Tờ The Financial Times (Anh) cho biết, trong vòng 6 tháng qua, Lầu Năm Góc bắt đầu bàn thảo công khai về chương trình phát triển tàu ngầm không người lái (từng được giữ bí mật) nhằm ngăn chặn Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter từng đề cập đến tàu ngầm không người lái trong bài phát biểu về chiến lược quân sự trong chuyến công du châu Á, và tiết lộ khả năng điều tàu ngầm không người lái ra Biển Đông, nơi có nhiều khu vực nước nông.
Lầu Năm Góc đầu tư vào phát triển tàu ngầm “bao gồm những tàu ngầm không người lái đủ kích cỡ và quan trọng nhất là có thể hoạt động trong vùng nước nông, nơi tàu ngầm có người lái không thể hoạt động được”, ông Carter nói khi thăm tàu sân bay hạt nhân USS John C. Stennis của Mỹ.
Ông Carter tiết lộ trong năm 2017, Mỹ sẽ đầu tư 8 tỷ USD vào phát triển tàu ngầm.
Cũng theo The Financial Times, tàu ngầm không người lái cỡ nhỏ khó bị phát hiện do đa số các thiết bị phát hiện tàu ngầm được thiết kế để dò tìm vật thể lớn trong nước. Và tàu ngầm không người lái có thể dễ dàng luồn lách, xâm nhập cảng của quân địch mà không bị phát hiện.
Mục tiêu của Mỹ đã khá rõ ràng, nhưng Thời báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) dẫn lời chuyên gia quân sự nước này - ông Lý Kiệt bàn cách ứng phó với tàu ngầm không người lái của Mỹ.
Lý Kiệt nói rằng, Mỹ ra sức phát triển các loại vũ khí mới với đại diện là trang bị không người lái, làm cho các loại không gian như trên biển, trên mặt đất, trên không và trong vũ trụ đều có thiết bị không người lái, và có các chủng loại hoạt động ở biển sâu, biển nông và hoạt động cả trên biển-trên bộ. Tư tưởng và phương pháp tác chiến này đe dọa Trung Quốc rất lớn.
Lý Kiệt cho rằng, có "giáo" thì sẽ có "khiên", Mỹ phát triển vũ khí trang bị không người lái và cỡ nhỏ hiện thuộc giai đoạn nghiên cứ chế tạo, sau khi hình thành hệ thống tác chiến sẽ đe dọa Trung Quốc ngày càng lớn.
Lý Kiệt đề xuất: "Muốn ứng phó nó, vừa phải tiêu diệt từng chiếc, vừa phải xây dựng hệ thống tổng hợp, có hiệu quả để đập tan mối đe dọa của chúng", không thể bị động ứng phó, cần áp dụng các biện pháp phá giải rõ ràng, chẳng hạn trang bị không người lái cần điều khiển từ xa, tầm xa, có thể áp dụng công nghệ gây nhiễu.
Điều quan trọng là ở biện pháp kỹ thuật, chẳng hạn áp dụng tư duy "không người lái đối phó không người lái" hoặc "lấy nhỏ đánh lớn", áp dụng các thủ đoạn công nghệ phi đối xứng để tiến hành kiềm chế và tấn công.
Ngoài ra, cũng cần chủ động nghiên cứu phát triển vượt trước các loại vũ khí trang bị tiên tiến để ứng phó với các mối đe dọa từ Mỹ.