăn chặn Hải quân Liên Xô triển khai lực lượng ồ ạt.

Các tàu ngầm Liên Xô trong những năm chiến tranh lạnh đã có mặt trên hướng tác chiến chủ yếu với hạm đội Mỹ. Nhưng gần như tất cả các chúng đều bị tàu ngầm Mỹ phát hiện trên các tuyến tiếp cận Cu Ba, điều đó đồng nghĩa với việc có thể bị tiêu diệt bất cứ lúc nào. Đó là nhờ người Mỹ nắm địa hình đáy khu vực ven bờ biển Caribe "như lòng bàn tay".

Trên biển Bắc gần biển Liên bang Nga, toàn bộ khu vực lưu vực lòng chảo (đáy biển) Lofoten từ bờ biển của Na Uy đến đảo Jan Mayne NATO và Mỹ bố trí các an ten sonars thủy âm, khiến tất cả các tàu ngầm Xô Viết không còn khả năng bí mật cơ động vào biển Đại Tây dương và Thái Bình Dương.

Tàu ngầm Liên Xô bị phát hiện ngay khi vượt biển, các anten của sonar thủy âm đặt ở các "lạch xung yếu" phát hiện ra tàu ngầm Liên Xô ở khoảng cách hàng trăm km.

Biên vẽ hải đồ khó hay dễ?

Trên đất liền, dựa vào ảnh hàng không chụp phẳng hoặc 3D, phim chụp có gắn toạ độ sẵn. Từ đây lực lượng biên vẽ chỉ cần sử dụng kính kinh vĩ (nhìn thấy) đạc lại, chuẩn mốc địa hình, dựng các đường bình độ bằng máy hoặc bằng tay (dựa trên các phần mềm máy tính) tất cả hầu như nhìn thấy, kể cả việc cập nhật các yếu tố quân sự…

Biên vẽ hải đồ là nghề "Tìm kim đáy bể". Tàu thuyền trên mặt nước "bừa" trên từng ô lớn toạ độ, trước kia dùng dây rọi đo độ sâu tịnh tiến, từng tuyến hẹp. Nay có máy đo sâu, nên đo nhanh hơn nhiều.

Phải sử dụng rất nhiều tàu thuyền, nhiều lực lượng đo, sau đó tổng hợp "ghép" mảnh lại, ta có bản đồ đáy biển sơ khai. Vùng ven bờ, ven đảo nước nông đo đã khó, vùng đại dương rất sâu hàng ngàn mét, đo chuẩn còn khó hơn nhiều lần, sai số lớn.

Nhờ sự phát triển của công nghệ, cách mạng số hoá, ngày nay Lực lượng biên vẽ hải đồ có các tàu chuyên dùng, (như tàu Calanus, Seol Mara của Anh). Trên đó có các thiết bị quét sonar đáy biển chính xác.

Đặc biệt trong ngành hải đồ, từ khi có máy đo độ sâu "đa tia" (Multibeam Echo Sounders) đã cung cấp một công cụ lập bản đồ đáy biển rất mạnh. Khác với máy đơn tia, đo vừa lâu vừa thiếu chính xác, máy đo độ sâu đa tia có nhiều lợi thế.

Như những thiết bị đo độ sâu "đa tia" của Công ty Kongsberg (NaUy), ( ảnh C) đo được tất cả các vùng nước sâu và nhiều ứng dụng quan trọng. Nhờ có các chùm tia, máy đo theo diện tích rộng, đo độ sâu vùng biển tới hàng ngàn mét.

Như máy đo sâu EM 122, tần số 12 kHz, phát tia kép, quét góc lớn tới 143 độ. Có thể đo chính xác từ độ sâu 20 m đến 11.000 m! Một lần đo có thể thiết lập được địa hình đáy biển diện tích hàng ngàn mét dài.

Đo đáy biển cũng phải có tiêu chuẩn, theo quy định của Tổ chức Thủy đạc Quốc tế (IHO). Độ phân giải chỉ dưới 5m. Đó là nhờ các máy thu tín hiệu định vị vệ tinh chuẩn GPS và DGPS, cùng các máy tính xử lý dữ liệu rất mạnh.

