Theo cây bút chuyên viết về tàu ngầm H.I Sutton, Nga thường chỉ triển khai các tàu ngầm diesel-điện đến khu vực này.
Mặc dù các tàu ngầm diesel-điện rất mạnh và có thể mang theo một số tên lửa hành trình tầm xa, nhưng sự xuất hiện của tàu lớp OSCAR-II là sự gia tăng lớn về hỏa lực của Hải quân Nga tại đây.
Vì vậy, khi một tàu loại này xuất hiện, nó được NATO và các nước vùng Baltic (Estonia, Latvia, Litva) đặc biệt chú ý.
Sự xuất hiện của con tàu được các nhà phân tích tình báo nguồn mở (OSINT) theo dõi. Khi nó đi ngang qua cầu Great Belt bắc qua lối vào Baltic, nó phải nổi lên mặt biển, vì vậy nó có thể được nhìn thấy qua các webcam công cộng trên cầu.
Các nhà phân tích OSINT đã chia sẻ thông tin và xác định danh tính con tàu ngầm.
Tàu ngầm lớp OSCAR II có thể mang nhiều loại tên lửa.
Tàu ngầm này được cho là Orel (K-266), dự kiến sẽ xuất hiện trong cuộc diễu hành Ngày Hải quân ở St. Petersburg vào ngày 26 tháng 7. Tuy nhiên, thường có nhiều thứ hơn là chỉ là một cuộc diễu hành.
Tàu ngầm này có thể tham gia tập trận với các đơn vị khác, và được coi là một cuộc thể hiện sức mạnh ở biển Baltic. Bộ Quốc phòng Nga đã cho các tàu hải quân thực hiện một chiến dịch đổ bộ trước cuộc diễu hành.
Theo ông Sutton, sự xuất hiện của tàu ngầm Orel rất có ý nghĩa vì theo các bản tin, nó đã được nâng cấp để mang tên lửa P-800 Oniks, thay thế các tên lửa chống hạm P-700 Granit ban đầu. Oniks là tên lửa siêu âm và có thể tấn công cả tàu chiến lẫn các mục tiêu trên bộ.
Việc nâng cấp cũng sẽ giúp tàu ngầm Orel sử dụng các tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M14K Kalibr. Chúng tương đương với tên lửa hành trình Tomahawk của Hải quân Mỹ.
Cả hai loại vũ khí mới này đều nhỏ hơn tên lửa Granit. Với Granit, tàu chỉ mang được 24 quả đạn, nhưng với Oniks và 3M14K Kalibr, tàu Orel có thể mang hỗn hợp 72 quả đạn.
Cả hai loại tên lửa hành trình này đều đã được thử nghiệm chiến đấu ở Syria. Trong khi những lần thử nghiệm đầu tiên có thể có thành công hạn chế, kinh nghiệm hoạt động sẽ là vô giá đối với Hải quân Nga.
Các tên lửa dự kiến sẽ hoạt động tốt hơn trong trong tương lai sau các điều chỉnh dựa trên kinh nghiệm chiến trường.
Cũng có khả năng các tàu ngầm OSCAR II được nâng cấp sẽ mang tên lửa chống hạm 3M22 Zircon trong tương lai. Đây là một vũ khí siêu vượt âm mới được báo cáo là di chuyển với tốc độ gấp 8 lần tốc độ âm thanh (Mach 8).
Sự đánh đổi là tầm bắn, do đó, Zircon dự kiến sẽ có tầm bắn nhỏ hơn nhiều so với Oniks và Kalibr. Kalibr, tên lửa có tốc độ chậm nhất, sẽ có tầm bắn lớn nhất.
Việc nâng cấp có thực sự bao gồm các vũ khí mới hay không vẫn chưa được xác nhận. Nhưng nếu đó là sự thật thì nó sẽ chỉ làm thêm vào nỗi bất an của các nước láng giềng.
Và thậm chí các tên lửa Granit cũ hơn cũng là hỏa lực đáng kinh ngạc trong bối cảnh vùng Baltic. Không có quốc gia nào khác ở Baltic có tàu ngầm trang bị tên lửa hành trình.
Đây không phải là lần đầu tiên trong những năm gần đây, Nga triển khai các tàu ngầm hạt nhân vũ trang mạnh mẽ đến vùng Baltic cho cuộc diễu hành Ngày Hải quân hàng năm.
Năm 2017, tàu ngầm lớp Typhoon Dmitry Donskoy, tàu ngầm lớn nhất thế giới, đã đến đây diễu hành. Sau đó vào năm 2018, đến lượt Orel, và năm ngoái, người chị em lớp Oscar-II của nó, Smolensk.
Để vào được Baltic, các tàu phải đi qua vùng biển giữa Đan Mạch và Thụy Điển hoặc đi qua tuyến đường thủy Great Belt ở Đan Mạch. Orel đi theo con đường Great Belt.
Nếu các tàu Nga đi một mình qua vùng biển Đan Mạch thì họ không phải báo cáo hành trình. Tuy nhiên, nếu ba hoặc nhiều tàu đi cùng nhau thì họ sẽ phải thông báo với giới chức Đan Mạch.
Tất cả các hoạt động này thường được tàu chiến hoặc máy bay Đan Mạch theo dõi.