Bên cạnh năng suất lập bản đồ đáy sâu có độ chính xác đặc biệt cao, hải quân các nước còn kết hợp với loại sona cao cấp, sử dụng nguồn âm đa chùm, được phân tích bằng các foóc măng (hài bậc thấp), rất chính xác, qua máy tính, khiến đáy biển lộ tất cả các chi tiết. Như cấu tạo vật liệu đáy biển (bùn, cát, đá, mảnh kim loại, phi kim) bằng cách dựng hình từ các dữ liệu âm thanh.

Viện Marine Scotland (thuộc Anh) đã sử dụng thiết bị sonar Klein 3000 tần số kép, phụ quét cùng với trạm Triton, qua phần mềm tạo ra hình ảnh âm thanh đáy biển, dựng lên khu vực trầm tích, chất đáy là hạt thô hay hạt mịn, chướng ngại vật, giúp các hạm đội đánh giá đúng tình hình.

Tàu ngầm trong tác chiến và hoạt động còn cần các thông số từ trường, trọng lực biển; dòng chảy, độ mặn, nhiệt độ nước biển, vận tốc truyền âm trong nước...để cơ động, lặn sâu, thả bãi thuỷ lôi… Tóm lại, hải đồ đáy biển ngày nay đã cung cấp đầy đủ, cập nhật các thông số, giúp tàu ngầm vận hành, cơ động, tác chiến nhanh, chính xác.

Ngày càng hiện đại

Khoa học biển được ứng dụng rất rộng và sâu tiến bộ KHCN đa ngành. Từ vệ tinh viễn thám, đến việc phối hợp với các thiết bị đo từ trường của tàu nổi, tàu ngầm, các máy bay UAV và cả các máy đo ngầm không người lái ROV.

Hiện nay Mỹ có hai vệ tinh quan sát địa hình biển, Jason-1 , và Jason-2, kết hợp các phép đo trọng lực có thể xác định địa hình bề mặt nước biển thay đổi trong một vài cm.

Còn vệ tinh TOPEX/Poseidon của một cơ quan không gian Pháp, luôn cập nhật 10 ngày 1 lần những khu vực biển, đáy biển bị biến dạng.

Từ đây bản đồ đáy biển, được hải quân các nước xác định những vùng "chiến địa", những "trận địa", vùng nhạy cảm, để cập nhật theo thời gian thực tất cả những biến đổi vật lý, hoá sinh và địa hình. Có tác dụng tức thì cho lực lượng tàu ngầm "hành sự".

Công nghệ truyền thông từ đó thiết lập các chuỗi truyền tải và quản lý dữ liệu biển, qua nhiều năm hiệu chỉnh càng cho ra bản đồ đáy độ chính xác rất cao.

Hiện hải quân nước Anh đang thực hiện tập hợp các dữ liệu, thông qua các bản đồ rộng lớn cho công trình quốc phòng. Nước này có kho dữ liệu khổng lồ về các vùng biển.

Tàu ngầm Kilo Việt Nam sẽ trở nên vô dụng nếu thiếu thứ này - Ảnh 3.

 Đáy biển không bằng phẳng.

Tranh chấp dưới đáy biển gập gềnh

Theo các tài liệu, bài báo, càng ngày, người Mỹ, người Nhật và người Nga… càng phát triển rất cao các hệ thống dò tìm tàu ngầm. Để đặt và thả các thiết bị phát xung như LELFAS (Long-Endurance Low-Frequency Active Source) và các thiết bị thu tín hiệu sonar ADS (Advanced Deployable System) hay hệ thống dò tìm phối hợp đa phương tiện IUSS…

Hải quân Mỹ và Nhật bản có trong tay bản đồ địa hình các vùng biển trên Thái Bình Dương rất chi tiết, tăng hiệu quả do thám, phát hiện tàu ngầm lạ.

Cho dù quốc gia Indonesia, hay Nhật Bản có hàng ngàn đảo ven bờ lớn, nhỏ, nhưng ngành địa hình hải quân Mỹ, Nhật nắm chắc từng khe, rãnh, luồng lạch những vùng biển rộng lớn này. Bởi từ lâu, họ đã vẽ đi, vẽ lại từng ô vuông trên biển.

Các đường cong thể hiện những "yếu địa" mà Mỹ đã đặt cảm biến tại các "lối đi có thể" của tàu ngầm lạ, suốt từ vùng biển Kalimantan đến Java, qua eo biển Sunda giữa Java và Sumatra, từ mũi phía bắc Sumatra dọc theo phía đông của quần đảo Andaman và Nicobar của Ấn Độ.

Hệ thống chia sẻ thông tin theo thời gian thực giữa Mỹ và Nhật Bản được kết nối với tuyến SUSUS phòng thủ đáy biển, tạo một đường vòng cung thám sát, vây chặt chẽ xung quanh khu vực Đông Nam Á, từ Biển Andaman đến Nhật Bản.

Sự gia tăng tàu ngầm một cách "chóng mặt" của các quốc gia vùng biển Đông nam Á, khiến người ta lo ngại dưới vùng biển này "lúc nhúc" hằng trăm loại tàu ngầm (ảnh A) tranh chấp.

Nhưng thắng bại của cuộc chiến dưới đáy sâu chưa hẳn là số đông, chưa hẳn là tàu hiện đại. Một quốc gia biết rõ "địa lợi" của mình sẽ phát huy cao nhất hiệu quả phòng thủ và đánh thắng, khi phối hợp tốt các lực lượng trên "chiến địa", tạo nên thế trận tác chiến biển đảo vững vàng.

Tàu ngầm Kilo Việt Nam sẽ trở nên vô dụng nếu thiếu thứ này - Ảnh 4.

Tàu khảo sát đo đạc biển HSV 6613 mang tên Giáo sư Viện sĩ Trần Đại Nghĩa.

Hải quân Việt Nam đầu tư khí tài đo đạc biển công nghệ cao

Đoàn đo đạc, biên vẽ biển Quân chủng Hải quân Việt nam, đã được trang bị khí tài, máy đo hiện đại, công nghệ tiên tiến, độ chính xác cao, xây dựng hải đội tàu, trong đó có tàu chuyên dùng hoạt động dài ngày ở biển xa, khí hậu, thời tiết phức tạp.

Đoàn đã thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, kế hoạch đo đạc, biên vẽ hải đồ biển phủ trùm toàn bộ vùng biển nước ta; khảo sát đo đạc ở các khu vực trọng điểm, phục vụ phân định Vịnh Bắc Bộ giữa nước ta và Trung Quốc; đo đạc các vùng biển quần đảo Trường Sa, DK1, vùng biển Tây Nam và bảo vệ các tàu thăm dò dầu khí, tham gia phục vụ xây dựng tuyến cáp quang trên biển trục Bắc-Nam.

Mới đây, Đoàn Đo đạc, biên vẽ hải đồ và nghiên cứu biển vừa nhận chiếc tàu khảo sát, đo đạc biển đầu tiên, được trang bị các phương tiện máy, thiết bị khảo sát, đo đạc biển tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao, hiện đại nhất trong lĩnh vực thủy đạc tầm thế giới.

Tàu do Tập đoàn Damen (Hà Lan) thiết kế, phù hợp với tính năng khảo sát thủy văn và đo đạc biển. Tàu chuyên dụng HQ 888 này có tên Trần Đại Nghĩa lắp đặt hệ thống thiết bị đo sâu hồi âm đa tia, thiết bị quét biển Side Scan Sonar.

Đoàn đã được đầu tư công nghệ phần mềm biên tập bản đồ hàng hải điện tử (ENC) tiên tiến. Cán bộ kỹ thuật của đơn vị thường xuyên cập nhật các phiên bản mới tiêu chuẩn kỹ thuật đo đạc, bản đồ của Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO). Đến nay, sản phẩm hải đồ của đơn vị (hải đồ giấy, hải đồ số, hải đồ điện tử) được xuất bản đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật của IHO.

Nhờ vậy, các kết quả thu được sẽ giúp tàu ngầm Kilo-636 hoạt động tốt hơn, đúng nghĩa với vai trò là "quả đấm thép" trên biển của Hải quân Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại